Roadshow PVPower: Đã có 30 nhà đầu tư chiến lược quan tâm, PVN có thể giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 51% từ năm 2019
Theo ban lãnh đạo công ty, đến nay PVPower đã tiếp xúc hơn 100 nhà đầu tư và nhận được thư quan tâm trở thành cổ đông chiến lược của 30 nhà đầu tư.
- 11-01-2018Sau PV Oil, đến lượt PV Power tổ chức Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào ngày 16/1
- 07-01-2018PVPower tiếp tục muốn bán hết hơn 3,5 triệu cổ phần Điện Tây Bắc
- 14-11-2017Đề nghị giá khởi điểm của PVPOWER là 14.400 đồng
Ngày 16/1 đã diễn ra buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam – PVPower. Tại buổi Roadshow, ban lãnh đạo PVPower đã trình bày KQKD năm 2018, phương hướng hoạt động trong thời gian sắp tới cũng như giải đáp các câu hỏi của nhà dầu tư.
PVPower hiện là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam, hiện đang vận hành 8 nhà máy điện với tổng công suất 4,2 GW. Trong năm 2017, sản lượng điện PVPower đạt 20.581 triệu KWh, vượt 481 triệu KWWh (vượt 2,4%) so với kế hoạch Bộ Công thương giao; doanh thu toàn Tổng Công ty đạt 30.987 tỷ đồng (bằng 106% kế hoạch năm 2017), LNTT đạt 2.503 tỷ đồng (bằng 183% kế hoạch năm 2017).
Bên cạnh đó, PVPower cũng đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3,4 vào Tổng sơ đồ điện VII đang điều chỉnh. Đang trình cấp có thẩm quyền giao PVPower làm chủ đầu tư 2 dự án này.
Trong thời gian tới, các nhà máy điện của PVPower sẽ kết thúc việc trả lãi vay (bao gồm NMĐ Nhơn Trạch 1 trả hết nợ vay vào năm 2016, NMĐ Cà Mau trả hết nợ vay vào năm 2019).
Doanh thu và tỷ suất lợi nhuận của các NMĐ PVPower hứa hẹn sẽ tăng thêm khi NMĐ Nhơn Trạch 1 hết khấu hao vào năm 2019, NMĐ Cà Mau sẽ hết khấu hao máy móc thiết bị vào năm 2018.
NMĐ Vũng Áng 1 đã hoạt động có hiệu quả từ năm 2017, mặc dù mới đi vào vận hành từ năm 2015, PVPower duy trì việc vận hành hiệu quả NMĐ Vũng Áng 1 để thực hiện trả các khoản nợ vay trước thời hạn.
Các nhà máy thủy điện hiện nay đã vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời gian đầu, trong năm 2017 các nhà máy thủy điện của PVPower đều đạt sản lượng cao và sẽ duy trì tiếp tục trong thời gian tới.
Trong năm 2018, PVPower sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ vỡi EVN/A0, PVGas, Vinacomin tăng cường quản lý kỹ thuật, vận hành, sửa chữa bảo dưỡng nhà máy đạt hiệu quả cao, phấn đấu tổng sản lượng điện năm 2018 đạt 21.570 triệu KWh. Doanh thu toàn tổng công ty phấn đấu đạt 30.951,5 tỷ đồng, LNTT 1.913 tỷ đồng.
PVN có thể tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 51% kể từ năm 2019
Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, PV Power có vốn điều lệ là 23.418 tỷ đồng. Công ty sẽ đấu giá công khai 468 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ trong đợt IPO này.
Giá khởi điểm được xác định là 14.400 đồng/cổ phần. PVN dự kiến thu về 6.745 tỷ đồng nếu đấu giá thành công ở mức giá thấp nhất là giá khởi điểm. Ở mức giá này, tổng giá trị vốn hóa thị trường của công ty khoảng 1,48 tỷ USD.
Ngoài ra, PV Power cũng sẽ chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược 676 triệu cổ phần, chiếm gần 29% vốn điều lệ. Yêu cầu đặt ra với nhà đầu tư chiến lược là phải kinh doanh có lãi trong 2 năm gần nhất, không có lỗ lũy kế. Đồng thời cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm.
Sau cổ phần hoá, PVN vẫn còn nắm giữ 51% vốn điều lệ PV Power, tỷ lệ này có thể giảm xuống từ năm 2019, phụ thuộc vào quá trình tái cấu trúc các khoản nợ và đàm phán với các bên cho vay.
Dự kiến, phiên IPO PVPower sẽ diễn ra vào ngày 31/1 và cổ phiếu sẽ chính thức giao dịch trên Upcom từ 15/3. Quá trình chào bán cho NĐT chiến lược cũng diễn ra trước ngày 8/3. Theo ban lãnh đạo công ty, đến nay PVPower đã tiếp xúc hơn 100 nhà đầu tư và nhận được thư quan tâm trở thành cổ đông chiến lược của 30 nhà đầu tư.
Trước mắt vẫn giữ tỷ lệ sở hữu tại các nhà máy thủy điện ở mức 51%
Trước câu hỏi của nhà đầu tư về kế hoạch thoái vốn khỏi các nhà máy thủy điện (Nậm Cắt, Hủa Na, Đăkđrinh), ban lãnh đạo PVPower cho biết phương án này đã được trình PVN, nhưng hiện đã có một số điều chỉnh. Theo đó, trước mắt PVPower vẫn giữ tỷ lệ sở hữu từ 51% trở lên tại các nhà máy thủy điện. Trong thời gian tới, khi PVPower được giao đầu tư các nhà máy điện khí như Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, nếu như thấy hiệu quả hơn thủy điện thì khi đó sẽ trình ĐHCĐ xem xét việc giảm tỷ lệ sở hữu.
Nói về dự án Nhơn Trạch 3,4, PVPower cho biết vốn đầu tư 2 dự án này khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó PVPower đã thu xếp được gần 500 triệu USD từ quỹ đầu tư phát triển, cũng như kế hoạch thoái vốn (nếu có) tại một số công ty thủy điện. Phần còn lại sẽ vay từ các định chế tài chính.
Với câu hỏi "PVPower có bao nhiêu tiền gửi tại Oceanbank?", Chủ tịch PVPower cho biết hiện số tiền đang gửi tại Oceanbank là rất ít, chỉ khoảng 17 tỷ đồng. Oceanbank đang thuộc quản lý của NHNN và đang được tiến hành tái cấu trúc. Các khoản tiền gửi tại ngân hàng này vẫn được nhận lãi bình thường.
Trả lời câu hỏi "PVPower có liên quan gì tới dự án Nhiệt điện Thái Bình 2", đại diện PVPower cho biết dự án này hiện do PVN làm chủ đầu tư và PVPower không có liên quan. Tuy nhiên, sau này nếu được sự đồng ý của cổ đông, PVPower sẽ cung cấp các dịch vụ sữa chữa cho nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Trí Thức Trẻ