MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rao bán giống giả sâm Ngọc Linh rẻ gấp 10 lần để trục lợi

31-07-2023 - 17:25 PM | Thị trường

Nhiều người rao bán lá, hoa, hạt sâm Ngọc Linh với giá chỉ vài trăm ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) giá thực tế lên đến 10 triệu đồng/kg và khẳng định các loại hoa, lá, hạt bán với giá mấy trăm ngàn đồng là không đúng sự thật.

Ngày 31/7, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cho biết sẽ thành lập các tổ kiểm tra nhằm đấu tranh và xử lý những cá nhân cùng các trang mạng xã hội facebook để lừa bán hoa, lá, hạt sâm Ngọc Linh giả.

Theo ông Mạnh, vừa qua các đơn vị của huyện này phát hiện nhiều trang mạng xã hội đăng tải bán lá, hạt sâm Ngọc Linh với giá rất thấp, bất hợp lý.

Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông khẳng định việc các trang mạng rao bán hoa, lá, hạt sâm này là không đúng sự thật.

Cụ thể trang "Green Farm" đăng bán 10.000 đồng một hạt sâm Ngọc Linh. Hay như trang "Cây Quý Đất Việt - Dược Từ Tâm" đăng bán 50 hạt sâm với giá 150.000 đồng; 100 hạt với giá 300.000 đồng; 150 hạt với giá 450.000 đồng… Mua càng nhiều sẽ càng được tặng thêm quà như thuốc kích thích rễ, công thức ươm giống… Cây giống sâm 1 năm tuổi, cũng được trang mạng này rao bán với giá 300.000 đồng/cây và không quên kèm số điện thoại để người mua liên lạc.

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định, các thông tin trên không đúng sự thật.

Theo ông Mạnh, trên thị trường nếu mua với số lượng 100 hạt thì giá phải từ 10-12 triệu đồng (tương đương 100.000 đồng/hạt). Lá sâm cũng từ 10-12 triệu đồng/kg.

“Trên mạng facebook, người ta bán bó lá sâm Ngọc Linh có kèm hạt với giá 5 triệu đồng không đúng. Bởi một bông giá đã 2 triệu đồng vì có khoảng 20 hạt, mỗi hạt 100.000 đồng rồi", ông Mạnh cho hay.

Vườn ươm cây giống sâm Ngọc Linh thật ở huyện Tu Mơ Rông

Rất nhiều trang mạng rao bán hoa, lá, hạt sâm Ngọc Linh và cam kết dẫn khách tham quan khu vườn ươm cây giống. Khi Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) lên kiểm tra khu vườn theo địa chỉ và gọi điện thoại liên lạc thì người bán khóa máy.

"Thực tế làm gì có vườn sâm ở đó. Thậm chí có người khai địa chỉ của công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, trong khi công ty này khẳng định không bán hạt sâm Ngọc Linh", ông Mạnh nói.

Đáng nói, sau thời gian bóc gỡ một số trang mạng lừa bán hoa, hạt sâm giả thì những người cầm các trang này lại thay bằng một trang khác và tiếp tục bán.

Để tránh bị lừa đảo và mất tiền, Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông khuyến cáo, những ai có nhu cầu mua thì nên liên hệ với chính quyền địa phương để có hướng dẫn, giới thiệu. Người mua cần làm hợp đồng mua bán để chính quyền địa phương có cơ sở xác minh, xử lý.

Cũng theo Chủ tịch huyện này, nếu muốn mua giống sâm để phát triển thì người dân, tổ chức doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn. Bởi có nhiều trường hợp mua hạt, giống sâm về trồng nhưng không ra hoa và hàm lượng Saponin có rất ít trong củ sâm.

Trước đó, tại tỉnh này, báo Tiền Phong có bài viết Kon Tum: “ Chi 13 tỷ đồng mua máy kiểm định sâm nhưng 'ế' khách ” (đăng ngày 26/7) phản ánh, Kon Tum đầu tư máy móc để phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả.

Đây là cách mà tỉnh Kon Tum ngăn chặn triệt để nạn buôn bán sâm giả tại địa phương. Tuy nhiên, dù đầu tư 13 tỷ đồng nhưng rất ít khách hàng tìm đến hệ thống này để kiểm nghiệm.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, hệ thống này ế khách, có thể cơ quan chủ quản chưa thông báo rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân biết đến Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng - dịch vụ Khoa học và Công nghệ Kon Tum có hệ thống máy móc phân biệt được sâm Ngọc Linh thật và giả.

Theo Đình Văn

Tiền Phong

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên