Reuters: Việt Nam là chủ nhà có trách nhiệm, đáng tin cậy và có kinh nghiệm tạo dựng hòa bình
Ngày 24/2, Reuters có bài viết nhận định rằng việc đứng ra đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, Việt Nam đang cho thấy là một chủ nhà có trách nhiệm và đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế.
- 25-02-2019Singapore có gần 2 tháng, Việt Nam chỉ có hơn 10 ngày để chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều
- 25-02-201948 giờ thượng đỉnh Hà Nội: Chờ Mỹ-Triều đột phá!
- 25-02-2019Đại sứ Phạm Quang Vinh: Khả năng có một tuyên bố lớn được đưa ra trong Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này là rất cao
Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra trong hai ngày 27-28/2 tại Hà Nội, với hy vọng đạt được những bước tiến triển từ sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử của họ tại Singapore vào tháng 6/2018.
Đường phố Hà Nội trước thềm hội nghị Mỹ - Triều. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Theo Reuters, việc Việt Nam đứng ra làm chủ nhà tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao đánh dấu sự xuất hiện của một gương mặt mới được chú ý có trách nhiệm, đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế - một nước có kinh nghiệm tạo dựng hòa bình với kẻ thù cũ và giờ đây cũng có thể giúp những nước khác làm như vậy.Reuters dẫn lời của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, cho biết Mỹ và Triều Tiên đều muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam. Điều đó cho thấy Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm và tích cực của cộng đồng quốc tế, muốn đóng góp cho tiến trình hòa bình và chính sách của Việt Nam là nâng cao mức độ của chính sách đối ngoại đa phương.
"Việt Nam có khoảng thời gian chiến tranh gần như liên tục trong khoảng 45 năm, từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai đến đầu những năm 1990. Trước đây Geneva và Paris là chủ nhà các cuộc đàm phàn để kết thúc chiến tranh, lần này là Hà Nội "thành phố vì hòa bình" - ông Trung nói. Theo ông, Việt Nam là một nước yêu chuộng hòa bình nhưng cũng đã từng phải chịu nỗi đau chiến tranh và các cuộc chiến kết thúc bằng đàm phán hòa bình. (Câu trích dẫn dịch lại từ phiên bản tiếng Anh).
"Việt Nam dường như đang đảm nhận vai trò trung gian hòa giải với trách nhiệm và độ hào hứng cao" - theo Reuters. Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy các cơ quan an ninh Mỹ và Triều Tiên hợp tác chặt chẽ để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh.
Đường phố Hà Nội trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. (Ảnh: Reuters)
Việt Nam cũng rất muốn thấy Mỹ và Triều Tiên ký tuyên bố hòa bình để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, một nguồn tin của Reuters cho biết. Việc hai bên có thể đạt được thỏa thuận tuyên bố hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên là điều mà Bình Nhưỡng, Seoul và nhiều nhà ngoại giao đã lên tiếng ủng hộ.
Một hội nghị thượng đỉnh thành công sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam, ông Nguyễn Quý Bình, Cựu Đại sứ và Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, nói. "Tiếng nói của Việt Nam sẽ có trọng lượng hơn. Một quốc gia hành động có trách nhiệm và có uy tín, một quốc gia đáng tin cậy, sẽ có tiếng nói khác", ông Bình nói với Reuters (câu trích dẫn dịch lại từ phiên bản tiếng Anh).
Bên cạnh đó, các nhà ngoại giao phương Tây và châu Á cho rằng Việt Nam sẽ cố gắng chia sẻ về cải cách với Triều Tiên ở hội nghị thượng đỉnh. Những nỗ lực này sẽ càng được tăng cường khi Việt Nam trở thành chủ tịch ASEAN năm 2020, và đang tranh cử thành viên không thường trực của Hội đồng Thư ký LHQ năm 2021.
"Làm chủ nhà một sự kiện chính trị-ngoại giao tầm cỡ quốc tế mang nhiều yếu tố nhạy cảm là một bước tiến lớn cho Hà Nội", một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters.
(Nguồn: Reuters)
VTCnews
- Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác
- Chuyện gì xảy ra tiếp theo Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều?
- Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay
- Những chuyện thú vị về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều
- Tổng thống Mỹ vừa khen, phóng viên quốc tế đổ xô về Tràng An Ninh Bình