MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ráo riết đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Các địa phương ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, TPHCM đang đốc thúc, tháo gỡ khó khăn để tìm cách tăng tốc độ giải ngân giải ngân vốn đầu tư công.

Gỡ khó về vật liệu

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.

Bà Trần Thụy Cẩm Lệ - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh hơn 15.570 tỷ đồng. Tới nay đã phân bổ hơn 14.320 tỷ đồng cho các chủ đầu tư, đạt 91,97%. Tính đến ngày 29/3, lũy kế thanh toán tất cả các nguồn vốn dự án cả trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh là hơn 2.044 tỷ đồng, đạt 14,28% so với kế hoạch giao.

Ráo riết đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh 1.

Ngày 18/6 tới, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tổ chức khởi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Do đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền tới các chủ đầu tư dự án, nhà thầu, tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác mỏ vật liệu về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, pháp luật liên quan. Các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng để khai thác đáp ứng tiến độ, khối lượng của các dự án trên địa bàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công. Khẩn trương rà soát, tổng hợp và có đề xuất hướng tháo gỡ cho các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Tại Bình Thuận, năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao gần 4.870 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/4, Bình Thuận đã giải ngân được hơn 890 tỷ đồng, đạt 18,28% kế hoạch.

Để đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ban, ngành và các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2023. Xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể từng dự án theo từng tháng và cả năm để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Đối với các dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư phải tích cực, chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh công tác kiểm kê, xác định tính pháp lý, áp giá đền bù cho các tổ chức, cá nhân để sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Giám sát công trình trọng điểm

Trong khi đó, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng nguồn vốn đầu công trên địa bàn tỉnh năm 2023 là gần 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới giải ngân đạt gần 1.300 tỷ đồng, chưa tới 10% kế hoạch.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp, tỉnh Đồng Nai cho biết, do một số dự án chưa kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện phân bổ vốn. Đồng thời, nhiều dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2023 bố trí vốn chuyển tiếp, tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm chưa cao là do phải hoàn phần tạm ứng hợp đồng.

Ráo riết đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh 2.

Người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư các dự án chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM trong đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án và khối lượng giải ngân vốn đầu tư công.

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan cần quan tâm đến các vấn đề như chính sách tái định cư hợp lý, đất, dự án và vốn cho công tác tái định cư phải tương xứng. Các cấp sẵn sàng đối thoại với người dân về các khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, vận động nhân dân đồng thuận giao đất. Đặc biệt, các chủ đầu tư cần chú trọng đến chất lượng các đơn vị tư vấn, nhà thầu, tránh làm sai rồi sửa.

Năm 2023, TPHCM được phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vốn đầu tư công. Tuy nhiên, nhiều địa phương, sở, ngành và đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0% trong quý I/2023, như quận 4, 7, 8, Tân Phú, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Bệnh viện Trưng Vương cùng một số ban quản lý dự án...

Để tỷ lệ giải ngân đạt ít nhất 95% trong năm 2023, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo các đơn vị phải chú trọng rà soát dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, tiến độ triển khai dự án đã được giao vốn và kết quả giải ngân vốn để thực hiện.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các dự án, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của mỗi dự án đã giao vốn nhưng không thể triển khai hoặc chậm, kịp báo cáo tổ công tác của Ban thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.

Người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư các dự án chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM trong đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án và khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương, đơn vị. Nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, Ban thường vụ Thành ủy TPHCM sẽ kiểm tra giám sát 38 công trình trọng điểm tại TPHCM.


Theo Duy Quang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên