MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rào cản tri thức khiến cho cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ chưa có tác động nhiều tới Việt Nam trong ngắn hạn

08-04-2017 - 10:30 AM | Doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 là động lực để Việt Nam phải đổi mới, tái cơ cấu. Nếu không thay đổi, mô hình tăng trưởng Việt Nam đạt tới giới hạn tự nhiên, thì khi đó chúng ta sẽ gặp thách thức lớn.

Tại buổi hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và Mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Đặng Việt Dũng – Giám đốc điều hành Uber Việt Nam đã chia sẻ một vài quan điểm về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn gọi là cách mạng công nghệ và những ảnh hưởng tới Việt Nam.

Theo ông Dũng, hiện có 3 yếu tố chính tác động tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm nền tảng công nghệ máy tính, tốc độ cũng và độ bao phủ của công nghệ. Nền kinh tế số sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có cơ hội thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển.

Tuy vậy, theo ông Dũng thì cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ chưa có tác động nhiều tới Việt Nam trong ngắn hạn. Giải thích về quan điểm này, ông Dũng cho biết cách mạng công nghiệp 4.0 là cách mạng của tri thức và việc đầu tiên là chúng ta phải có tri thức, giáo dục cũng như phải trả lời được nhiều vấn đề hơn là đặt câu hỏi. Mặc dù công nghệ, máy móc đều đã tiến hóa nhưng cuối cùng vai trò của con người vẫn là quan trọng nhất bởi phải đưa ra những quyết định chính xác.

Hiện tại, các câu trả lời tự động đơn giản (chat bot) thì máy đã làm tốt và có thể thay thế con người. Do đó, cần phải cải thiện hơn nữa hệ thống giáo dục để bắt kịp các xu hướng công nghệ mới và đó là vấn đề trung hạn.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết cách mạng công nghiệp là cái mới và tiếp thu nhanh thì đất nước có thể phát triển mạnh, theo kịp xu thế mới. Tuy nhiên, cuộc cách mạng 4.0 này còn phụ thuộc nhiều về chính sách ổn định.

Cuối cùng, giám đốc Uber Việt Nam cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải nắm bắt được công nghệ, đó không phải chiến lược mà là yếu tốt cốt lõi. Tuy vậy, tư duy đó phải trong trung hạn mới tác động được tới các doanh nghiệp.

Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 là động lực để Việt Nam phải đổi mới, tái cơ cấu. Nếu không thay đổi, mô hình tăng trưởng Việt Nam đạt tới giới hạn tự nhiên, thì khi đó chúng ta sẽ gặp thách thức lớn. Cuộc cách mạng này sẽ tạo sức ép rất lớn và nếu không cải cách chúng ta sẽ tụt hậu sớm.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT cho rằng không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng 4.0 nhiều như ở Việt Nam. Từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam. Cũng theo ông Bình, cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các đại gia mà là cuộc cách mạng của mọi người. Trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

Ông Bình cũng nhấn mạnh “Đích đến của cuộc cách mạng còn rất xa, tiến trình có thể phải 15 năm nữa mới thấy ‘đích’. Nhưng để tới đích thì phải bắt đầu tư bây giờ”.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên