MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rau quả Trung Quốc lấn át hàng Việt

04-01-2017 - 09:49 AM | Thị trường

Dù không được người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ nhưng rau quả Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường, nhất là khi nguồn cung trong nước không đủ.

Trao đổi với phóng viên ngày 3-1, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên, cho biết sản lượng rau Đà Lạt đang giảm khoảng 30% - 40% so với khi chưa xảy ra mưa lũ. Khu vực miền Trung chưa phục hồi sau các trận lũ vừa qua, lượng rau quả cung cấp cho thị trường giảm sút mạnh đã tạo cơ hội cho nông sản Trung Quốc quay lại, đặc biệt vào dịp Tết nguyên đán sắp tới, khi nhu cầu của người dân tăng đột biến.

Không có gì bất thường!

Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM) cho biết trong số trái cây về chợ dịp Tết, khoảng 30%-35% là hàng nhập. Trong đó, nguồn gốc Trung Quốc chiếm 50%, tương đương sản lượng 270-315 tấn/đêm.


Bắp cải Trung Quốc được nhập về chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) trước khi phân phối đến các chợ lẻ Ảnh: Ngọc Ánh

Bắp cải Trung Quốc được nhập về chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) trước khi phân phối đến các chợ lẻ Ảnh: Ngọc Ánh

Để theo dõi nguồn gốc hàng ngoại, công ty quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức buộc tài xế, chủ hàng phải xuất trình hóa đơn, chứng từ, địa điểm vận chuyển mới được phép đưa vào. Thời gian đầu, việc này bị phản ứng nhưng sau đó, nhiều người đã chấp hành. Một số rau quả của Trung Quốc như cà chua, cải bó xôi, bưởi, cam… nhìn bên ngoài rất khó phân biệt với hàng trong nước. Do đó, nhiều tiểu thương đem về gắn mác hàng Việt, Thái... để qua mặt người tiêu dùng.

Đại diện Trung tâm Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cho hay việc rau củ quả Trung Quốc tràn vào Việt Nam thời điểm này không phải quá đặc biệt. Nguyên nhân là bởi giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng rau quả của người dân tăng cao. Ngoài ra, các mặt hàng Trung Quốc vốn có giá rẻ, dễ tiêu thụ.

“Thực tế là nhiều mặt hàng rau củ quả của Trung Quốc, chúng ta không có nên phải nhập. Tương tự, nhiều mặt hàng của chúng ta thì họ cũng không có nên phải nhập từ Việt Nam” - vị này giải thích.

Đại diện Trung tâm Công nghiệp và Thương mại xác nhận hầu hết mặt hàng rau củ quả thông thương 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đều qua con đường tiểu ngạch. Việt Nam cũng xuất nhiều gạo, thịt heo… qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên việc họ xuất ngược trở lại không phải là điều bất thường.

“Chúng ta khó có thể xuất theo con đường chính ngạch vì phải bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi sản phẩm của chúng ta lại không bảo đảm. Ngoài ra, nếu đi đường chính ngạch thì phải tính thuế nhập khẩu, sẽ khó tiêu thụ hơn. Phía Trung Quốc khi đưa hàng vào Việt Nam cũng vậy” - vị này cho biết.

Theo GS - viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nếu nhập chính ngạch thì không vấn đề gì vì theo quy luật thị trường nhưng nhập tiểu ngạch thì khó kiểm soát về an toàn thực phẩm. “Thương lái thấy rẻ là mua vào, bất cần xuất xứ. Việc này rất cần cơ quan quản lý giám sát chặt” - ông Long đề nghị.

Thua nặng ở khâu bảo quản

Ông Nguyễn Lam Sơn cho rằng lâu nay, nông sản Việt Nam vẫn chạy theo và lép vế trước hàng Trung Quốc về mẫu mã, sản lượng, giá thành. Trung Quốc luôn có những mặt hàng thế mạnh bán sang Việt Nam, bất kể mùa vụ như cà rốt, khoai tây, hành, tỏi… Vì thế, doanh nghiệp (DN), nông dân Việt Nam phải tập trung trồng các loại rau ăn lá để ít cạnh tranh hơn. DN làm nông nghiệp trong nước rất muốn cải thiện năng lực cạnh tranh nhưng chưa cách nào khắc phục được.

“Tại các nước, cơ quan quản lý nông nghiệp, các trường, viện nông nghiệp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho DN, nông dân áp dụng, còn ở Việt Nam thì chưa. DN nhỏ, nông dân không đủ năng lực tài chính để mua công nghệ, đầu tư sau thu hoạch. Trong tương lai, nông sản Lâm Đồng sẽ chịu thua nông sản Trung Quốc nếu DN, nông dân không được quan tâm hỗ trợ công nghệ, cây giống tốt” - ông Sơn lo ngại.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Tổng Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng), cho rằng nếu người bán minh bạch nguồn gốc, dù giá hàng Đà Lạt cao gấp đôi hàng Trung Quốc thì vẫn bán tốt hơn. Thế nhưng, thực tế, tình trạng “đội lốt” vẫn xảy ra thường xuyên, tạo môi trường cạnh tranh bất bình đẳng.

Theo bà Tuyết, nông sản Việt thua hàng Trung Quốc nặng nhất là ở khâu bảo quản sau thu hoạch. Ví dụ, cùng điều kiện bảo quản thì cà rốt Trung Quốc để được cả tháng còn hàng Đà Lạt chỉ 5 ngày, bắp cải Trung Quốc bán được 10 ngày còn hàng Đà Lạt chỉ 3 ngày đã hư... Do nông sản Việt không bảo quản được, buộc phải bán ngay nên giá cả biến động thất thường. Dù HTX Anh Đào quy mô khá lớn nhưng không thể điều tiết được giá thị trường do người sản xuất giữ được thế chủ động, họ có thể bán ra ngoài nếu HTX mua với giá thấp.

Theo ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu, nhìn chung, nông sản Việt Nam kém cạnh tranh và khó kiểm soát an toàn thực phẩm do liên kết lỏng lẻo. Điều này đã rất nhiều lần được chỉ ra nhưng chưa giải quyết được triệt để do các khâu thiếu niềm tin với nhau. Từ đó, ai cũng “thủ thế” cho riêng mình.

Thương lái đang điều tiết thị trường?

GS Trần Đình Long cho rằng một nguyên nhân khác khiến rau củ quả Việt thua thiệt so với hàng Trung Quốc là việc điều tiết thị trường đang bị thương lái cầm trịch. Việc này lẽ ra phải do Bộ Công Thương điều tiết theo các hệ thống và DN tham gia phân phối, tạo nên một dòng chảy. Ví dụ, rau miền Bắc đang rẻ, còn trong miền Trung hay miền Nam đắt thì ngành công thương phải điều tiết cho hợp lý.

“Chúng ta phải tổ chức lại thành một thị trường lớn, hài hòa. Nhưng tôi có cảm giác các bên chưa ngồi lại với nhau, giữa sản xuất và phân phối không gặp nhau. Phải liên kết với nhau thành chuỗi, quản lý về chất lượng và số lượng. Vai trò này Bộ Công Thương phải là chính, riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) không thể làm được” - GS Trần Đình Long nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ NN-PTNT, cũng cho rằng việc điều phối nông sản giữa các vùng với nhau và hệ thống buôn bán, vận chuyển của chúng ta cần phải được xem xét lại. Muốn làm được việc này, ngành công thương phải vào cuộc điều tiết thị trường cho hợp lý. Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT phải vào cuộc cùng nhau.

“Tôi không nghĩ có chuyện tư thương đang liên kết với nhau để thao túng hay điều tiết thị trường. Bởi lẽ, hiện nay, thị trường với rất nhiều người buôn bán, giá mua bán công khai thì khó có thể liên kết để làm giá được” - ông Tuấn nhận định.

Cam Hà Giang bị nghi oan

Bắt đầu đưa cam sành Hà Giang vào chợ đầu mối Thủ Đức tiêu thụ 2-3 tháng nay, bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Nhung, cho biết hiện mỗi ngày đóng khoảng 2-3 container (tương đương 60-70 tấn). Ngoài DN của bà, một số thương lái cũng thu mua cam Hà Giang đưa vào các chợ đầu mối ở TP HCM tiêu thụ.

“Cam sành Hà Giang đang vào mùa chín, vỏ bắt đầu vàng, ruột vàng, mọng nước… nhưng đem vào TP HCM lại khó bán vì nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm, nghi ngờ là cam Trung Quốc. Có đợt tôi phải bán lỗ, phần lớn là bán hòa vốn. Tính ra, giá bán sỉ về chợ đầu mối chỉ 11.000-12.000 đồng/kg, chủ yếu giới thiệu cho người dân miền Nam biết sản phẩm. Nghịch lý ở chỗ quýt Trung Quốc (loại nhỏ, còn cành lá - PV) sực mùi hóa chất bảo quản vẫn bán ào ào; cam Trung Quốc quảng cáo là cam Việt Nam bán bao nhiêu hết bấy nhiêu, còn cam Việt Nam 100% lại bị nghi là cam Trung Quốc, bán chậm” - bà Vân bức xúc.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Xúc tiến Công Thương tỉnh Hà Giang - người trực tiếp đem trái cam sành Hà Giang vào tiếp thị ở TP HCM, chỉ cách phân biệt cam Trung Quốc và cam Việt Nam. Theo đó, cam Hà Giang khi chín có màu vàng đậm, vỏ sần; còn cam Trung Quốc vỏ mỏng, bóng, màu xanh hoặc vàng.

Theo Thanh Nhân - Ngọc Ánh - Văn Duẩn - Thùy Dương

Người lao động

Trở lên trên