MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu cuộc gọi lừa đảo

21-04-2024 - 14:38 PM | Kinh tế số

Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.

Nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn, cuộc gọi rác

Thời gian qua, liên tục xuất hiện tình trạng giả mạo lãnh đạo các cơ quan chức năng để gọi điện tới người dân với nội dung thông báo giả tạo vụ việc vi phạm pháp luật hoặc thông báo bịa đặt về các vi phạm trong hoạt động của số thuê bao. Sau khi hù dọa, đối tượng gọi tới yêu cầu chủ thuê bao đang nghe điện thoại chuyển tiền hoặc làm theo yêu cầu, hướng dẫn để phục vụ cho việc lừa đảo.

Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu cuộc gọi lừa đảo- Ảnh 1.

Tăng cường theo dõi, giám sát hệ thống tiếp nhận phản ánh nhằm phát hiện sớm các phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo

Trước tình trạng các cuộc gọi giả danh lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, cuộc chiến chống cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo là cuộc chiến lâu dài, không chỉ Việt Nam mà ngay cả nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp vấn nạn này.

Để bảo vệ người dân, thời gian qua, đại diện Cục An toàn thông tin và các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo như tăng cường theo dõi, giám sát hệ thống tiếp nhận phản ánh nhằm phát hiện sớm các phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an, thanh tra, kiểm tra để xử lý cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo có nội dung ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng thường xuyên cập nhật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hình thức lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội để người dân tăng cường nhận thức phòng tránh các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.

Nêu cụ thể các giải pháp để ngăn chặn, giải quyết triệt để tình trạng mạo danh này, Cục An toàn thông tin cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) để hạn chế các cuộc gọi không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu lừa đảo.

Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Các cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng, yêu cầu các doanh nghiệp chủ động rà soát, nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn, cuộc gọi rác.

Bên cạnh đó, bộ cũng ra thông báo quán triệt trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác

Tăng cường giám sát, vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn.

Với các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu vi phạm pháp luật Cục An toàn thông tin tổng hợp gửi các đơn vị có chức năng như Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông, các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan chức năng của Bộ Công an để tổ chức phối hợp, xử lý.

Thường xuyên giám sát, chủ động theo dõi, kịp thời cảnh báo tới người dân các chiêu thức lừa đảo tinh vi của các đối tượng phạm tội qua tin nhắn trên cổng thông tin chongthurac.vn.

Các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gồm Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số vô tuyến điện; xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel, FPT), nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ Thông tin và Truyền thông là 156, 5656 hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý - đại diện Cục An toàn thông tin nói.

Cẩn trọng với thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn “kiếm tiền online”

Gần đây, những tin nhắn rác với nội dung "kiếm tiền online", "tri ân khách hàng" có dấu hiệu bùng phát trở lại. Với những tin nhắn này thường được gửi kèm với một đường dẫn, liên kết (link).

Khi người dùng bấm vào link có trong tin nhắn, đối tượng lừa đảo sẽ điều hướng người dùng truy cập vào trang web để tải ứng dụng và đăng ký tham gia chương trình nhận thưởng. Sau khi người dùng tải và cài đặt ứng dụng độc hại trên máy, điện thoại của họ sẽ bị chiếm quyền điều khiển.

Đặc biệt, nếu trên điện thoại có cài các ứng dụng ngân hàng (Internet Banking), người dùng sẽ có nguy cơ bị mất hết tiền trong tài khoản hoặc bị đánh cắp các thông tin cá nhân quan trọng lưu trữ trong điện thoại. Ngoài ra, có thể tội phạm sẽ sử dụng các thông tin này để mạo danh, tống tiền, lừa đảo.

Trước tình trạng đó, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin đã đưa ra cảnh báo về việc những tin nhắn rác với nội dung "kiếm tiền online", "tri ân khách hàng" đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Thông tin thêm về vấn đề này, Cục An toàn thông tin chia sẻ, ngoài việc đưa ra thông tin cảnh báo lên cổng chongthurac.vn, Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối các doanh nghiệp viễn thông cũng thực hiện nhiều biện pháp như: Điều phối tức thời các nhà mạng xử lý các phản ánh có nội dung tương tự thông qua hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Đồng thời, cập nhật ngay các mẫu tin nhắn rác chặn được lên Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để chặn lọc các tin nhắn có nội dung tương tự. Cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tới khách hàng của mình về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Cục An toàn thông tin cũng nhấn mạnh tới giải pháp tăng cường triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) để hạn chế các cuộc gọi không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu lừa đảo.

Việc bộ ra thông báo quán triệt trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác... cũng nhằm giải quyết tình trạng trên.

Theo Quỳnh Nga

Công Thương

Trở lên trên