MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rộ tin đồn quan chức tự in hơn 2.000 tỷ NDT trước ngày "sa lưới": Trung Quốc nói gì?

27-12-2021 - 10:20 AM | Tài chính quốc tế

Rộ tin đồn quan chức tự in hơn 2.000 tỷ NDT trước ngày "sa lưới": Trung Quốc nói gì?

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bác bỏ tin đồn về một quan chức cấp cao tự in 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 314 tỷ USD) là "hoàn toàn sai sự thật và đáng khinh bỉ".

Rộ tin đồn quan chức tự in hơn 2.000 tỷ NDT trước ngày sa lưới: Trung Quốc nói gì? - Ảnh 1.

Chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của Trung Quốc nhằm vào những quan chức tham nhũng

Vụ việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc Chen Yaoming bị bắt giữ đang khiến Trung Quốc chấn động và bùng lên nhiều đồn đoán khiến chính phủ nước này phải đính chính.

Tuy nhiên, vụ việc gây xôn xao dư luận không phải bởi do đây là nhân vật cấp cao bị sờ gáy trong chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của nhà lãnh đạo nước này Tập Cận Bình mà là do thông tin bất ngờ: có nhiều tin đồn cho rằng trước khi bị bắt giữ, ông Chen Yaoming đã kịp tự in hơn 2.000 tỷ nhân dân tệ (NDT, khoảng 314 tỷ USD) tiền giả.

Phản ứng trước vụ việc này, Trung Quốc nói rằng, "đó là tin giả và hoàn toàn lố bịch". Dù vậy, tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh cũng khó có thể nhanh chóng xua tan những ngờ vực và đồn đoán quanh vụ việc này.

Một "con hổ" tiếp theo bị sa lưới

Rộ tin đồn quan chức tự in hơn 2.000 tỷ NDT trước ngày sa lưới: Trung Quốc nói gì? - Ảnh 2.

Ông Chen Yaoming. Ảnh: Caixin Global

Chen Yaoming, 57 tuổi, đã bất ngờ "tự nộp mình" vào hôm 8/12 khi đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc (CBPMC).

Ông Chen Yaoming, sinh ra ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Từ tháng 8/1984 đến tháng 8/2001, ông công tác tại Ban kế hoạch tổng hợp của CBPMC; sau đó là thành viên nhóm trù bị của Công ty In chống hàng giả; từng giữ các chức vụ như Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Huasen Hải Nam (công ty con của công ty in), Phó giám đốc Nhà máy In tiền giấy Thượng Hải... Kể từ tháng 1/2021, ông giữ chức Ủy viên Đảng ủy kiêm thành viên HĐQT của CBPMC.

Ông Chen bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc - cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của nước này - điều tra vì nghi ngờ đã "vi phạm nghiêm trọng kỷ cương và pháp luật". Do thông báo chính thức tuyên bố ông Chen Yaoming "chủ động đầu thú", nên đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận và tin tức này đã nhanh chóng xuất hiện trên đầu trang tìm kiếm Baidu.

Mặc dù chi tiết về tội danh của Chen Yaoming không được tiết lộ, nhưng thông tin quan chức cấp cao này bị giam giữ gây bão mạng vào hôm 22/12 giữa lúc có tin đồn Chen tự in hơn 2.000 tỷ NDT. 

Cái tên này trở thành chủ đề gây tò mò trên ứng dụng nhắn tin WeChat và nền tảng Weibo, khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phải báo cáo vụ việc cho cảnh sát. Một số người dùng mạng xã hội cho biết, Chen đã bị bắt vì in tiền giấy có số sê-ri giống với các tờ tiền khác.

Trung Quốc nói gì?

Tuy nhiên, PBOC bác bỏ tin đồn này. "Những tin đồn về Chen Yaoming là hoàn toàn sai sự thật và đáng khinh bỉ", đại diện PBOC cho biết trong một tuyên bố.

Ngân hàng này cũng nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi có quy trình làm việc khắt khe, tuân theo quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt trước khi phát hành tiền. Chúng tôi đã và đang thực hiện việc in và phát hành tiền theo đúng pháp luật và quy định ngành".

Và thực tế là không phải ai cũng tin rằng Chen có khả năng làm như vậy. "Đó là sự thật quá lố bịch. Thật là một mớ hỗn độn nếu có thêm 2 nghìn tỷ NDT", một người dùng viết trên Weibo - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.

Rộ tin đồn quan chức tự in hơn 2.000 tỷ NDT trước ngày sa lưới: Trung Quốc nói gì? - Ảnh 3.

Tờ tiền lớn nhất ở Trung Quốc là 100 NDT.

Tờ tiền lớn nhất ở Trung Quốc là 100 Nhân dân tệ, vì vậy 2 nghìn tỷ NDT sẽ là 20 tỷ tờ tiền và sẽ có giá trị khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 của Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên PBOC buộc phải phủ nhận những tin đồn liên quan đến hoạt động cốt lõi của họ.

Vào tháng 3/2019, Ngân hàng này cũng đã bác bỏ các tuyên bố về việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; và vào tháng 8 năm đó đã báo cáo các tin đồn trực tuyến về việc cắt giảm lãi suất cho lực lượng cảnh sát. Một người đàn ông 30 tuổi bị giam giữ 2 tháng sau đó.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang cảnh giác cao độ trước các mối đe dọa đối với an ninh kinh tế và tài chính, khi tăng trưởng chững lại trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, bao gồm tình trạng thiếu điện trên diện rộng đã làm ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp, chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu cao đã bắt đầu "siết cổ" các nhà sản xuất nhỏ.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 2,3% vào tháng 11 vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 9/2020, theo Cục Thống kê Quốc gia nước này.

Bắc Kinh đã bác bỏ một biện pháp kích thích toàn diện, mặc dù đã có biện pháp nới lỏng cận biên, đặc biệt là khi tăng trưởng GDP giảm xuống còn 4,9% trong quý thứ ba của năm, từ mức 18,3% trong quý đầu tiên.

Hôm 20/12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã hạ lãi suất cho vay chuẩn (LPR) kỳ hạn 1 năm từ mức 3,85% xuống 3,8%, nhưng giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn kỳ hạn 5 năm ở mức 4,65%.

Đây là lần đầu tiên PBOC giảm lãi suất kể từ tháng 4/2020, giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 ở nước này. Tuy nhiên, PBOC có giới hạn dư địa để tiếp tục nới lỏng vì các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FBI), đi theo xu hướng ngược lại: từ bỏ kích thích tiền tệ và tăng lãi suất./.

Theo Nam Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên