Rõ tiêu chí để thu hút dự án FDI chất lượng
Thu hút đầu tư FDI cần hướng đến dự án đầu tư có chất lượng.
Trải qua 35 năm thu hút FDI, Việt Nam hiện nay đã là điểm đến tiềm năng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
- 10-12-2022Xuất khẩu dự báo giảm nhiệt: Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
- 10-12-2022TP.HCM mỗi ngày thu trên 1.287 tỷ đồng ngân sách
- 10-12-2022Khánh Hòa có 111 dự án chậm tiến độ
Đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua là một trong các nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, song đã nảy sinh những vấn đề bất cập. Cụ thể như một số doanh nghiệp FDI chuyển giá và trốn thuế; những rủi ro tác động tiêu cực tới môi trường mà các dự án FDI có thể gây, người lao động bị đối xử thiếu công bằng, thậm chí ngược đãi cũng đã xảy ra tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, cần có thêm các tiêu chí để thu hút các dự án FDI có chất lượng từ các nhà đầu tư với tiêu chí kinh doanh có trách nhiệm là rất cần thiết.
Trải qua 35 năm thu hút FDI, Việt Nam hiện nay đã là điểm đến tiềm năng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. So với năm 1991 – thời điểm Việt Nam chỉ tiếp nhận 1,28 tỷ USD vốn đăng ký và 428,5 triệu USD vốn thực hiện thì số vốn đăng ký và giải ngân trong năm 2021 cao hơn lần lượt khoảng 30 lần và 38 lần, dù cho đây là năm cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đóng góp quan trọng vào tạo việc làm, thúc đẩy thương mại quốc tế, thúc đẩy liên kết cụm ngành, liên kết chuỗi giá trị và góp phần nâng cao năng suất lao động…
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), do phân cấp cho chính quyền địa phương được cấp phép và quản lý các dự án FDI trên địa bàn, nên còn có tình trạng địa phương cạnh tranh thu hút FDI bằng mọi giá, mời gọi đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi không đúng thẩm quyền, vượt quy định...
Bên cạnh đó, một số địa phương còn dễ dãi trong lựa chọn nhà đầu tư, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến lợi ích lâu dài. Mặt khác, việc phân cấp mạnh trong khi năng lực của các cơ quan được phân cấp còn yếu khiến công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như quản lý, giám sát các dự án FDI còn nhiều lỏng lẻo.
Cần có thêm các tiêu chí để thu hút các dự án FDI có chất lượng hướng kinh doanh có trách nhiệm là rất cần thiết.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: "Thu hút FDI thời gian qua là các dự án quy mô lớn, có tốc độ phát triển ngành nghề tác động đến địa phương. Tuy hiên khi chúng ta làm quá trình thẩm định còn dựa vào dân, dựa trên hồ sơ, chưa có thực tiễn. Cùng với đó hệ thống luật pháp, chính sách chưa đồng bộ, khi ngồi thẩm định dự án, rõ ràng quy định này quy định kia- nằm ở Luật nào, Nghị định nào thì đang là vấn đề rất khó khăn".
Trước thực tế này, việc cần có thêm các tiêu chí để thu hút các dự án FDI có chất lượng từ các nhà đầu tư với định hướng kinh doanh có trách nhiệm là rất cần thiết. Và mới đây, VCCI và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp phát triển một công cụ rà soát dự án đầu tư nước ngoài xin cấp phép tại Việt Nam.
Đây là danh mục, các yếu tố để giúp cho các địa phương đánh giá khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép đầu tư, từ nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, công cụ sẽ gồm: Các đánh giá bắt buộc về việc liệu dự án có tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam; các đánh giá bắt buộc về những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế, xã hội và môi trường; các tiêu chí khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ dựa trên các thông lệ quốc tế và thực tiễn tốt về kinh doanh có trách nhiệm.
Ông Trương Đức Trọng, Ban Pháp chế, VCCI cho rằng công cụ cung cấp một danh mục các vấn đề mà các địa phương cần phải chú ý xem xét trong quá trình thẩm định dự án đầu tư, có thể xác định những ưu tiên, đặc thù khác nhau.
"Khuyến khích các nhà đầu tư cũng sử dụng bộ công cụ này, cũng kiến nghị các địa phương xây dựng các hình thức phù hợp với các nhà đầu tư, đáp ứng được tiêu chí liên quan đến kinh doanh có trách nhiệm. Về mặt tổ chức, quyền địa phương là để sử dụng hiệu quả cần phải có lập một ban thẩm định dự án, nếu có sự tham gia các chuyên gia thì sẽ rất tốt" - ông Trọng nói.
VOV