RMIT đặt nền móng cho toàn cầu hóa bền vững
Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu 2023 do Đại học RMIT tổ chức đã phân tích các yếu tố cốt lõi và thông lệ tốt nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bền vững tại Việt Nam qua góc nhìn của các doanh nghiệp đa quốc gia.
Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu (tiền thân là Diễn đàn Kinh doanh quốc tế) là một trong những sự kiện kết nối doanh nghiệp thường niên lớn nhất do Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam tổ chức từ năm 2018.
Với chủ đề "Đặt nền móng cho toàn cầu hóa bền vững", diễn dàn năm nay thu hút diễn giả khách mời đến từ các doanh nghiệp đa quốc gia như LEGO Manufacturing Việt Nam, Unilever Việt Nam, Savills Việt Nam, Schaeffler Việt Nam và Tập đoàn Keppel.
Cuộc thảo luận đi sâu vào tính bền vững của khu vực FDI trong tương lai bằng cách phân tích các yếu tố sản xuất trong hoạt động kinh doanh toàn cầu. Các yếu tố này bao gồm đất đai, lao động và vốn, và được bổ trợ bởi năng lực kinh doanh hiệu quả và sức sáng tạo của người lao động.
Các chuyên gia tại diễn đàn nhận định rằng khối doanh nghiệp FDI đã thúc đẩy đáng kể nền kinh tế Việt Nam năm 2023, với vốn đầu tư đạt 28,85 tỷ đô la Mỹ trong 11 tháng đầu năm. FDI đang tăng trưởng chủ yếu thông qua các khu công nghiệp, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã thành lập hoặc mở rộng hoạt động tại các khu công nghiệp trên cả nước trong thời gian qua.
Ví dụ, Tập đoàn LEGO đang xây dựng một nhà máy với vốn đầu tư 1,3 tỷ đô la Mỹ tại khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn LEGO trên toàn thế giới.
LEGO hướng tới đạt chứng nhận Vàng LEED (Thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) cho nhà máy ở Việt Nam. Nhà máy này sẽ được trang bị các tấm pin mặt trời trên mái, sử dụng năng lượng xanh từ một trang trại năng lượng mặt trời và đã hoàn thành trồng 50.000 cây xanh ở Bình Dương. Theo ông Benny Choong, Giám đốc Tài chính khối sản xuất tại châu Á của LEGO Manufacturing Việt Nam, công ty dự kiến sẽ tuyển dụng 4.000 vị trí việc làm tại Việt Nam trong vòng 15 năm tới.
Diễn đàn thu hút 400 người tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Hiện có khoảng 400 khu công nghiệp trên cả nước và đây là một con số "khá ấn tượng đối với một quốc gia có quy mô như Việt Nam", theo ý kiến của ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp của doanh nghiệp dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam.
Ông Campbell đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng phát triển các khu công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 và sản xuất thông minh, thể hiện ở những ví dụ thành công của các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore và khu công nghiệp Deep C Hải Phòng.
Ông nhận định: "Đây là những dự án mà chúng ta nên thu hút vì chúng vừa nâng cao chất lượng đào tạo người lao động, vừa cải thiện vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị".
Ông Adris Bin Isnin, Giám đốc bộ phận Dịch vụ kỹ thuật, khối Bất động sản, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam, nhấn mạnh cam kết phát thải ròng bằng không của Việt Nam vì mục tiêu này đem đến đa dạng các cơ hội đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ xanh.
Ông chia sẻ rằng doanh nghiệp này đang ngày càng chú trọng vào xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam, trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng đang gây ra khoảng 40% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Đại diện Keppel cho biết: "Chúng tôi cũng kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động tái tạo đô thị bền vững, kết hợp các yếu tố con người, công nghệ và quy trình bằng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả, hiệu suất bền vững và giá trị của các tòa nhà thương mại mới và hiện hữu".
Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến thảo luận sâu sắc xoay quanh chất lượng lao động cũng như công tác tuyển dụng, quản lý và phát triển nhân tài.
Ông Ryan Trung Trương, Trưởng phòng Phát triển Năng lực Lãnh đạo tại Unilever Việt Nam, chia sẻ rằng việc duy trì "hai tài sản quý giá nhất của Unilever – thương hiệu và con người" là chìa khóa để doanh nghiệp này đạt được sứ mệnh phát triển bền vững.
Ông Ryan Trung Trương, Trưởng phòng Phát triển Năng lực Lãnh đạo, Unilever Việt Nam
Ông nhấn mạnh tư duy "We care, we grow" (tạm dịch: Chúng ta quan tâm, chúng ta phát triển) trong công tác phát triển con người. "Tại Unilever, chúng tôi thực sự quan tâm đến từng cá nhân. Chúng tôi tin rằng chỉ khi chúng tôi quan tâm đến sự khác biệt, động lực, hoài bão sống cũng như kỹ năng và năng lực của mỗi người thì họ mới có thể phát triển. Và tất nhiên công ty sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của từng cá nhân đó", ông cho biết.
Với chủ đề trọng tâm là toàn cầu hóa bền vững, Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu đóng góp kịp thời cho các cuộc thảo luận quốc tế xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu và tính bền vững mà hội nghị thượng đỉnh COP28 đã khởi xướng gần đây.
Theo Tiến sĩ Abel D. Alonso, Giảng viên cấp cao chuyên ngành Kinh doanh toàn cầu tại RMIT, nhận thức ngày càng tăng về FDI bền vững có thể giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm định vị quốc gia trở thành một điểm đến FDI bền vững hấp dẫn trên toàn cầu.
Tìm hiểu chương trình Cử nhân Kinh doanh và chuyên ngành Kinh doanh toàn cầu của RMIT tại đây.
Tổ Quốc