Ra Tết, nhà đầu tư nên cắt lỗ sớm hay cố gắng “gồng” chờ thị trường khởi sắc
Cắt lỗ hay cố gắng chờ đợi tín hiệu sáng từ thị trường là bài toán khó đối với những nhà đầu tư đang ôm hàng, sử dụng đòn bẩy tài chính. Theo giới chuyên gia, cần đánh gía từ yếu tố vĩ mô để đưa ra quyết định sớm, trước khi nhà đầu tư rơi vào cảnh cận kề “phá sản” vì tồn hàng.
Trong chia sẻ mới đây, ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh One Housing cho hay, nhiều nhà đầu tư đang đứng trước tình cảnh “chôn hàng” và có thể buộc phải chấp nhận bán lỗ. Họ là nhà đầu tư “đu đỉnh” đất nền khi thị trường sốt nóng. Và đến hiện tại, thị trường trầm lắng, nguy cơ mất thanh khoản xảy ra khiến cho nhà đầu tư này đang đứng trước kịch bản: Khó bán, phải gồng gốc lãi.
Một nhóm các nhà đầu tư khác bỏ tiền và sản phẩm dự án như bất động sản thấp tầng. Họ sử dụng đòn bảy tài chính lớn cũng chịu áp lực phải bán phá giá. Nhất là nhóm nhà đầu tư này đang đứng trước nguy cơ lãi suất thả nổi sau thời gian ân hạn cho vay từ chủ đầu tư. Đó sẽ là cơn ác mộng của nhiều nhà đầu tư.
Theo giới chuyên gia, 2023 sẽ là một năm đầy thách thức và buộc các nhà đầu tư phải đưa ra quyết định sớm cho chính bài toán xuống tiền. Bởi nếu không, họ có thể rơi vào tình cảnh cận kề phá sản.
Một, họ sẽ phải chủ động cắt lỗ sớm trước khi thanh khoản mất, hoặc giá bất động sản giảm sâu. Hai, họ có thể chờ đợi vào tín hiệu tích cực của thị trường, thanh khoản sôi động trở lại và giá gia tăng.
Tuy nhiên, ở bất kỳ kịch bản nào, nhà đầu tư cũng khó đoán định được chính sách diễn biến của thị trường địa ốc. Giới chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần cân nhắc, đánh giá yếu tố vĩ mô như động lực từ đầu tư công, lãi suất cho vay, các chính sách pháp luật. Đồng thời, quan trọng nhất, họ phải đánh giá được khả năng tài chính tự có.
Ví dụ như, nhà đầu tư có thể gồng gốc lãi đến bao giờ, trong vòng bao nhiêu tháng? Hoặc họ có phương án thay thế liên quan đến dòng tiền mới để đảo nợ? Trường hợp nhà đầu tư rơi vào cảnh quá áp lực, do vốn tự có không đủ xoay xở, việc bán cắt lỗ để trang trải chi phí càng nên sớm vì diễn biến của thị trường luôn biến động. Việc phục hồi với mức giá tăng mạnh hay thanh khoản tốt đột biến khó diễn ra trong ngắn hạn.
Trong chương trình Đi theo dòng tiền, ông Tô Anh Hùng, Giám đốc chiến lược Công ty TNHH Nhà Ở Ngay Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị, đó là nhà đầu tư hãy nhìn vào chỉ số lãi suất để đưa ra quyết định.
Theo ông Hùng, nếu lãi suất tăng, nhà đầu tư nên cắt lỗ ngay bởi giá bất động sản sẽ giảm.
Ông Hùng phân tích thêm, khi lãi suất tăng, chi phí cơ hội của việc đầu tư bất động sản sẽ tăng lên. Nhu cầu mua bất động sản trên thị trường thông thường sẽ giảm khi lãi suất tăng lên. Khi nhu cầu giảm, giá sẽ giảm.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng một phần tác động đến nguồn cung, khi các khoản vay mua nhà dần trở nên quá tải với nhà đầu tư. Việc bán ra ồ ạt để cắt lỗ khiến nguồn cung đột ngột tăng lên, khiến giá bất động sản sụt giảm.
Một điểm nữa mà ông Hùng chỉ ra rằng, khi lãi suất tăng cao, các khoản vay mua nhà đến hạn phải trả đang gây áp lực đáng kể lên cả phía nhà đầu tư lẫn các ngân hàng, khi nguy cơ nợ xấu tăng vọt và tính thanh khoản của thị trường bất động sản sụt giảm.
Đưa ra khuyến nghị về động thái của những nhà đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thừa nhận: Nhà đầu tư và giới đầu tư đều không muốn bị lỗ, thế nên đa số mọi người đều đang nằm chờ.
Ông Lực cũng cho rằng, ngoài ra, chi phí bỏ ra để đầu tư lại không hề nhỏ, nếu như cắt lỗ bây giờ sẽ rất nguy hiểm. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có những lúc chúng ta cần phải chấp nhận thà cắt lỗ còn hơn là mất hết”, ông Lực nói.
Nhịp sống thị trường