'Rà soát quốc tịch cổ đông hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là bình thường'
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng việc rà soát quốc tịch cổ đông liên quan hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là bình thường, không có gì phức tạp và thể hiện sự thận trọng trước khi cấp phép.
- 12-09-2022“Nhanh chân” hơn IPP, VUAir Cargo có gì?
- 26-02-2022CEO IPP Travel Retail – ông Phillip Nguyễn: 'New Retail' thực chất là khám phá và phát triển những cái mới trong chính mô hình bán lẻ truyền thống hiện tại
- 17-02-2022Hồ sơ lập Hãng hàng không vận tải hàng hoá IPP Air Cargo của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn đã lên bàn thẩm định của Cục Hàng không
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1-10, phóng viên đề nghị cho biết việc cấp phép bay đối với hãng bay và việc rà soát quốc tịch của cổ đông liên quan hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay việc rà soát quốc tịch cổ đông liên quan hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một nội dung trong công văn góp ý của bộ gửi Bộ Giao thông vận tải.
Ông Phương nói vấn đề xác định quốc tịch của cổ đông là bình thường, không có gì phức tạp hóa và việc này mang hai ý nghĩa.
Thứ nhất, việc xác định quốc tịch của cổ đông để biết tư cách của doanh nghiệp đấy thuộc thể loại nào.
Ông nói theo quy định hiện hành của Luật đầu tư cũng như các văn bản hướng dẫn, trong công ty có nhiều cổ đông mà có hai cổ đông quốc tịch nước ngoài thì ứng xử khác với doanh nghiệp nước ngoài.
"Giữa doanh nghiệp 100% trong nước và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì chính sách khác", ông Phương nói.
Thứ hai, hiện nay theo Luật quốc tịch năm 2014, một số trường hợp, tình huống người Việt Nam có thể mang hai quốc tịch.
Trong quy định hướng dẫn của Luật đầu tư cũng có các tình huống ứng xử với các nhà đầu tư mang hai quốc tịch, gồm quốc tịch Việt Nam để có quy định, trình tự thủ tục cụ thể với các trường hợp cụ thể.
"Do vậy, việc xác định cổ đông, nhất là cổ đông sáng lập, thành lập để ứng xử cho phù hợp. Đây là việc thận trọng trước khi cấp phép", ông Phương nêu thêm.
Trả lời thêm nội dung này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho hay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến thì Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Hàng không rà soát hồ sơ.
"Đến ngày 26-9 vừa qua, hồ sơ đã được trình lên Thủ tướng. Hiện nay, Thủ tướng chưa cho ý kiến về chủ trương đầu tư. Sau khi có chủ trương đầu tư, chúng tôi sẽ thực hiện quy trình cấp phép", ông Thọ nêu.
Trước đó cuối tháng 3-2022, Bộ Giao thông vận tải có báo cáo Thủ tướng việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
IPP Air Cargo là công ty cổ phần được thành lập vào tháng 3-2021, gồm 4 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Johnathan Hạnh Nguyễn), Công ty TNHH thương mại Duy Anh (đại diện là ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam; bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Nguyễn William Hiếu.
Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỉ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động.
Tuổi trẻ