Ra ngân hàng xin rút 481 triệu đồng từ tài khoản của người cha quá cố, người phụ nữ bị nhân viên từ chối: Cảnh sát và luật sư phải vào cuộc mới giải quyết được vấn đề
Vì thiếu hiểu biết về pháp luật, người phụ nữ Trung Quốc đã tự kéo mình vào một rắc rối không đáng có.
- 09-03-2024Háo hức về quê nội ăn Tết, vợ chồng tôi vội “quay xe” về nhà ngoại trước đêm 30 vì câu nói của mẹ chồng
- 08-03-2024Đám trẻ lên núi nhặt được “thanh sắt gỉ” rồi đem bán, chuyên gia biết chuyện lập tức yêu cầu phong tỏa cả ngọn núi
- 07-03-2024Người phụ nữ cho khách thuê 1 chiếc Mercedes-Benz, 4 ngày sau phát hiện xe có “chủ mới”: Cảnh sát vào cuộc điều tra, sử dụng công nghệ cao để truy bắt kẻ lừa đảo
Tháng 5 năm 2022, tại một ngân hàng ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã xảy ra một cuộc cãi vã nảy lửa. Một người phụ nữ trung niên giận dữ hét lên với nhân viên ngân hàng: "Đây là tiền của cha tôi. Ông ấy đã qua đời rồi, tại sao tôi là con gái của ông ấy nhưng lại không được rút khoản tiền này? Việc tôi là con gái của cha tôi cũng cần phải chứng minh sao?”
Trước cơn nóng giận của người phụ nữ, thái độ của nhân viên ngân hàng cũng rất kiên quyết: “Xin lỗi, nếu chị không có “giấy chứng thực” thì dù bất cứ ai đến đây đi nữa cũng không thể rút số tiền này!”
Hóa ra, cuộc tranh cãi gay gắt này bắt nguồn từ việc thời gian trước đó, cha của cô Trương - người phụ nữ trong câu chuyện trên, bị bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Quá đau buồn trước sự ra đi của bạn đời, người mẹ 80 tuổi đã già yếu của cô Trương cũng đổ bệnh ngay sau đó. Lúc này, trong tài khoản ngân hàng của người cha vẫn còn 140.000 NDT (hơn 481 triệu đồng) nên cô Trương mới quyết định đi rút hết để lấy tiền chạy chữa cho mẹ. Thế nhưng, điều mà người phụ nữ này không ngờ tới nhất chính là nhân viên ngân hàng nhất quyết không cho cô rút tiền.
Trong trường hợp của cô Trương, nữ nhân viên cho biết nếu muốn rút tiền từ tài khoản của cha cô thì chính chủ - tức là cha của cô phải có mặt tại ngân hàng thì mới thực hiện được lệnh rút tiền. Cho dù cô Trương có là con gái ruột của chủ nhân tài khoản thì họ cũng không thể rút tiền cho cô được. Trừ khi, cô Trương có giấy tờ chứng minh rằng cô chính là người thừa kế hợp pháp số tiền kia của người cha quá cố.
Những lời nhân viên ngân hàng thốt ra khiến cô Trương rất bất mãn. Vì vừa trải qua nỗi đau mất cha, giờ lại bị nhân viên ngân hàng “làm khó” nên cô Trương không kiềm chế được cảm xúc mà lớn tiếng trách móc phía ngân hàng.
Cuối cùng, sau nhiều lần cãi vã không có kết quả, cô Trương buộc phải nhờ anh trai mình đến để giải quyết. Cứ ngỡ lần này ngân hàng sẽ không còn gì để khước từ yêu cầu rút tiền, thế nhưng thái độ giao dịch viên vẫn như cũ khiến 2 anh em họ Trương rất bất bình. Trước thái độ gay gắt của 2 khách hàng này, nhân viên ngân hàng vẫn bình tĩnh nói rằng không ai có thể rút tiền trừ khi họ có giấy tờ chứng thực.
Vậy thực chất những giấy tờ chứng thực này là gì và tại sao phía ngân hàng lại luôn nhấn mạnh sự cần thiết của chúng đến vậy?
Trên thực tế, nhân viên ngân hàng đã nhiều lần giải thích rằng kể từ khi ông Trương qua đời, số tiền ông để lại đã thuộc về tài sản thừa kế. Nếu muốn lấy được tài sản thừa kế phải có di chúc hoặc một giấy chứng thực, chứng minh con cháu của ông được quyền thừa kế tài sản thì ngân hàng mới có thể giúp họ thực hiện giao dịch rút tiền.
Vào năm 2021, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc đã ban hành các chính sách liên quan, trong đó quy định việc rút tiền của người cao tuổi đã qua đời. Nếu số dư tài khoản dưới 10.000 NDT (hơn 34 triệu đồng) hoặc dưới 50.000 NDT (hơn 171 triệu đồng), quy định cũng sẽ được nới lỏng để người thân của người đã khuất có thể rút tiền.
Tuy nhiên trong trường hợp trên, số tiền thừa kế của ông Trương đã lên tới 140.000 NDT. Theo quy định của nhà nước Trung Quốc, người thân của ông nếu muốn rút số tiền này thì phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ huyết thống, quyền thừa kế tài sản. Do đó, đây là nguyên nhân khiến nhân viên ngân hàng yêu cầu 2 anh em cô Trương phải trình giấy chứng thực thân phận mới có thể rút tiền.
Có thể thấy trong câu chuyện này, hành động của phía ngân hàng là đúng pháp luật Trung Quốc. Về phía gia đình cô Trương, vì chưa nắm rõ quy định về việc thừa kế nên dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.
Khi mâu thuẫn từ hai phía lên đến đỉnh điểm, cảnh sát địa phương đã có mặt tại ngân hàng để kiểm soát tình hình. Về vụ việc này, các luật sư cũng đã đề nghị với gia đình cô Trương rằng nếu họ thực sự muốn rút tiền thì việc la lối tại ngân hàng cũng sẽ không giải quyết được vấn đề. Tốt nhất, họ nên thực hiện theo yêu cầu của ngân hàng hoặc tiến hành hòa giải thông qua các kênh pháp lý với sự có mặt của cả bên thừa kế và ngân hàng để xác nhận ai sẽ thừa kế tài sản của người đã khuất một cách hợp pháp.
Cuối cùng, gia đình cô Trương không còn cách nào khác là làm theo hướng giải quyết của phía luật sư, và thành công lấy được tài sản thừa kế của cha mình.
(Theo 163.com)
Nhịp sống thị trường