Quyền quyết định vị trí Chủ tịch World Bank nằm trong tay ai?
Từ trước đến nay vẫn có một nguyên tắc ngầm là châu Âu và Hoa Kỳ sẽ chia nhau lãnh đạo Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
- 12-12-2018World Bank: Việt Nam là một trong số các quốc gia trung lưu đang trỗi dậy mạnh mẽ
- 11-12-2018World Bank cảnh báo nhiều tiềm ẩn rủi ro tích tụ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm dần tới năm 2020
Các quốc gia sẽ thành lập một danh sách đề cử, các ứng cử viên phải là công dân của một trong 189 quốc gia thành viên của World Bank. Danh sách này sẽ được quyết định bởi Giám đốc điều hành, hoặc bởi các Thống đốc thông qua Giám đốc điều hành của họ. Các ứng viên cho vị trí chủ tịch phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
-Có bề dày kinh nghiệm về lãnh đạo
-Có kinh nghiệm quản lý các tổ chức lớn, nhất là các tổ chức công
-Có khả năng thể hiện một tầm nhìn rõ ràng về sứ mệnh phát triển của Ngân hàng Thế giới
-Đảm bảo một cam kết chắc chắn và đánh giá cao sự hợp tác đa phương
-Có kỹ năng giao tiếp và ngoại giao hiệu quả, luôn duy trì sự công bằng và khách quan trong việc thực hiện các trách nhiệm của vị trí này
Sau quá trình đề cử, một cuộc bỏ phiếu có trọng số sẽ được thực hiện bởi Hội đồng Quản trị bao gồm 25 Giám đốc điều hành – những người trực tiếp hoạt động tại World Bank. Quyền lực bỏ phiếu (voting power) của các quốc gia phụ thuộc vào tỷ lệ góp vốn của quốc gia đó vào World Bank.
Theo thông tin trên website chính thức của World Bank, 8 thành viên có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong ban quản trị là: Hoa Kỳ (15,98%), Nhật Bản (6,89%), Trung Quốc (4,45%), Đức (4,03%), Pháp (3,78%), Anh (3,78%), Nga (2,79%), và Saudi Arabia (2,79%) sẽ có quyền bỏ phiếu độc lập. Các quốc gia thành viên khác sẽ bầu cử theo nhóm và được đại diện bởi Giám đốc điều hành nhóm của họ.
Hiện nay quyền bỏ phiếu của Việt Nam tại World Bank là 0,2%, ở trong nhóm được đại diện bởi Thái Lan cùng với Singapore, Nepal, Myanmar, Malaysia, Lào, Indonesia, Brunei, Fiji, Tonga. Quyền lực bỏ phiếu của nhóm này là 2,97%. So sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN, quyền lực bỏ phiếu của Việt Nam đứng thứ 6 sau Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, và Philippines.
Quá trình lựa chọn cũng bị hạn chế bởi các thỏa thuận không chính thức giữa Ban điều hành. Quyết định chọn Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới được đưa ra bằng phương pháp đồng thuận. Tiềm năng của các ứng cử viên được Ban điều hành loại trừ thông qua các cuộc thăm dò không chính thức. Không có sự tham gia của một hội đồng chính thức nào trong việc lựa chọn Chủ tịch cho Ngân hàng Thế giới.
Từ trước đến nay, vẫn có một nguyên tắc ngầm là Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ chia nhau lãnh đạo Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Điều này đã tạo ra sự tranh cãi rất lớn trong nội bộ hai tổ chức này. Tại Ban điều hành Ngân hàng Thế giới, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu chiếm hơn 30% số phiếu. Nói chung, họ có xu hướng thỏa thuận với nhau về hầu hết các vấn đề chính sách và bầu cử. Liên minh với nhau, Hoa Kỳ, các nước Châu Âu và Nhật Bản kiểm soát ít nhất 50% số phiếu trong Ban điều hành.
Vì vậy, có lẽ cũng không sai khi nói Hoa Kỳ là cử tri tiên quyết cho việc lựa chọn vị trí Chủ tịch Ngân hàng thế giới. Lịch sử đã chứng minh, 12 chủ tịch của tổ chức này là người Mỹ hoặc nhập tịch Mỹ.
Ông Kim Jim Yong là một trong số những vị chủ tịch "không có gốc Mỹ", được hậu thuẫn bởi cựu tổng thống Barack Obama. Trước đó, 2 nhiệm kỳ 1995 – 2000 và 2000 – 2005, World Bank được dẫn dắt bởi một vị chủ tích gốc Úc – ông James Wolfensohn – nhà đầu tư ngân hàng kiêm luật sư, nhưng thật ra ông này cũng đã nhập tịch Mỹ.