Rời eurozone, Pháp có nguy cơ “phá sản và hỗn độn”
Cuộc tranh luận trực diện diễn ra vào tối 03/05/2017 giữa hai ứng viên lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt Trận Quốc Gia và ông Emmanuel Macron thuộc phong trào Tiến Bước! (En Marche!), là chủ đề chính được đề cập trên trang nhất các nhật báo Pháp.
- 30-04-2017Ứng viên Tổng thống Pháp gọi đồng euro là gánh nặng của đất nước
- 25-04-2017Bà Le Pen bất ngờ từ chức trước vòng 2 bầu tổng thống Pháp
- 24-04-2017Chân dung Emmanuel Macron: Từ nhân viên ngân hàng đến ứng viên Tổng thống trẻ tuổi nhất nước Pháp
Dưới dòng tựa "Macron - Le Pen : Những điểm chủ chốt của cuộc đối đầu", nhật báo kinh tế Les Echos nhận định cuộc tranh luận được cho là diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Vẫn theo Les Echos, "Le Pen và Macron sẵn sàng cho cuộc đối đầu không thương tiếc".
Thực vậy, chưa bao giờ chương trình tranh cử của hai ứng viên vòng hai lại đối chọi nhau đến như vậy, phản ánh hai quan niệm hoàn toàn khác nhau về nước Pháp hiện nay và nước Pháp trong tương lai theo cách nhìn của họ: từ kinh tế đến thuế khóa, từ an ninh đến vấn đề đạo đức trong đời sống chính trị.
"Đồng euro trong tâm điểm tranh luận giữa Le Pen và Macron" là hàng tựa trên trang nhất của Le Monde.
"Rời khỏi khu vực đồng euro là điều cần thiết đối với Marine Le Pen", theo nhận xét của La Croix. Tuy nhiên, điểm mấu chốt được ứng viên cực hữu kịch liệt bảo vệ từ nhiều năm nay lại bị thay đổi sau khi bà Le Pen thông báo (ngày 29/04) liên kết với cựu ứng viên Nicolas Dupont-Aignan, thuộc đảng Nước Pháp Đứng Lên! (Debout la France!).
Nếu đắc cử Tổng thống, Chủ tịch đảng Mặt Trận Quốc Gia sẽ cho lưu hành song song hai loại tiền tệ: đồng franc cho chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và quyền sử dụng đồng euro cho các tập đoàn đa quốc gia…
Bài xã luận trên trang nhất của Le Figaro nhận định, đây chỉ là chiến lược tung hỏa mù của ứng viên cực hữu trong những ngày cuối của cuộc vận động tranh cử.
Còn bài xã luận của Le Monde khẳng định chiến lược "mập mờ này là hoàn toàn có chủ ý".
Cả hai nhật báo đều có cùng quan điểm là ứng viên cực hữu không muốn làm phật lòng bộ phận cử tri của Mặt Trận Quốc Gia muốn rời khỏi khu vực đồng euro, đồng thời cố thu hút thêm phiếu bầu từ phía cử tri muốn ở lại trong khối đồng tiền chung.
Hình thành một loại tiền tệ mới đồng nghĩa với việc rút khỏi đồng euro vì Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ mất quyền hạn đối với chính sách tiền tệ của Pháp.
Ngoài ra, bà Le Pen hoàn toàn có thể tiếp tục ý định thực hiện chương trình cải cách mà, theo tuyên bố trước đó của bà, đến 70% có thể thực hiện được, nếu nước Pháp rút khỏi đồng euro.
Rút khỏi khối đồng tiền chung châu Âu, ngay lập tức đồng "franc Le Pen" sẽ mất khoảng 30% giá trị, khiến trị giá tiền tiết kiệm sụt giảm, thâm hụt ngân sách và dẫn đến bùng nổ khối nợ của Pháp, cho đến nay vẫn tính bằng euro.
Ngoài ra, còn phải tính đến khả năng tăng lãi suất, thất thoát vốn ra nước ngoài và các chủ nợ sẽ không còn cấp vốn cho Pháp. Hàng tiêu dùng sẽ trở nên đắt đỏ vì giá nhập khẩu tăng vọt.
Bên cạnh đồng euro áp dụng riêng cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hay giới nhà giầu trong các giao dịch quan trọng, như bất động sản hay mua xe hơi, đồng "franc Le Pen" sẽ chỉ là đồng nội tệ kỳ quặc dành cho việc chuyển tiền trợ cấp xã hội, trả lương cho công chức và hưu trí.
Với Le Monde, bà Le Pen "tặng" cho người Pháp một lựa chọn: tồi tệ thì là "phá sản", còn khả quan hơn một chút là "bất lực".
Còn xã luận của Le Figaro cảnh báo "đừng để bị lừa như vậy", vì rời khỏi eurozone, nước Pháp sẽ rơi vào tình cảnh "phá sản và hỗn độn".
Ngay cả khi chìm sâu trong khủng hoảng tài chính, cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha lẫn Ai Len đều không dám hình dung sẽ đi theo con đường này.
BizLIVE