MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Reviewer có nhận tiền nhưng review bẩn sẽ mất cả sự nghiệp”

11-12-2021 - 12:09 PM | Thị trường

Các reviewer đều cho rằng công việc review đòi hỏi phải trải nghiệm nhiều, đa dạng và có sự công tâm, không tâng bốc sản phẩm quá sai lệch. Nếu không, họ phải đánh đổi bằng cả sự nghiệp.

Trong những năm gần đây, reviewer (người đánh giá sản phẩm) được xem là một nghề mới tại Việt Nam. Các reviewer thường xuyên chia sẻ những trải nghiệm, đánh giá của mình về những món đồ công nghệ mới. Đây được xem là kênh tham khảo của nhiều người dùng trước khi đưa ra quyết định mua hàng. 

Để đánh giá một sản phẩm, các reviewer thường dựa trên nhiều tiêu chí gồm mức độ hoàn thiện và tính năng, trải nghiệm sản phẩm mang lại trên mức giá. Bên cạnh đó, mỗi reviewer thường có những góc nhìn cá nhân dựa trên kinh nghiệm đã sử dụng nhiều sản phẩm khác nhau.

Ngọc Vy - Admin diễn đàn công nghệ Techrum

Ngọc Vy được xem là một trong những nữ reviewer công nghệ đời đầu tại Việt Nam. Với nhiều năm kinh nghiệm làm nghề từ reviewer đến admin của những diễn đàn công nghệ lớn, Ngọc Vy có một số góc nhìn và nhận định về công việc này.

“Reviewer có nhận tiền nhưng review bẩn sẽ mất cả sự nghiệp” - Ảnh 1.

Thông thường các hãng sẽ gửi những sản phẩm bản thương mại và cũng có cả bản demo cho reviewer. Tuy nhiên, thường thì hãng sẽ thông báo luôn đây là bản demo và reviewer cũng nói trong bài rằng đó là sản phẩm demo. Các sản phẩm này thường sẽ được nhận định về bên ngoài hay những tính năng mà hãng đồng ý cho đánh giá. Reviewer không đi chuyên sâu hoặc đánh giá toàn bộ.

Vì thế, việc trên tay, trải nghiệm 1 sản phẩm demo là rất bình thường. Còn đối với trường hợp đánh giá chi tiết phải cần thời gian lâu dài và chỉ được dùng bản thương mại. 

Và tất nhiên, reviewer không được chặt chém sản phẩm quá mức. Bản thân người review vẫn làm nghiêm túc, có sự công tâm ở một mức độ, không bóp méo sự thật hay tâng bốc quá sai lệch. Người làm review vẫn mang đến giá trị thông tin cho người xem, dù phần chuyên môn đi sâu sẽ bị giới hạn lại. Chính bản thân mình vẫn luôn nói đã may mắn trải nghiệm sản phẩm sớm hơn và chia sẻ lại.

“Reviewer có nhận tiền nhưng review bẩn sẽ mất cả sự nghiệp” - Ảnh 2.

Reviewer hiện tại ở Việt Nam đúng là đa phần nhận sản phẩm từ hãng, nhận tiền, tài trợ, ký hợp đồng. Ngoài ra, họ còn làm việc với nhà bán lẻ, hệ thống phân phối của sản phẩm đó.

Mình nghĩ mọi người không nên thần thánh hoá reviewer nhưng cũng không nên hạ thấp toàn bộ là review bẩn. Bẩn chỉ khi sản phẩm đó nó tệ và họ vẫn khen được. Cái này rất hiếm. Vì người dùng bây giờ đa phần đều có đủ kiến thức. Chẳng qua họ không chọn làm “người chia sẻ về sản phẩm”, không thích lên video nói thôi.

Nên nếu sản phẩm quá tệ mà khen, hay đồ quá tốt mà chê, tác động đồng tiền từ đối thủ của nhau thì đấy mới là bẩn, lừa gạt người nghe. Nhưng giờ mấy người dám làm thế. Bị vạch trần ra thì coi như tiêu tùng sự nghiệp.

Ngọc Trần - Reviewer công nghệ 

Ngọc Trần từng làm cho một tạp chí công nghệ có tiếng ở Việt Nam. Tuy nhiên, với đam mê được chia sẻ nhiều hơn đến với mọi người, Ngọc Trần đã lập kênh YouTube cá nhân, thường xuyên đăng tải video đánh giá, trải nghiệm sản phẩm công nghệ mới.

Thông thường các hãng khi gửi sản phẩm cho reviewer đa phần đều là bản thương mại chính thức. Chỉ có những reviewer đặc biệt quan trọng với hãng thì mới được đưa bản demo để trải nghiệm, góp ý từ trước và tất nhiên sẽ phải ký các biên bản thỏa thuận về giữ bảo mật cũng như reviewer sẽ được làm những gì với chiếc máy đó.

Hãng có quyền yêu cầu review xóa video trong trường hợp có các ràng buộc về hợp đồng được ký. Ngoài ra, còn có trường hợp sản phẩm hãng không đưa trực tiếp cho reviewer mà đưa qua 1 bên thứ 3 thì hãng có thể tác động đến bên thứ 3 đó nếu có các ràng buộc hợp đồng.

“Reviewer có nhận tiền nhưng review bẩn sẽ mất cả sự nghiệp” - Ảnh 3.

Để đánh giá về sản phẩm thì reviewer thường dựa trên tiêu chí mức độ hoàn thiện và tính năng, trải nghiệm sản phẩm mang lại trên mức giá đó.

Về đánh giá sản phẩm công nghệ, đa phần đều là chia sẻ của mỗi người sau một khoảng thời gian được tiếp cận và trải nghiệm sản phẩm. Đôi khi là đưa ra cho người dùng thấy được sản phẩm đó có đúng như nhà sản xuất giới thiệu, hoặc những tính năng đặc biệt của sản phẩm có ích trong các tình huống mà chúng ta gặp phải chứ không nhất thiết reviewer là phải có chuyên môn về 1 lĩnh vực mới được đánh giá. 

Mảng audio nói riêng thì sẽ hơi đặc thù và yêu cầu người đánh giá phải có đôi tai nhạy bén. Đôi khi reviewer cũng có thể đánh giá thông qua độ hoàn thiện, độ trau chuốt sản phẩm và trải nghiệm âm thanh tổng thể khi so với một mẫu sản phẩm khác ở cùng phân khúc để thấy được điểm mạnh và yếu của mỗi sản phẩm. 

Phần lớn những reviewer mình quen thì đều theo xu hướng “sạch”. Các hãng hiện tại đều để cho reviewer tự do về nội dung, có thể nói ra những điểm chưa tốt của sản phẩm. Họ cũng đã hiểu rằng nếu ép reviewer lấp liếm thì sẽ không nhận được sự ủng hộ từ các sản phẩm sau.

Công Hậu - Reviewer công nghệ

Công Hậu bén duyên với công nghệ khá sớm và trải qua nhiều vị trí, môi trường làm việc khác nhau từ nhà bán lẻ đến diễn đàn công nghệ. Hiện tại, Công Hậu đang làm reviewer và có kênh YouTube hơn 100.000 lượt đăng ký. 

Thường sản phẩm các hãng gửi cũng sẽ có bản demo. Tuy nhiên, hãng sẽ thông báo đó là bản demo và reviewer không đánh giá về bản demo đó quá sâu. Đa phần bản demo sẽ giúp người xem hình dung được thiết kế và các tính năng trên sản phẩm. Bản demo được hãng gửi trong nhiều trường hợp, phổ biến nhất là vì lý do vận chuyển mà bản thương mại về không kip. Đối với nhiều hãng, bản demo và thương mại không mấy khác biệt quá nhiều.

Để đánh giá được một sản phẩm thì reviewer phải trải nghiệm thật nhiều. Đặc biệt các sản phẩm trong cùng phân khúc và phải nắm rõ công nghệ hiện có, mức độ phát triển của công nghệ đó trong phân khúc. Ví dụ: Cảm biến vân tay trong màn hình ở tầm giá 5 triệu thì không thể kỳ vọng nó xuất sắc như 20 triệu. 

“Reviewer có nhận tiền nhưng review bẩn sẽ mất cả sự nghiệp” - Ảnh 4.

Để nhận định sản phẩm thì trải nghiệm đa dạng là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, reviewer cần phải hiểu được nguyên lý hoạt động của công nghệ đó như thế nào. Không phải lúc nào cũng đưa thông số kỹ thuật để nói chuyện và cũng không phải khi nào cũng nói suông mà cần đo đạc từ máy móc như mức độ sáng màn hình hay màu sắc hiển thị hay tốc độ sạc.

Các hãng lớn họ rất thoải mái đối với reviewer. Bạn khen hay chê đối với họ không quá quan trọng. Reviewer không quyết định đến doanh số bán hàng mà chỉ giúp người dùng khi cần biết những thông tin về sản phẩm. Chia sẻ về những tính năng ẩn và cách sử dụng nó ra sau. Nếu nhìn vào các sản phẩm bán chạy ở Việt Nam, đâu phải sản phẩm nào reviewer khen là nằm trong top doanh số. Hãng trả tiền cho reviewer thì cũng chỉ để xuất hiện trên kênh YouTube mà thôi. Mình nghĩ, một sản phẩm bán chạy với chiến lược marketing thành công thì đóng góp của reviewer khá nhỏ bé.

Song Tử

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên