MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết tâm hợp nhất văn phòng UBND, HĐND, đoàn ĐBQH

28-10-2018 - 07:28 AM | Xã hội

Việc hợp nhất 3 văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND và văn phòng UBND nhằm tinh giản đầu mối, biên chế; nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa ban hành Nghị quyết về việc thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp tỉnh. Chỉ còn hơn 2 tháng, mô hình thí điểm này sẽ chính thức vận hành.

Không tăng biên chế

Theo nghị quyết trên, việc thí điểm trên sẽ được được thực hiện tại 10, tỉnh - thành, gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Bình, TP HCM và Tiền Giang. Đối với các tỉnh - thành khác thì khuyến khích thực hiện.

Thời gian thí điểm từ ngày 1-1-2019 đến 31-12-2019. Trường hợp đến hết ngày 31-12-2019 mà các luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa có hiệu lực pháp luật thì văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh ở những nơi thực hiện thí điểm tiếp tục hoạt động theo quy định tại nghị quyết này cho đến khi các luật sửa đổi, bổ sung các luật trên có hiệu lực thi hành.

Nói thêm về đề án này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) - Trưởng Ban Soạn thảo đề án, cho biết việc hợp nhất 3 văn phòng là thực hiện chủ trương của Đảng nhằm tinh giản đầu mối, biên chế, nâng cao hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cho hoạt động của đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh.

"Vừa qua, VPQH được giao thực hiện đề án, chúng tôi đã làm kỹ, trên cơ sở khảo sát báo cáo thực tiễn của 3 văn phòng này. Sau đó chúng tôi đã xây dựng, đánh giá tác động khi hợp nhất, điều kiện khả năng hợp nhất ra sao, rồi xây dựng đề án, tiến hành hội thảo tại ba miền Bắc - Trung - Nam" - ông Phúc nói.

Về biên chế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng cơ cấu tổ chức của văn phòng sau khi hợp nhất giao toàn quyền cho địa phương quyết định trên cơ sở tiêu chí trung ương quy định. "Biên chế theo các kết luận của Đảng, các nghị quyết trung ương là từ nay đến năm 2030 giảm biên chế và giảm thường xuyên. Như vậy sẽ không có tình trạng tăng biên chế khi lập tổ chức" - ông Thăng nói.

Quyết tâm hợp nhất văn phòng UBND, HĐND, đoàn ĐBQH - Ảnh 1.

Sau khi hợp nhất vào tháng 1-2019, Văn phòng UBND, HĐND và đoàn ĐBQH sẽ làm việc tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng Ảnh: BÍCH VÂN

Tránh sáp nhập cơ học

Theo thông tin từ VPQH , trong quá trình triển khai có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cơ bản đều đồng tình với việc thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước. Khi sáp nhập thì công tác phục vụ, quản trị hành chính, quản lý trụ sở, tiếp xúc cử tri… rất thuận lợi.

Chủ nhiệm VPQH cho biết thêm, giải pháp của ban soạn thảo là đề xuất 11 phòng, có phòng HĐND riêng, UBND riêng nhưng những phòng này vẫn thuộc văn phòng chung. Việc đề nghị phương án 11 phòng mục đích là để có tính độc lập tương đối. Theo kế hoạch, có quy định về phó chánh văn phòng nhưng trước mắt sẽ giữ nguyên. Từ năm 2020 trở đi mới thực hiện giảm dần số phó phòng theo quy định là 4, riêng Hà Nội và TP HCM có thể đến 5 phó.

Thời hạn thí điểm chỉ còn hơn 2 tháng, liệu các địa phương đã có sự chuẩn bị? Một lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng khẳng định từ 1-2019, TP Đà Nẵng sẽ chính thức hợp nhất 3 văn phòng UBND, HĐND và đoàn ĐBQH. Thành ủy Đà Nẵng đã họp và thống nhất thành lập ban chỉ đạo để chuẩn bị mọi cho việc hợp nhất 3 văn phòng này và giao cho ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, làm trưởng ban chỉ đạo. TP Đà Nẵng dự kiến sau khi hợp nhất, toàn bộ nhân sự của HĐND và đoàn ĐBQH sẽ làm việc tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng cùng với văn phòng UBND TP.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nhìn nhận cả 3 đơn vị trên sau khi gộp về một đầu mối sẽ bao quát công việc như chức năng của cả 3 văn phòng trước đây. Đồng thời, khi tiến hành hợp nhất các văn phòng này, số lượng cán bộ công tác cũng sẽ được tinh giản. Còn ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng việc sáp nhập 3 văn phòng cần phải được triển khai hiệu quả, tránh áp dụng sáp nhập cơ học.

Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, kế hoạch hợp nhất này đến bây giờ vẫn chưa được triển khai. Một lãnh đạo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết trong tuần tới Ban Tổ chức Tỉnh ủy mới mời lãnh đạo 3 văn phòng để... bàn phương án thực hiện. Nhiều địa phương khác đến nay cũng chỉ mới họp bàn mà chưa có kế hoạch cụ thể, thậm chí có nơi còn chưa triển khai.

Phân định chức năng, nhiệm vụ

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận khi trình nghị quyết cũng có những ý kiến băn khoăn về việc phân định chức năng, nhiệm vụ của văn phòng, trong đó quan trọng là chức năng giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và giám sát ở địa phương. Trước kia các cơ quan độc lập, cơ quan này giám sát cơ quan kia. Sau khi sáp nhập thì văn phòng vừa tham mưu cho việc giám sát, đồng thời tham mưu cho việc thực hiện kết luận sau giám sát. Về tổ chức, khi nhập vào chỉ còn 1 chánh văn phòng, các phó chánh văn phòng trước mắt vẫn giữ nguyên nhưng nhiều người băn khoăn về công tác cán bộ.

Để giải quyết vấn đề này theo ông Phúc, VPQH đã tham mưu xây dựng đề án và dự thảo nghị quyết để báo cáo với UBTVQH. Trong đó, khi thí điểm sẽ giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của 3 cơ quan này.

Bà Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh:

Tinh gọn, tiết kiệm

Sáp nhập 3 văn phòng đã được Nghị quyết của trung ương đưa ra, trong chương trình sắp xếp tổ chức bộ máy nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong thời gian qua, VPQH thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội đã lấy ý kiến tương đối kỹ lưỡng đối với các văn phòng của đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cùng các đoàn ĐBQH.

Chúng tôi cũng đã tham gia rất nhiều ý kiến, ban đầu khi xây dựng đề án thì thấy có nhiều bất cập, ví dụ như: 1 văn phòng cùng tham mưu cho công tác giám sát của cơ quan dân cử, đồng thời lại tham mưu cho cơ quan hành pháp trong cơ quan bị giám sát. Ngoài ra 1 cơ quan chung có thực hiện cho việc tham mưu chuyên sâu, chuyên nghiệp cho cả 3 bộ máy là HĐND, UBND, đoàn ĐBQH?

Cho đến nay chúng tôi thấy rằng là cơ bản vướng mắc đã được tháo gỡ. Thứ nhất, đã có quy định không có quá 11 phòng trong văn phòng sau khi hợp nhất. Trong đó có phòng công tác của đoàn ĐBQH riêng; phòng công tác của HĐND riêng và phòng công tác UBND thì việc này do 1 phó văn phòng phụ trách trực tiếp, có trưởng phòng thực hiện sự chỉ đạo. Như vậy, việc sáp nhập không bị ảnh hưởng bởi một văn phòng phải làm việc cho cả 3 nhiệm vụ: hành pháp, lập pháp và giám sát.

Hiện nay, như văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đang xây dựng đề án trình Ủy ban Thường vụ rồi sẽ tiến hành tổ chức thực hiện. Quảng Ninh có thể sẽ làm sớm hơn 1-1-2019 nhưng cơ bản sẽ thực hiện theo nghị quyết của trung ương. Sáp nhập ở đây sẽ không bị chồng chéo lên nhau, bởi mỗi văn phòng nhiệm vụ chức năng riêng nhưng trước mắt việc này sẽ tinh gọn được bộ máy, tiết kiệm chi phí, giảm đầu mối và giảm biên chế.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Có thể nói rằng xu thế của chúng ta là cải cách bộ máy hành chính, tinh gọn bộ máy và giảm đầu mối. Việc chúng ta thí điểm sáp nhập 3 văn phòng ở các địa phương là các bước để cho chúng ta tinh giản bộ máy thu gọn các đầu mối. Sau khi sáp nhập thì nguồn nhân lực, chi phí bộ máy, cơ sở vật chất chắc chắn sẽ tinh gọn, tiết kiệm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng mỗi văn phòng có chức năng khác nhau như: văn phòng ĐBQH ở địa phương có chức năng giám sát tối cao; văn phòng HĐND cũng giúp cho HĐND giám sát quyền lực chính quyền ở địa phương trong việc quyết định các chính sách ở địa phương; văn phòng UBND giúp UBND điều hành ở địa phương. Do vậy, việc này chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm và thí điểm là cần thiết. Đầu tiên áp dụng ở một số địa phương, sau một thời gian sẽ đánh giá để xem triển khai tiếp tục như thế nào. Đây cũng là lộ trình quan trọng và cần thiết.

V.Duẩn - T.Dũng ghi

Theo Nhóm phóng viên

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên