Quyết định xây nhà, người tự thiết kế để tiết kiệm, người có kinh nghiệm lập ngân sách vẫn bị bội chi
Khi quyết định xây nhà, nhiều người đã quyết định tự làm một số công đoạn, song khó tránh một số vấn đề phát sinh.
- 19-12-2022Người Do Thái dạy con bằng 7 quy tắc để tạo nên tinh hoa của nhân loại
- 18-12-2022Ngôi trường nằm trên đồi, muốn đi học phải vượt 80km: Học home school của Mỹ nhưng không áp lực điểm số, bài về nhà
- 17-12-20226 tư duy làm giàu mà người kiếm tiền giỏi không bao giờ tiết lộ
Để tiết kiệm hơn nên quyết định tự thiết kế nhà cửa
Chí Linh (35 tuổi) đã dành nhiều tháng để tự thiết kế bản vẽ, làm mô hình, tính hướng nắng, hướng gió, tổng cộng sau 7, 8 lần mới có thể chốt được bản cuối cùng. Đây là căn nhà gồm 1 tầng lửng, 2 lầu và 1 sân thượng trên mảnh đất khoảng 40m2. Được biết, phần thô xây dựng hết 700 triệu đồng, chi phí hoàn thiện và nội thất khoảng 1 tỷ đồng. Anh chia sẻ rằng có vay mượn ba mẹ một ít.
Chí Linh
Chí Linh tự mình lên ý tưởng, vẽ 2D rồi làm mô hình. Sau đó, đưa cho nhà thầu xây dựng xem, họ sẽ vẽ lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng. Theo Chí Linh, khoản chi phí này khá cao do vậy bản thân tự thiết kế để có thể tiết kiệm hơn.
Tuy nhiên anh cũng nhấn mạnh rằng trước khi quyết định tự mình thiết kế nhà cửa, các bạn cần phải cân nhắc nhiều yếu tố. “Thuê thiết kế hay không còn tùy thuộc vào lĩnh vực công việc mỗi người. Như mình làm bên kính, có tiếp xúc nhiều với nhà thầu, công ty thiết kế,… Do vậy, mình học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong làm thiết kế, thi công nhà, mình cảm thấy bản thân có thể tự lên ý tưởng và làm được. Bên cạnh đó, bạn cũng nên xem xét điều kiện tài chính, ngân sách và mức đầu tư cho nhà cửa, để có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất".
Căn nhà của Chí Linh
Bên cạnh đó, Hải Nguyễn (36 tuổi, kiến trúc sư) vừa xây ngôi nhà đầu tiên của gia đình có tổng diện tích sàn là 260m2, trên khu đất 125m2 tại thành phố Cao Bằng. Chi phí xây dựng hết 1,2 tỷ đồng và đầu tư nội thất thiết bị vào khoảng 400 triệu đồng.
Hải Nguyễn
Là 1 KTS, có quá nhiều ý tưởng cho ngôi nhà của bản thân, khi lên ý tưởng thiết kế cô bị "tham". Tức là có rất nhiều thứ Hải Nguyễn muốn cho vào ngôi nhà của mình, vì thế mất khá nhiều thời gian suy nghĩ để quyết định giữ lại và chấp nhận bỏ qua cái gì trong bản thiết kế. Hiện nay, nhiều người muốn tự lên ý tưởng và tạo ra bản vẽ thiết kế ngôi nhà riêng dù không có chuyên môn để tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc. Song, theo Hải Nguyễn, thực ra có tiết kiệm thời gian và ngân sách hơn hay không thì rất khó nói.
"Nếu bạn có gu, có sự am hiểu về kiến trúc và xây dựng ở 1 mức độ nhất định, bạn cũng có thể tự thiết kế nhà cho mình. Song, mình vẫn khuyên chủ nhà nên tìm đến các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp và có tâm, các bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và ngân sách hơn vì họ có kinh nghiệm nên sẽ nhìn nhận ra nhiều vấn đề hơn đối với mỗi phương án. Các bạn tiết kiệm được chi phí thiết kế nhưng sau có thể sẽ phải mất thêm rất nhiều tiền phát sinh ngoài ý muốn khi đi vào việc xây dựng ngôi nhà".
Căn nhà Hải Nguyễn tự thiết kế
Tự lên ngân sách xây dựng nhà
Anh Nguyễn Dư (38 tuổi) vừa xây xong căn nhà 4 tầng ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh. Diện tích mảnh đất là 65m2, với phần ban công 1,4 m nên tổng diện tích xây dựng xấp xỉ 280m2. Chi phí hoàn thiện căn nhà là 1 tỷ 485 triệu đồng, không cần vay.
Có kinh nghiệm làm trong ngành kế toán, anh Nguyễn Dư đã cố gắng tự lên các dự toán trong ngân sách xây nhà. "Gia đình mình xây nhà có phát sinh vượt dự toán ban đầu khoảng 300 triệu đồng do thời điểm bắt đầu khởi công giá vật liệu xây dựng tăng đỉnh điểm. Trong quá trình mua sắm thiết bị, vật tư, vật liệu hoàn thiện đã lựa chọn loại tốt hơn so với kế hoạch ban đầu".
Căn nhà của Nguyễn Dư
Theo anh, rất khó để có thể "cân đo" chính xác trong kế hoạch tài chính xây nhà. Bởi vì, trên thực tế, giá vật liệu luôn thay đổi, và phụ thuộc vào quyết định khi mua sắm. Ví dụ, 1m2 gạch ốp lát cùng mẫu mã như nhau nhưng giá có thể chênh lệch từ 300-600 nghìn/m2. Gạch loại 1 và loại 2 đã chênh gấp 2 lần, chưa kể đến khả năng chống nước, cốt gạch,...
Do vậy, để không bị vượt dự toán, lúc đi mua sắm nên tuân thủ đúng loại ban đầu đã lên kế hoạch. Song thực tế, theo chia sẻ của nhiều chủ nhà, họ thường có tâm lý muốn mua được loại tốt nhất ngay từ đầu, nên quyết định mua sắm luôn bị chi phối. "Mình làm nghề kế toán nên lập dự toán cũng tương đối chuẩn. Nhưng do tâm lý thôi cố 1 tí nên mới bị vượt. May mắn, khoản vượt này cũng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tài chính của mình".
Trí Thức Trẻ