MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rất cần chiến lược quốc gia về xây dựng thương hiệu nông sản

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, với tầm quan trọng của ngành hàng nông sản, Việt Nam thực sự cần có cả chiến lược mang tầm quốc gia về xây dựng thương hiệu nông sản.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt thời gian qua, đặc biệt là với những mặt hàng nông sản XK tỷ USD, chủ lực của Việt Nam?

Hiện nay, dù XK nông sản Việt Nam xếp thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 15 thế giới nhưng đến 80% nông sản XK chưa có thương hiệu. Điều này cho thấy việc xây dựng thương hiệu nông sản mới dừng lại ở cấp độ hướng tới, có ý tưởng, còn hành động và tốc độ có thể ví vẫn như "chiếc xe cút kít đi quanh đường làng".

Thương hiệu chia ra thương hiệu cấp quốc gia, thương hiệu tập thể và thương hiệu DN. Ở cấp quốc gia điển hình như mặt hàng gạo, Bộ NN&PTNT đứng ra xây dựng song tầm ảnh hưởng khá mờ nhạt. Với mặt hàng khác là tôm và cá tra, dù xác định xây dựng thương hiệu quốc gia song mới đang thực hiện.

Nhìn ở góc độ 10 mặt hàng nông sản XK chủ lực, lọt "top" tỷ USD như gỗ, cao su, hạt tiêu, hạt điều…, đến nay chưa sản phẩm nào có thương hiêu. Cà phê Việt nổi tiếng trên thế giới về mặt sản xuất từ lâu nhưng các nhà XK chỉ bán hạt cho nhà rang xay để họ chế biến. Sản phẩm bán ra không mang thương hiệu Việt.

Nhìn chung đến nay, xây dựng thương hiệu nông sản vẫn nặng về tư duy có gì bán nấy, chưa quyết liệt trong hành động kể cả trong xây dựng thương hiệu cấp quốc gia, tập thể hay DN.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới kết quả đáng buồn trong xây dựng thương hiệu kể trên?

Theo tôi, nguyên nhân trước tiên là tư duy sản xuất mới chú trọng đến năng suất, khối lượng, còn buông lỏng, ì ạch trong xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, DN cũng đối diện một số rào cản pháp lý nhất định, phải bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc trong quá trình xây dựng thương hiệu. Kinh phí đăng ký thương hiệu còn khá lớn. Thậm chí khi tiến hành bảo hộ tại nước ngoài, DN còn phải bỏ tiền thuê luật sư nước sở tại. Bên cạnh đó, chi phí còn phát sinh ở các khoản như tìm hiểu, khảo sát, đánh giá thị trường mà DN XK sản phẩm. Việc thu thập, xây dựng thương hiệu hàng hóa phải bỏ ra cả tiền bạc, thời gian, công sức khiến nhiều DN nản lòng. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng, không ít DN vẫn còn tư duy có gì bán nấy, chỉ cần lợi nhuận cao.

Ngoài các yếu tố nêu trên, phải khẳng định rằng, cốt lõi của xây dựng thương hiệu nông sản là giá trị cộng đồng. Sự cam kết về chất lượng bền vững mới có thể xây dựng được thương hiệu. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn khá manh mún dẫn đến chất lượng sản phẩm thiếu ổn định. Vấn đề truy xuất nguồn gốc và kiểm soát đầu vào còn khá khó khăn nên tập thể, DN còn thiếu những cam kết trong chuỗi giá trị bền vững, làm cho người tiêu dùng chưa đủ niềm tin.

Rất cần chiến lược quốc gia về xây dựng thương hiệu nông sản - Ảnh 1.

Cà phê là mặt hàng nông sản XK tỷ USD điển hình trầy trật trong xây dựng thương hiệu. Ảnh: Nguyễn Thanh

Trong câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản, ông đánh giá như thế nào về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và vai trò của DN, người dân, yếu tố nào mang tính quyết định?

Trong câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản, Nhà nước và DN đóng vai trò hỗ trợ cho nhau. Nhà nước có vai trò là "bà đỡ", thúc đẩy tạo môi trường pháp lý, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ việc quảng bá hình ảnh,… Còn DN là yếu tố quyết định vì thương hiệu tạo nên giá trị sinh lời, là hình ảnh của DN, niềm tin của người tiêu dùng. Nhà nước quản lý, còn DN kinh doanh. Trong kinh doanh của DN, vấn đề lớn là tạo lập nên thị trường. Xây dựng thương hiệu ở cả 3 cấp quốc gia, tập thể và DN thì bản thân DN đều đóng vai trò quan trọng. DN phải giữ vai trò liên kết với người sản xuất, với tổ chức kinh tế nông nghiệp. DN vừa trực tiếp thực hiện thương hiệu cho chính mình, đồng thời phải là người dẫn dắt trong chuỗi giá trị và chất lượng sản phẩm.

