Rời ghế CEO Ahamove sau 3,5 năm gắn bó, ông Nguyễn Xuân Trường vừa đầu quân sang ví điện tử Momo
Ở vai trò mới tại Momo, ông Trường sẽ có nhiều việc để làm, mà như ông thừa nhận, khi xác định bước vào một lãnh hạt mới để toàn tâm toàn ý học tập, ông cần tìm một môi trường cho việc học hỏi, quay về trạng thái xuất phát điểm và bỏ qua những hiểu biết, thành tựu trong quá khứ.
Sau hơn 3 tuần rời vị trí CEO tại Ahamove, sáng nay, ông Nguyễn Xuân Trường đã chính thức xác nhận với chúng tôi việc gia nhập ví điện tử Momo ở cương vị Giám đốc mảng P2P.
Trước đó, trả lời báo chí, phía MoMo cũng đã xác nhận thông tin ông Trường chính thức giữ vị trí Giám đốc Dịch vụ chuyển tiền của công ty từ ngày 22/4.
Ông Nguyễn Xuân Trường - đồng sáng lập Ahamove rời vị trí CEO Ahamove từ ngày 1/4/2019, sau 3,5 năm điều hành startup giao hàng on-demand này. "Hôm nay tôi chính thức tạm biệt hành trình trong vai trò quản lý của Ahamove, chỉ giữ lại cho mình chút danh vị Nhà đồng sáng lập", ông từng chia sẻ trên trang cá nhân.
Ông Nguyễn Xuân Trường sinh năm 1984. Sau khi tốt nghiệp MBA ở Mizzou (ĐH Missouri, Mỹ), ông cùng gia đình trở về Việt Nam tháng 1/2014, bắt đầu dấn thân vào hành trình startup.
Sau 2 thất bại với uGenius - một phần mềm giáo dục tiếng Anh cho tuổi mầm non với mong muốn trẻ em vừa học vừa chơi qua trải nghiệm trực quan trên app (smartphone, iPad) và Olymsearch - mô hình Google for Shopping, ông Trường chuyển sang làm việc tại Adayroi. Năm 2015, ông Trường bén duyên với Ahamove.
Về phía Momo, đây là một trong những ví điện tử "nổi" nhất hiện nay với lợi thế có mặt từ rất sớm trên thị trường và nhận được nguồn vốn mạnh mẽ của các quỹ đầu tư lớn. MoMo hiện đang cung cấp dịch vụ Ví điện tử trên di động, Dịch vụ chuyển tiền mặt tại điểm giao dịch (OTC) và nền tảng thanh toán (payment platform).
Không chỉ phát triển online, MoMo còn sở hữu mạng lưới hơn 5.000 điểm giao dịch tài chính trải rộng khắp 45 tỉnh thành trên cả nước, cho phép khách hàng tại các vùng sâu vùng xa, nơi dịch vụ ngân hàng và điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính.
CTCP Dịch vụ Di Động Trực tuyến (M_Service) - đơn vị chủ quản của MoMo - được thành lập từ năm 2007 nhưng đến tháng 6/2014 thì ứng dụng MoMo mới chính thức được phát hành trên nền tảng Android và iOS cho người dùng di động.
Được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng giống như ngành thương mại điện tử, hiện tại MoMo vẫn đang phải chạy đua "đốt tiền" để thu hút khách hàng mới cũng như đẩy mạnh khuyến mãi giảm giá cho các dịch vụ liên kết.
Từ đầu năm 2018 đến nay, mặc dù không công bố nhưng các lần thay đổi đăng ký kinh doanh của MoMo cho thấy ví điện tử này liên tục được bơm tiền mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó vốn điều lệ tăng từ 69 tỷ lên 112 tỷ đồng.
Danh sách nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Momo hiện có Goldman Sachs, SCPE, Ganymede Holdings B.V, E-Mobile VN Investments I và Ganymede Holdings. Phía cổ đông trong nước hiện mới xuất hiện 1 cái tên là Chứng khoán Thiên Việt (TVS), hiện nắm xấp xỉ 10% cổ phần của MoMo.
Ở vai trò mới tại Momo, ông Trường sẽ có nhiều việc để làm, mà như ông thừa nhận, khi xác định bước vào một lãnh hạt mới để toàn tâm toàn ý học tập, ông cần tìm một môi trường cho việc học hỏi, quay về trạng thái xuất phát điểm và bỏ qua những hiểu biết, thành tựu trong quá khứ.
Trí thức trẻ