Ra biển tìm vàng nhưng chỉ thấy chất thải: Cơn bĩ cực của ĐNÁ khi trở thành 'bãi rác' của thế giới, chỉ chiếm 9% dân số nhưng phải nhận về 17% tổng rác thải nhựa toàn cầu
Điều trớ trêu là những nước có quy định chặt chẽ nhất về rác thải lại là nước xuất khẩu rác nhiều nhất sang các nước đang phát triển để rũ bỏ trách nhiệm cũng như chi phí xử lý chất thải của chính mình.
- 17-04-2024Chủ tịch FED Jerome Powell lên tiếng: Sẽ “mất nhiều thời gian hơn dự kiến” để đạt mục tiêu lạm phát và cắt giảm lãi suất
- 17-04-2024Nông dân nghèo đổi đời từ loài cây dại vốn chỉ trồng làm củi: Nguyên liệu quý để sản xuất loại tiền được giao dịch nhiều thứ 3 thế giới, giải tỏa nỗi lo của một siêu cường kinh tế
- 17-04-2024Giữa tranh luận về đợt cắt giảm của FED, 800 năm dữ liệu nói lên điều gì về lãi suất?
Trên mạng xã hội gần đây đang rộ lên phong trào ra biển tìm vàng, thế nhưng nếu ra khơi thật thì chắc chắn thứ người dân Đông Nam Á (ĐNÁ) tìm thấy nhiều nhất có lẽ là rác thải. Khu vực này chỉ chiếm 9% tổng dân số thế giới nhưng lại đang phải nhận về 17% tổng rác thải nhựa toàn cầu.
Hàng đoàn tàu chở rác đổ về đây xả thải bất hợp pháp vì các quốc gia khác không muốn tốn tiền tái chế, trong khi Trung Quốc đã cấm việc nhập khẩu rác thải từ năm 2018.
Rõ ràng, phong trào ra biển tìm vàng nếu diễn ra ngoài đời thực có lẽ sẽ biến thành ra khơi bới rác.
Bao giờ cho đến ngày xưa
Khi cô Otin còn nhỏ, bãi biển trước nhà cô ở Labuan, phía tây Java-Indonesia sạch đến mức có thể thấy chúng tỏa ra ánh sáng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời.
"Chúng tôi từng có thể nhìn thấy những dải cát trắng trên bãi biển", cô Otin hồi tưởng.
Thế nhưng hiện bà nội trợ 42 tuổi này cho biết bãi biển trong mơ ngày xưa đó giờ chỉ là một ụ rác thải nhựa đầy bùn với vô số đống nhựa thải trôi nổi đầy màu sắc.
"Mỗi lần thủy triều lên là sẽ có hàng tấn rác trôi dạt tới tận trước cửa nhà dân", cô Otin bức xúc.
Điều trớ trêu là người dân không biết đống rác thải này đến từ đâu bởi họ không xả thải nhiều đến vậy. Rất nhiều món đồ rác nhựa không hề được sử dụng tại địa phương cũng trôi dạt tại vùng biển này.
"Chính quyền địa phương thường cảnh báo chúng tôi không được vứt rác ra biển. Có vẻ như họ đang đổ lỗi cho dân địa phương trong khi thực tế chẳng ai dại gì vứt rác ra chỗ mình sống", cô Otin bực bội khi cho biết mình chưa bao giờ xả rác ra biển và dân cư trong vùng đều trả tiền để thu gom rác hàng tuần nhằm xử lý bớt.
Mặc dù người dân trong vùng cho rằng khu chợ gần đó có thể là nguyên nhân chính cho bãi rác thải này nhưng theo tờ Nikkei, khối lượng nhựa thải khổng lồ tràn vào bờ biển Labuan hàng ngày cho thấy câu chuyện còn phức tạp hơn thế nhiều khi ĐNÁ trở thành bãi rác bất hợp pháp cho nhiều quốc gia khác.
Trong vài chục năm qua, Indonesia và nhiều nước ĐNÁ đã trở thành nơi tập kết rác thải trái phép dù chính phủ đã nỗ lực ngăn cấm.
Báo cáo của Greenpeace cjo thấy trong khoảng 2016-2018, khu vực ĐNÁ đã chứng kiến lượng "nhập khẩu" rác thải nhựa tăng 171% lên 2,26 triệu tấn.
Chính những chuyến tàu chở rác bất hợp pháp này đã khiến hệ thống sông ngòi và bờ biển ĐNÁ tràn ngập rác thải mà không thể xử lý hết. Chính phủ thì bất lực trong việc ngăn chặn nạn đổ rác lậu còn người dân địa phương thì bị đổ tội cho việc làm ô nhiễm môi trường sống của chính mình.
Nghiên cứu của Lourens J.J. Meijer, người đứng đầu bộ phận giám sát của The Ocean Cleanup cho thấy Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan chiếm hơn một nửa trong tổng số rác thải nhựa ra biển trên toàn cầu. Riêng Philippines chiếm đến 1/3 với 356.371 tấn rác thải nhựa hàng năm ra biển.
Tính cho cả Châu Á thì khu vực này chiếm đến 80% số rác thải nhựa ra đại dương.
Tuy nhiên bao nhiêu trong số rác thải này là thực sự từ người dân địa phương và bao nhiêu là bị nhập khẩu lậu thì chẳng ai biết chính xác.