Xin ông cho biết, thời gian tới câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt cần có sự thay đổi như thế nào để đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới?

Tôi cho rằng, thứ nhất, phải tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nông sản theo vùng miền và thúc đẩy kết nối giữa các vùng miền với nhau, không để chồng chéo, triệt tiêu thế mạnh của địa phương. Hiện nay, sản xuất nông sản vẫn nằm trong tình trạng 63 tỉnh thành là 63 nền kinh tế riêng. Liên kết vùng sẽ tạo nên sức mạnh và không triệt tiêu thế mạnh của từng địa phương.

Riêng về vấn đề marketing, xúc tiến thương mại cho hàng nông sản, tôi cho rằng nên giao cho Bộ NN&PTNT thay vì Bộ Công Thương như hiện nay. Bộ Công Thương chỉ ra những chính sách chung. Trong xây dựng thương hiệu nông sản phải thực sự hiểu sâu về nông sản, hiểu được đường đi của nông sản. Không đơn vị nào hiểu đường đi của nông sản bằng Bộ NN&PTNT.

Ngoài các yếu tố nêu trên, phải thay đổi tư duy người sản xuất, tập trung mọi nguồn lực cho truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin sản phẩm, cần có trách nhiệm với xã hội để tạo lòng tin của chủ hợp đồng mua hàng và người tiêu dùng. Việt Nam đã gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu thì đây là yếu tố cốt lõi của xây dựng thương hiệu.

Không ít ý kiến cho rằng, trong tâm thế một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam thực sự cần có sự đầu tư nghiêm túc, phải hình thành một chiến lược mang tầm quốc gia cho việc xây dựng thương hiệu nông sản. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Hiện nay, Việt Nam chưa có chiến lược lâu dài trong xây dựng thương hiệu nông sản, rất cần có chiến lược quốc gia về xây dựng thương hiệu nông sản. Thậm chí, bản thân các DN cũng phải xây dựng thương hiệu của mình ở cấp quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):

Xây dựng thương hiệu nông sản nên tập trung vào thương hiệu quốc gia, sau đó là thương hiệu vùng

Trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu nông sản nên tập trung vào thương hiệu quốc gia, sau đó là thương hiệu vùng. Dẫn chứng thành công dễ thấy là, chỉ cần nói đến Bordeaux (Pháp), cả thế giới nghĩ đến rượu vang, hay nhắc đến pizza là mọi người sẽ đều nghĩ đến Italia.

Với Việt Nam, ví như là trường hợp của vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Đây là một trong những loại đặc sản nổi tiếng, được người tiêu dùng cả nước ưa thích. Để hạn chế tình trạng được mùa mất giá, các cơ quan chức năng của huyện đã nỗ lực quảng bá sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, khẳng định nguồn gốc cũng như đặc thù của vải thiều Lục Ngạn… Nhờ vậy, đến nay, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại nhiều quốc gia như: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia và Mỹ.

Ông Nguyễn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Phú Ngọc:

Mấu chốt của xây dựng thương hiệu là chất lượng

Trên thực tế, câu chuyện không hiếm là nhiều sản phẩm của Việt Nam khi XK ra nước ngoài đã được chuyển thành thương hiệu của nước khác. Hay nói cách khác, mình chỉ là công cụ sản xuất cho nhãn hiệu nước ngoài. Vì vậy, mấu chốt của xây dựng thương hiệu là chất lượng, phải xây dựng quy cách cho sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu mà phía đối tác đưa ra.

Uyển Như (ghi)

Trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu nông sản nên tập trung vào thương hiệu quốc gia, sau đó là thương hiệu vùng. Dẫn chứng thành công dễ thấy là, chỉ cần nói đến Bordeaux (Pháp), cả thế giới nghĩ đến rượu vang, hay nhắc đến pizza là mọi người sẽ đều nghĩ đến Italia.

Với Việt Nam, ví như là trường hợp của vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Đây là một trong những loại đặc sản nổi tiếng, được người tiêu dùng cả nước ưa thích. Để hạn chế tình trạng được mùa mất giá, các cơ quan chức năng của huyện đã nỗ lực quảng bá sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, khẳng định nguồn gốc cũng như đặc thù của vải thiều Lục Ngạn… Nhờ vậy, đến nay, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại nhiều quốc gia như: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia và Mỹ.

Ông Nguyễn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Phú Ngọc:

Mấu chốt của xây dựng thương hiệu là chất lượng

Trên thực tế, câu chuyện không hiếm là nhiều sản phẩm của Việt Nam khi XK ra nước ngoài đã được chuyển thành thương hiệu của nước khác. Hay nói cách khác, mình chỉ là công cụ sản xuất cho nhãn hiệu nước ngoài. Vì vậy, mấu chốt của xây dựng thương hiệu là chất lượng, phải xây dựng quy cách cho sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu mà phía đối tác đưa ra.

Uyển Như (ghi)

Theo Thanh Nguyễn (thực hiện)

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên