Rà soát xử lý nhiều homestay ở Hà Nội vi phạm
Dù vận hành cho khách thuê lưu trú qua đêm, cũng như cung ứng dịch vụ tiện ích khác như nhà hàng, bể bơi, hát karaoke,… nhưng phần lớn homestay ở các huyện Ba Vì, Thạch Thất (Hà Nội) đều không đáp ứng đủ giấy tờ pháp lý bắt buộc đối với đơn vị kinh doanh lưu trú.
Tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, nơi tập trung hàng chục homestay, villa nghỉ dưỡng lớn nhỏ, đây là điểm nghỉ ngơi của nhiều du khách dịp cuối tuần. Tại thung lũng bản Xôi (thôn Chóng, xã Yên Bài), gần 20 căn nhà nghỉ dưỡng được xây dựng. Đáng chú ý, chủ đầu tư đã san phẳng nhiều quả đồi để tiếp tục xây dựng. Kè đá ở đây cũng đã bị sạt lở sau đợt mưa kéo dài đầu tháng 8/2023.
Được biết giá phòng tại khu nghỉ dưỡng này dao động từ 6,5-8 triệu đồng/căn/đêm cho những ngày cuối tuần. Những căn “view hồ”, số lượng khách đặt phòng thường vượt quá nguồn cung vào cuối tuần.
Nằm tại vị trí thuận lợi giao thông, không khó để tìm homestay cho ngày cuối tuần tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Tại đây, hàng chục homestay quy mô lớn được xây dựng san sát với nhiều hạng mục phụ trợ như: bể bơi, khu vui chơi, vườn nướng...
Đa số không đáp ứng giấy tờ pháp lý
Ông Nguyễn Việt Giao, Bí thư xã Yên Bài, huyện Ba Vì cho biết, dịch vụ homestay được quản lý theo hoạt động lưu trú. Do đó, các cơ sở phải đảm bảo điều kiện về an toàn cháy nổ, an toàn thực phẩm... Thời gian qua, xã kiểm tra 22 cơ sở trên địa bàn, trong đó 18 cơ sở có giấy phép kinh doanh nhưng chỉ có 9 cơ sở đủ điều kiện về vận hành bể bơi và phòng cháy chữa cháy.
Riêng đối với khu nghỉ dưỡng được phản ánh, đây là khu du lịch có tên “Thang Mây Village Resort”, khu du lịch này cũng chưa đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Đại diện xã Yên Bài khẳng định, xã cương quyết dừng hoạt động các homestay không đủ điều kiện. Đồng thời, sẽ hướng dẫn những hộ có nhu cầu tham gia kinh doanh homestay thực hiện đầy đủ các thủ tục, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, nghỉ dưỡng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, các địa phương cần đăng tải công khai những homestay đủ điều kiện và không đủ điều kiện để cảnh báo cho khách du lịch. Bởi chỉ cần một vài homestay hoạt động chui, không chuyên nghiệp có thể làm ảnh hưởng đến thị trường du lịch của cả vùng.
Ngoài ra, việc khai báo lưu trú cũng là vấn đề mà nhiều chủ homestay bỏ qua, nhiều chủ homestay không khai báo khi có khách thuê khiến phát sinh nhiều tệ nạn. Theo Công an huyện Ba Vì, vừa qua trên địa bàn xã Yên Bài, cơ quan công an phát hiện 18 thanh niên “bay lắc”, sử dụng ma túy tại một homestay trên địa bàn. Công an huyện cảnh báo: loại hình dịch vụ homestay đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện, đặc biệt là ở 7 xã miền núi nhưng cũng tiềm ẩn việc các đối tượng lợi dụng để tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.
Tại huyện Thạch Thất, đại diện UBND huyện cho biết, thực tế hiện nay nhiều chủ homestay mới chỉ tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh ở điều kiện “cần” là đăng ký kinh doanh hộ cá thể với ngành nghề kinh doanh lưu trú ngắn hạn. Còn các điều kiện khác như an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy lại chưa quan tâm đúng mức. Kinh doanh homestay là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, do đó cần phải đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, chứng nhận an ninh trật tự và khai báo lưu trú. Tuy nhiên, đa số các cơ sở homestay đều mang tính tự phát nên khi xử lý thường không đủ các điều kiện nói trên.
Được biết, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng đã thành lập đoàn thanh tra đối với các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Thạch Hòa, Bình Yên và Tân Xã trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, khoáng sản. Ngoài việc thanh tra, xem xét trách nhiệm của các xã nêu trên, UBND huyện yêu cầu các xã báo cáo, đề xuất các hành vi vi phạm (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến các homestay xây dựng trái phép trên đất rừng tại đồi Dõng Chum, Chủ tịch UBND xã Minh Phú (Sóc Sơn) Nguyễn Huy Du cho biết, xã đã hoàn thành đợt 1 cưỡng chế 5 công trình sai phép. Các công trình còn lại sẽ được tổ chức cưỡng chế trong đợt 2 vào tháng 9/2023. “Ngoài ra, xã đã cho rà soát toàn bộ các homestay trên địa bàn, thiết lập hồ sơ, báo cáo UBND huyện Sóc Sơn để có hình thức xử lý phù hợp. Những công trình nào đảm bảo cho tiếp tục hoạt động, công trình nào không đủ điều kiện, xã yêu cầu khắc phục, nếu không yêu cầu cơ sở ngừng hoạt động”, ông Du chia sẻ.
Nói về quản lý hoạt động các homestay, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ở Hà Nội chưa có số liệu thống kê riêng về homestay mà chỉ có thống kê về du lịch lưu trú nói chung. Vị này cũng nhìn nhận đây là khó khăn trong quản lý loại hình này.
Tiền Phong