Lấy ví dụ Philippines. Số liệu của "Our World in Data" cho thấy lượng rác thải không được tái chế đúng cách bình quân đầu người ở đây lên đến 37,23 kg/người, thuộc hàng cao nhất thế giới và cao hơn nhiều so với 0,81 kg/người tại Mỹ.
Thế nhưng bình quân mỗi người dân Philippines chỉ thải ra 0,07 kg rác nhựa mỗi ngày, ít hơn 5 lần so với bình quân mỗi người Mỹ. Vậy số rác thải kỷ lục kia từ đâu mà đến?
"Bãi rác" của thế giới
Trong nhiều thập niên, ngành tái chế rác thải đã là một mảng làm giàu béo bở ở ĐNÁ và Trung Quốc. Tuy nhiên hệ lụy của ngành này là ô nhiễm môi trường rất nặng khi những phần không thể tái chế được sẽ bị vứt ra biển, chôn xuống đất hay đốt bỏ nhưng dù thế nào cũng gây tác hại đến nguồn đất, nước và không khí.
Không giống như kim loại, nhựa không thể tái chế liên tục vô hạn nên chúng thường bị vứt bỏ. Hậu quả là các nước phát triển thường không muốn tốn chi phí tái chế nhựa cũng như nhận gánh nặng xử lý chúng, để rồi bán hàng triệu tấn rác thải chưa được xử lý cho các khu vực đang phát triển như ĐNÁ.
"Hàng đoàn tàu miệt mài trên biển, đốt nhiên liệu và thải khí thải nhà kính chỉ để giúp các nước giàu đổ rác thải sang nước nghèo", giám đốc điều hành Jim Puckett của tổ chức BAN ngán ngẩm nói khi cho biết nhiều nước đang mạo danh hoạt động tái chế để đổ rác bừa bãi sang cho các khu vực đang phát triển, loại bỏ trách nhiệm xử lý rác của chính mình.
Tờ Nikkei cho hay với các nước giàu, xuất khẩu rác sang ĐNÁ dưới danh nghĩa tái chế có thể giúp tiết kiệm chi phí. Điều trớ trêu là những nước có quy định chặt chẽ nhất về rác thải lại là nước xuất khẩu rác nhiều nhất sang các nước đang phát triển để rũ bỏ trách nhiệm cũng như chi phí xử lý chất thải của chính mình.
Báo cáo của Unwaste cho thấy Liên minh Châu Âu (EU) hiện đang là khu vực xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% tổng số và phần lớn chúng được vận chuyển sang ĐNÁ.
Trước đây những con thuyền chở rác này thường hướng đến Trung Quốc, nhưng kể từ khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt lệnh cấm từ năm 2018 do quá ô nhiễm môi trường, khu vực ĐNÁ trở thành "bãi rác" thay thế lý tưởng.
"Đây là một hoạt động tội phạm có lợi nhuận cao, rủi ro thấp hơn nhiều so với buôn ma túy", đại diện Masood Karimipour của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) chi nhánh ĐNÁ tại Bangkok cho biết.
Do việc chống buôn lậu rác thải không chặt chẽ như chống ma túy và khung hình phạt cũng nhẹ hơn nên các chuyến tàu bất hợp pháp chỉ cần khai gian lận tại cửa khẩu hải quan là có thể đổ rác tại ĐNÁ dễ dàng dưới vỏ bọc tái chế.
Quýt làm, cam chịu
Tình hình đổ lậu rác thải hiện nay nghiêm trọng đến mức Interpol đã phải đặt ra thuật ngữ riêng "tội phạm ô nhiễm" (Pollution Crime) cho hành vi này khi ngày càng nhiều tổ chức tội phạm tham gia đường dây bất hợp pháp này.
Báo cáo của Ủy ban Châu Âu cho thấy doanh thu từ hoạt động kinh doanh xử lý rác thải theo tiêu chuẩn tại EU đã lên đến 9,5 tỷ Euro mỗi năm, Phần lớn trong số này là các khoản chính quyền chi trả cho công ty tư nhân đổ rác thải tại các nước đang phát triển dưới vỏ bọc tái chế.
Điều trớ trêu là trong khi các nước phát triển công nghệ cao không muốn tốn tiền xử lý thì những khu vực kém phát triển hơn như ĐNÁ lại chưa có đủ công nghệ hoặc năng lực để giải quyết lượng lớn rác thải như vậy.
Số liệu của "Our World in Data" cho thấy 7 trong số 10 con sông ô nhiễm rác nhựa nhất thế giới nằm ở Philippines, dù người bản địa ở đây không xả thải nhựa nhiều đến vậy.
Bản thân Trung Quốc đã nhìn thấy vấn đề này vào năm 2018 khi Dương Tử là con sông ô nhiễm rác thải nhựa nhất thế giới thời điểm đó. Trung Quốc vào khoảng thời gian này cũng là nước nhập khẩu gần một nửa số rác thải nhựa và rác điện tử trên toàn cầu. Chính vì vậy chính quyền Bắc Kinh đã siết chặt quản lý ngành tái chế trước sự ngỡ ngàng của các nước giàu Phương Tây.
"Tôi đã hoàn toàn từ bỏ và chấp nhận cái cảnh ngập trong rác này rồi. Những bãi biển khác tràn ngập khách du lịch, còn tất cả những gì bãi biển chúng tôi nhận lại được chỉ là rác rưởi", cô Otin ngậm ngùi nói với Nikkei.
*Nguồn: Nikkei
An Ninh Tiền Tệ