MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án giao thông

Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm của ngành Giao thông vận tải (GTVT) đạt gần 22.000 tỷ đồng, đạt 23,2% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Quyết tâm cao

Thống kê của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), hết tháng 4/2023, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT đạt hơn 21.800 tỷ đồng, trong đó có 11.877 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, hơn 9.000 tỷ từ nguồn vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và 845 tỷ từ nguồn vốn nước ngoài.

Quyêt liêt giai ngân vôn đâu tư công tai cac dư an giao thông - Ảnh 1.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa khánh thành, đưa vào khai thác ngày 29/4.

Mặc dù kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm của Bộ GTVT cao hơn mức bình quân chung, nhưng dự kiến trong quý II/2023 và những tháng cuối năm nay, công tác giải ngân sẽ gặp nhiều khó khăn, vì năm 2023, Bộ GTVT xây dựng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước là gần 71.500 tỷ đồng (gấp 1,3 lần kế hoạch vốn năm 2022) trên cơ sở tính toán rút ngắn tối đa thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công triển khai “3 ca, 4 kíp” đối với các dự án giao thông trọng điểm.

Bên cạnh đó, kế hoạch vốn năm 2023 Bộ GTVT được Chính phủ giao lên tới hơn 94.000 tỷ đồng (cao hơn 22.722 tỷ đồng so với nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của các dự án). Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã giao chi tiết cho các dự án với tổng số 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%).

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn cần tháo gỡ, nhưng theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, đến hết tháng 4/2023, Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải ngân và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư chú trọng 3 mục tiêu: Chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Bộ GTVT đến nay đã phân bổ và giao chi tiết kế hoạch cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng giải ngân.

Qua tìm hiểu thực tế, khối lượng giải ngân của ngành GTVT chỉ có thể được hoàn thành nếu tiến độ hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai đúng tiến độ, chất lượng. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng là nhiệm vụ đáng chú ý nhất của ngành GTVT hiện nay. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải - đường thủy nội địa quan trọng khác…

Sự kiện nổi bật nhất từ đầu năm đến nay của ngành GTVT khởi công đồng loạt toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025, hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn I 2017 - 2020 như đoạn Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây... Việc khởi công nhanh các dự án giao thông trọng điểm và sớm đưa vào khai thác các tuyến cao tốc mới đây khẳng định kết quả giải ngân của ngành GTVT.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

Ngày từ đầu năm 2023, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương châm vốn Nhà nước là vốn mồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - người dân - doanh nghiệp.

Từ nay đến cuối năm 2023, Bộ GTVT xác định sẽ tập trung xây dựng và triển khai các quy hoạch chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, tiết giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, xây dựng, khai thác, quản lý công trình giao thông; đặc biệt là hoàn thiện nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, làm cơ sở phục vụ cho các dự án giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, để hoàn thành kế hoạch giải ngân số vốn đầu tư công theo mục tiêu Chính phủ giao đến hết năm 2023 hơn 94.000 tỷ đồng, hiện nay, Bộ GTVT xác định nhiệm vụ giải ngân là nhiệm vụ ưu tiên đối với từng dự án giao thông, vì vậy, yêu cầu các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết; điều hòa, điều chỉnh kịp thời các dự án giải ngân chậm, các dự án không có nhu cầu giải ngân sang các dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu giải ngân.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn vật liệu các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 trong quý II/2023; hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I 2017 - 2020 các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, cầu Mỹ Thuận 2... đảm bảo hoàn thành trong năm 2023.

Ngoài ra, Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương lựa chọn nhà thầu xây lắp để đảm bảo tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Theo Vân Sơn

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên