MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rào cản từ EVFTA - Động lực đưa Việt Nam hòa nhập “sân chơi” EU

Doanh nghiệp phải xác định rào cản chính là động lực, buộc phải đáp ứng để mở rộng thị trường

Doanh nghiệp phải xác định rào cản chính là động lực, buộc phải đáp ứng để mở rộng thị trường

Sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang EU được đánh giá có kết quả khả quan.

Đây cũng là động lực cho doanh nghiệp thể hiện ý chí vươn lên để nâng cao chất lượng từng ngành hàng, đa dạng hóa thị trường... cũng như tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với các vấn đề chuyển đổi xanh, giảm phát thải và phát triển bền vững.

Rào cản EVFTA- Khó mà không khó

Là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với cam kết toàn diện, sâu rộng, nhiều ưu đãi, EVFTA đã cho những “trái ngọt” đầu tiên. Hiện Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN, đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.

Đồng thời EU cũng trở thành đối tác thương mại hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Tuy nhiên vị thế này đang đối diện với nhiều khó khăn khi EU đang ngày càng thắt chặt giám sát việc thực thi vấn đề chuyển đổi xanh, phát triển bền vững...

Rào cản từ EVFTA - Động lực đưa Việt Nam hòa nhập “sân chơi” EU - Ảnh 1.

Ngoài ngành hàng dệt may, da giày... những mặt hàng lâm sản - đồ gỗ của Việt Nam muốn tăng trưởng xuất khẩu cần đáp ứng nhiều điều kiện khác

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tình hình biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng đang đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh các dự luật của EU. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều thách thức lớn buộc phải thích ứng.

Riêng ngành gỗ hiện có 14 triệu ha rừng, trong đó có 4 triệu ha rừng sản xuất. Nếu quy hoạch tốt chỉ đáp ứng 60% thị trường gỗ nội địa, buộc phải nhập khẩu. Môi trường là vấn đề toàn cầu, Chính phủ và doanh nghiệp trong nước phải có trách nhiệm đối với nguồn gốc xuất xứ lâm sản và những mặt hàng sản xuất trên đất rừng.

Theo ông Phương, thời gian tới không chỉ đồ gỗ mà nhiều mặt hàng nông nghiệp khác cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Về vấn đề này, ông Lý Trung Kiên, Trưởng Bộ phận Logistic toàn quốc – Công ty Nesle Việt Nam chia sẻ, từ góc nhìn chung của ngành hàng cà phê và đồ uống, Hiệp định EVFTA đang tạo lợi thế giúp Việt Nam có thị phần ổn định tại thị trường EU.

Rào cản từ EVFTA - Động lực đưa Việt Nam hòa nhập “sân chơi” EU - Ảnh 2.

Một số thay đổi Luật của EU sẽ tác động trực tiếp đến ngành hàng nông sản nói chung và mặt hàng cà phê nói riêng

Tuy nhiên, dự báo 2 - 3 năm tới, việc các dự luật mới được thông qua sẽ tác động trực tiếp đến ngành hàng nông sản, trong đó có cà phê. Theo ông Kiên, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng này ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm thì vấn đề sử dụng tài nguyên hiệu quả, bảo vệ môi trường cần được chú trọng.

Ông Lý Trung Kiên khuyến nghị nên tuân thủ Bộ tiêu chí hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang canh tác tái sinh, đồng thời phải vượt qua những rào cản này để tồn tại.

Theo ông Kiên: "Đây sẽ là những câu chuyện để truyền tải cho người tiêu dùng hiểu được vấn đề đó và chấp nhận sản phẩm của mình. Khi sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thì hàng Việt có thể xuất khẩu, giá trị của hàng hóa Việt Nam, giá trị của cà phê sẽ được nâng cao hơn".

Thay đổi để tồn tại và thể hiện trách nhiệm

Theo Bộ Công thương, sắp tới, ngoài ngành hàng chủ lực là dệt may, da giày..., những mặt hàng liên quan đến lâm sản - đồ gỗ của Việt Nam muốn tăng trưởng xuất khẩu cần phải đáp ứng các điều kiện, như giấy phép Thỏa thuận đối tác tự nguyện; Quản trị rừng và lâm nghiệp, các tiêu chuẩn: Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) và phát thải CO2…

Rào cản từ EVFTA - Động lực đưa Việt Nam hòa nhập “sân chơi” EU - Ảnh 3.

EU sẽ gia tăng hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng dệt may, da giày và có đồ gỗ, cà phê của Việt Nam

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất - Thương mại Sadaco TP.HCM cho biết, với ngành đồ gỗ, năm 2014 xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ không đáng kể, nhưng sau 15 năm, tận dụng lợi thế từ Hiệp định CPTPP, đồ gỗ Việt đang chiếm khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu đi các thị trường.

Theo ông Mạnh, nhờ nỗ lực đáp ứng yêu cầu của đối tác mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, trong đó có Sadaco đã trưởng thành, hội nhập kinh tế toàn cầu một cách nhanh chóng. Do đó rào cản từ EVFTA cũng không ngoại lệ.

Ông Trần Quốc Mạnh cho biết: "Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trước cơ hội, một là vươn lên, hai là bị loại ra khỏi cuộc chơi. Vì vậy, nó đã tác động, làm cho doanh nghiệp nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam tại thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, cũng như những thị trường mới nổi: Canada, Chile, Peru".

Cùng với Hoa Kỳ, Trung Quốc..., EU được xác định là thị trường truyền thống của Việt Nam. So với việc cân đối từng ngành hàng để nhập của Hoa Kỳ, thì EU luôn mở rộng cánh cửa cho các mặt hàng Việt Nam.

Ngược lại doanh nghiệp Việt Nam phải thể hiện trách nhiệm thương hiệu quốc gia đối với từng sản phẩm trong việc thực hiện giám sát các vấn đề liên quan đến biến đổi môi trường, khí hậu, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Theo Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, để tiếp tục tạo được sự khác biệt, lợi thế so sánh của hàng hóa Việt Nam thì phải chấp nhận theo tiêu chuẩn của thế giới. Đây là cách duy nhất để khẳng định năng lực, trách nhiệm của doanh nghiệp đối các vấn đề toàn cầu.

Bà Đỗ Thị Thu Hương nếu rõ: "Thời gian tới, Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cùng Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng các chương trình hành động triển khai chiến lược xuất khẩu này. Hy vọng rằng có thể giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có cách tiếp cận lâu dài để phát triển xuất khẩu bền vững".

Theo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham), EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng hơn 5 ngàn tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này khoảng 40 tỷ USD/năm, còn rất khiêm tốn so với tiềm năng nhập khẩu EU. “Sân chơi” EU luôn sẵn sàng đón nhận hàng Việt khi doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với những vấn đề chung toàn cầu và yêu cầu của người tiêu dùng./.

Theo Nguyễn Quang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên