MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy tắc nhập khẩu mới của Trung Quốc làm đau đầu các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống toàn cầu

15-12-2021 - 08:17 AM | Thị trường

Quy tắc nhập khẩu mới của Trung Quốc làm đau đầu các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống toàn cầu

Các nhà sản xuất rượu whisky Ailen, sôcôla Bỉ và các nhãn hiệu cà phê châu Âu đang nỗ lực để tuân thủ các quy định mới về thực phẩm và đồ uống của Trung Quốc. Nếu không, hàng hóa của họ sẽ không thể vào được thị trường khổng lồ này kể từ ngày 1/1/2022.

Cơ quan hải quan Trung Quốc tháng 4/2021 đã công bố các quy tắc an toàn thực phẩm mới, quy định tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm ở nước ngoài cần phải đăng ký vào cuối năm để hàng hóa của họ được tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Nhưng theo hướng dẫn các thủ tục chi tiết, việc xin mã đăng ký chỉ có thể được thực hiện vào tháng 10/2021, trong khi một trang web dành cho các công ty được phép tự đăng ký đã được mở vào tháng 11/2021 (singlewindow.cn).

"Chúng tôi có thể bị gián đoạn việc cung cấp sau ngày 1/1", nhà ngoại giao của một nước Châu Âu ở Bắc Kinh – hiện đang hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm nước ông để tuẩn thủ các biện pháp mới - cho biết.

Quy tắc nhập khẩu mới của Trung Quốc làm đau đầu các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống toàn cầu - Ảnh 1.

Dòng xe tải tại một bến container của cảng Ningbo Zhoushan ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng từ tầng lớp trung lưu khổng lồ. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc năm 2019 đạt 89 tỷ USD.

Trung Quốc từ nhiều năm nay đã cố gắng thực hiện các quy định mới về nhập khẩu thực phẩm nhưng vấp phải sự phản đối từ các nhà xuất khẩu. Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã không giải thích nhiều về lý do tại sao tất cả các loại thực phẩm, ngay cả những thực phẩm được coi là có nguy cơ thấp như rượu vang, bột mì và dầu ô liu, đều bị yêu cầu tuân thủ các quy định mới này.

Các chuyên gia cho rằng đây là một nỗ lực nhằm giám sát tốt hơn khối lượng lớn thực phẩm cập cảng Trung Quốc và đặt trách nhiệm về an toàn thực phẩm cho các nhà sản xuất hơn là Chính phủ.

GACC đã không trả lời một câu hỏi về việc triển khai các quy tắc nêu trên và lý do tại sao cơ quan này không cho các nhà sản xuất thực phẩm thêm thời gian để chuẩn bị.

Damien Plan, cố vấn nông nghiệp của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Bắc Kinh cho biết Liên minh châu Âu đã gửi bốn lá thư cho Hải quan trong năm nay, yêu cầu làm rõ ràng hơn vấn đề này và nới rộng thêm thời gian để các doanh nghiệp nước ngoài chuẩn bị.

Tuần trước, GACC đã đồng ý rằng việc thực thi chỉ nên áp dụng đối với hàng hóa được sản xuất từ ngày 1 tháng 1, tạo điều kiện cho các sản phẩm đã được vận chuyển vẫn vào được thị trường này, theo thông tin từ một nhà ngoại giao Châu Âu, mặc dù tin này chưa được công bố chính thức.

Andy Anderson, giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Nông sản Miền Tây nước Mỹ (WUSATA), một tổ chức xúc tiến xuất khẩu thực phẩm của Mỹ, cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ phải chịu bất cứ quy định nào hà khắc như thế này từ phía Trung Quốc". Ông mô tả các quy tắc này như một "rào cản thương mại phi thuế quan".

Thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh, hồi năm ngoái đã phải đối mặt với sự chậm trễ nghiêm trọng khi thông quan tại Trung Quốc do các biện pháp kiểm tra và khử trùng virus Covid-19.

Thực phẩm, bao gồm hạt cà phê chưa rang, dầu ăn, ngũ cốc và các loại hạt đã xay xát, nằm trong số 14 danh mục mới được coi là có nguy cơ cao bắt buộc cơ quan quản lý thực phẩm của các nước xuất khẩu phải đăng ký vào cuối tháng 10.

Các cơ sở sản xuất thực phẩm có nguy cơ thấp có thể tự đăng ký trên một trang web ra mắt vào tháng 11 nhưng không phải lúc nào cũng hoạt động.

Li Xiang, giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty TNHH Dịch vụ Kiểm tra và Quy định Hóa chất (CIRS) châu Âu, cho biết: "Hệ thống tiếng Trung hiện đang hoạt động nhưng hệ thống tiếng Anh đang ở phiên bản thử nghiệm".

Các quy tắc này chỉ áp dụng cho các cơ sở sản xuất thành phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng hầu như không có sự linh hoạt trong việc thay đổi nguồn cung ứng hoặc nhãn mác.

Robert Maron, Phó Chủ tịch Thương mại Quốc tế thuộc Hội đồng Rượu mạnh nước Mỹ cho biết một số công ty rượu mạnh của Mỹ đã đăng ký nhưng vẫn chưa rõ ràng về các yêu cầu ghi nhãn.

"Không có nhiều thời gian để hiểu các yêu cầu là gì và tôi nghĩ rằng đó là mối lo ngại chính từ các thành viên của chúng tôi," ông nói.

Ông Li cho biết, đến nay vẫn chưa có nhà sản xuất rượu whisky nào của Ireland do CIRS Ireland hỗ trợ có thể đăng ký. Không rõ điều gì sẽ xảy ra nếu hàng hóa đến nơi mà không có mã đăng ký bắt buộc được dán trên bao bì.

"Hiện tại, thông tin mà chúng tôi nhận được từ các cơ quan chức năng (Trung Quốc) là sẽ không có thời gian gia hạn," ông Li cho biết thêm.

Đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam, theo quy định mới của phía Trung Quốc, kể từ ngày 1/1/2022, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc đã đăng ký sẽ phải in mã số được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp hoặc mã số do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Đối với 4 loại sản phẩm bao gồm: thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản, sản phẩm sữa, tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, các doanh nghiệp đã đăng ký thì việc đăng ký tiếp tục có hiệu lực theo thời hạn đã cấp.

Trước ngày 1/1/2022, việc đăng ký doanh nghiệp thuộc 4 loại thực phẩm này, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đăng ký theo phương thức hiện hành (theo thỏa thuận đã có) hoặc thông qua Hệ thống đăng ký để nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Từ ngày 1/1/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ chấp nhận hồ sơ nộp thông qua hệ thống đăng ký.

Tham khảo: Reuters

Vân Chi

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên