Rao bán cắt lỗ bất động sản nhưng thực chất nhiều nhà đầu tư chỉ đang cắt lãi
Thời gian qua, thị trường địa ốc rầm rộ rao bán cắt lỗ nhưng thực chất nhiều người chỉ đang cố tình theo "trend" cắt lỗ để bán hàng còn giá vẫn trên trời so với giá mặt bằng của thị trường.
- 30-11-2022Chuyên gia Sử Ngọc Khương dự đoán năm 2023 thị trường bất động sản sẽ chuyển biến khá thận trọng
- 30-11-2022VARS: Thị trường bất động sản khó hết cảnh trầm lắng khi chưa giải được bài toán dòng vốn
- 29-11-2022“Bức tranh” thị trường bất động sản năm 2023 sẽ ra sao?
Chị Minh Hằng (36 tuổi, Hà Nội) có hơn 5 tỷ đồng tiền nhàn rỗi và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản trong lúc thị trường xuất hiện cơ hội 10 năm có 1 lần.
Bạn bè chị khuyên rằng, nếu giờ có tiền thì nên đi tìm những sản phẩm hàng ngộp, cắt lỗ sâu và khi thị trường đi lên sẽ có lãi. Tuy nhiên, chị Hằng phải đảm bảo trong thời điểm đầu tư này không sử dụng đòn bẩy tài chính, nếu không lãi suất thời gian tới mà tăng lên thì sẽ gặp khó.
Thế nhưng, theo chia sẻ của chị Hằng, công cuộc đi “săn hàng” của chị không hề dễ dàng. Nếu như đứng ngoài cuộc nhìn vào thị trường thì cứ nghĩ rằng, các nhà đầu tư ôm hàng đang mong muốn thoát hàng bằng mọi cách, họ không ngần ngại giảm giá sâu, cắt lỗ mạnh để thu tiền về.
Thực tế, nhiều người chỉ đang cố tình theo trend cắt lỗ để bán hàng, rao bán chịu lỗ 10-20% nhưng thực chất giá vẫn trên trời so với giá mặt bằng của thị trường. Thậm chí, giá vẫn trên trời so với thời điểm người ta mua vào.
“Tôi đánh giá khá cao thị trường bất động sản Bắc Ninh bởi tỉnh này vẫn còn dư địa phát triển mạnh. Trong giai đoạn sốt đất 2020-2021, nhiều nhà đầu tư không ngần ngại sử dụng đòn bẩy để ôm đất lướt sóng. Nhiều người mắc cạn, rao bán cắt lỗ khá nhiều nhưng đến khi tôi tìm gặp đàm phán thì giá cũng chỉ rẻ hơn thời điểm sốt 200-300 triệu đồng hoặc bằng thời điểm đó. Thực chất đó chỉ là tình trạng lỗ “ảo”, họ bán cũng được mà không bán được cũng không sao. Còn để tìm được người thực sự muốn bán để mua rất khó”, chị Hằng chia sẻ.
Đồng tình việc hiện nay thị trường xuất hiện tình trạng theo trend bán cắt lỗ và chỉ là lỗ "ảo", ông Phạm Trường Giang - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư DLG Holdings lấy ví dụ, một nhà đầu tư đi mua bất động sản vùng ven của Hà Nội vào năm 2020 với giá 100 triệu đến đầu năm 2021, giá đã tăng lên 200 triệu và anh ta nghĩ giá còn tiếp tục tăng lên. Đến khi thị trường giảm, nhà đầu tư muốn thoát hàng thu tiền về thì chỉ cần bán trên 100 triệu là đã có lãi nhưng mà vẫn bảo cắt lỗ bán 200 triệu đồng. Tức, nhà đầu tư đã nhân đôi khoản đầu tư của mình.
“Hiện nay, sẽ không có nhiều tình trạng rao bán cắt lỗ với giá trên trời như thế mà bán thành công được bởi vì Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng và năm nay cũng không còn room để các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay. Chính những yếu tố đó, khả năng gọi là cắt lỗ thu được lãi như kỳ vọng sẽ không xảy ra”, ông Giang chia sẻ.
Anh Hải Sơn - môi giới phân khúc đất nền có hơn 10 năm kinh nghiệm chia sẻ, thực chất rao bán cắt lỗ hiện nay thiên về bán cắt lãi nhiều hơn. Bởi, đa số những người rao bán ở thời điểm hiện tại họ đã mua cách đây khoảng 1-2 năm tức năm 2020-2021. Thời gian qua, giá đã tăng gấp 2-3 lần nên giờ có bán “cắt lỗ” như lời họ nói cũng không thể bán dưới giá gốc được. Thực chất, họ cắt lãi dựa trên mặt bằng giá lãi mà nhà đầu tư kỳ vọng.
Môi giới này đưa ra lời khuyên với những nhà đầu tư hiện nay mang tâm lý đi “săn hàng” cắt lỗ cần phải thận trọng và sáng suốt kẻo vẫn mua phải với mức giá cao mà lại tưởng mình mua được giá hời.
Nhịp sống thị trường