Rời Hà Nội mua 5000m² đất ở Ninh Thuận, cô gái 8x chỉ ra sự thật đằng sau 2 chữ an yên nhiều người nghĩ lúc "về quê nuôi cá và trồng thêm rau"
Đây là kinh nghiệm từ 1,5 năm trải nghiệm "về quê nuôi cá và trồng thêm rau" của cô vợ thị thành, rời Hà Nội về Ninh Thuận xây mô hình "vườn-ao-chuồng-ruộng" như một nông dân thực thụ với cái nhìn chân thực về việc "bỏ phố về quê"...
- 03-11-2020Ai cũng mong ước mua một ngôi nhà để "an cư lạc nghiệp": Liệu đó là chìa khóa hạnh phúc hay nguồn gốc của sự căng thẳng, đây là câu trả lời của chuyên gia tâm lý
- 25-10-2020Ngay cả các tỷ phú cũng vướng phải 1 tư duy kiếm tiền "độc hại" này, không sớm thoát thì cả cuộc sống và hạnh phúc đều bị đe dọa
- 23-10-2020Bài học quan trọng nhất về hạnh phúc từ nghiên cứu kéo dài nhất của Đại học Harvard: Đây là việc nên làm cả đời để viên mãn và thành công
Nguyễn Thị Huyền Trang (Trang Tròn), sinh năm 1986, đã từng sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Trang có 9 năm làm cho 1 công ty với những nhãn hiệu xa xỉ.
Năm 2018, bé thứ 2 còn nhỏ, nên Trang vẫn đang trong cảnh con mọn. Thế nhưng, người ta thấy đùng 1 cái vợ chồng cô quyết định vào Ninh Thuận sống.
Nói về lý do muốn về Ninh Thuận sống Trang tâm sự cách đây vài năm gia đình Trang cũng đã muốn mua 1 mảnh đất nhỏ ở vùng ngoại ô để làm nhà làm vườn vì 2 vợ chồng có thiên hướng thích sống gần gũi thiên nhiên.
Khi có con nhỏ nữa thì việc đó càng trở nên cần thiết. Cả hai vợ chồng rất muốn các con mình có tuổi thơ đẹp gắn với việc gần gũi thiên nhiên.
Tháng 4/2019 trong 1 chuyến du lịch có dịp vào Ninh Thuận ở 3 đêm, đến ở một homestay vào lúc 12 giờ trưa mà thời tiết mát mẻ dễ chịu, khuôn viên homestay xanh mướt mà vợ chồng mê đắm luôn.
Vì thế, đất Ninh Thuận đã khiến Trang chọn để xây cuộc sống sau này, chính là cái homestay đó 2 vợ chồng đã thuê ở 1 năm trước khi mua đất, xây cơ ngơi cho riêng mình.Chị Huyền Trang.
Hành trình bỏ phố về quê sống của gia đình Trang chưa hẳn là lâu, hiện chỉ được 1,5 năm, nhưng 100% thời gian chinh chiến và sống chết với nó rồi bắt tay làm nông dân thực thụ từ cả việc trồng lúa nước để xây dựng cuộc sống mới đủ để cô chiêm nghiệm ra nhiều điều.
Khi mệt mỏi và áp lực quá những cư dân thị thành lại văng vẳng câu hát của Đen Vâu "Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau, cùng lắm thì mình về quê nuôi cá và trồng thêm rau". Và Trang cũng đang chọn cuộc sống như thế, nhưng đó không phải là 1 cuộc chạy trốn.
Tháng 5/2019 gia đình Trang (2 vợ chồng và 2 con) đã chuyển từ Hà Nội vào một làng quê ở Ninh Thuận sinh sống. Thời gian đầu Trang thuê ở một homestay trong vòng 1 năm sau đó nhà mình tìm mua 1 mảnh đất 5000m2 và vừa làm xong nhà vào tháng 7/2020.
1,5 năm trải nghiệm cuộc sống nông thôn, tự cung tự cấp từ lúa gạo và xây cho mình 1 chỗ trú ẩn an yên trong tâm hồn nhưng phải trả bằng rất nhiều mồ hôi, công sức, tiền bạc và những đêm mất ngủ.
Điều cô rút ra là "về quê nuôi cá và trồng thêm rau" không đơn giản như nhiều người nghĩ, nhưng nếu có đam mê, chăm chỉ lao động và yêu cuộc sống gần gũi thiên nhiên thì thành quả cũng rất xứng đáng. Tuy nhiên, ai đó có ý định hoặc đang nung nấu mục đích này cần hiểu về nó trước khi quyết định để không... vỡ mộng.
Trang khẳng định: "Cùng lắm thì mình về quê nuôi cá và trồng thêm rau là không dễ dàng, đó là một chặng đường dài đầy mồ hôi, công sức và tiền của. Nhưng giá trị có được thì vô giá, không có gì có thể so sánh được".
Ngôi nhà của gia đình chị Trang.
Sau một thời gian trải nghiệm sống ở làng quê, làm nông dân đích thực, người phụ nữ này đã chiêm nghiệm được nhiều thứ.
Để cụ thể về những trải nghiệm của mình chị đã nói rõ chi tiết những khó khăn, thuận lợi để mọi người hiểu bản chất việc bỏ phố về quê trước khi có những quyết định cho riêng mình.
Trang chia sẻ:
Việc đầu tiên bạn sẽ phải có một số vốn kha khá
Việc đầu tiên là bạn sẽ phải có một số vốn kha khá, tiền mua đất, xây nhà, làm vườn, mua cây giống... Tiền ít thì mua mảnh đất nhỏ, xây nhà bé nhưng cốt lõi là phải có tiền, rồi còn phải có khoản tiền dự trữ nữa vì thời gian đầu vườn sẽ chưa có nhiều thứ để thu, và cũng cần thêm 1 khoản chi phí hàng tháng nữa để duy trì vườn.
Tìm mua mảnh đất ưng ý không hề dễ dàng
Việc tìm mua được một mảnh đất ưng ý là một việc không dễ dàng gì, nếu bạn độc thân hay không có con nhỏ thì tiêu chí lựa chọn sẽ ít hơn rất nhiều so với các gia đình có con nhỏ, đặc biệt là con ở trong độ tuổi đến trường, gần trường gần chợ hay ở trong khu dân cư hay không là một trong những tiêu chí đặt hàng đầu.
Những tiện ích thị thành biến mất (shopping, y tế, giáo dục..)
Bạn phải xác định rõ ở phố sẽ rất nhiều ưu điểm mà nông thôn rất khó để có được, ngoài các tiện ích ăn uống mua sắm ra, một vấn đề rất đáng quan tâm và suy nghĩ kỹ đó là giáo dục và y tế ở nông thôn không thể so được so với ở thành thị
Các bác sỹ giỏi sẽ tập trung nhiều ở thành phố lớn, rồi về học hành giáo dục các môn ngoại khóa hay kỹ năng mềm như: bơi lội, đàn hát, vẽ, tiếng Anh... nếu ở thành phố lớn sẽ có rất nhiều sự lựa chọn, trong khi đó ở nông thôn thì rất khó hoặc không có các địa chỉ chất lượng.
Mình nói thêm về giáo dục ở nông thôn: nếu ở thành phố con bạn đang theo phương pháp giáo dục Mon, Steiner hay một số phương pháp giáo dục tiên tiến khác thì nếu về nông thôn bạn phải làm quen với phương pháp giáo dục cổ điển có rất nhiều bất cập.
Trẻ em ở nông thôn thực sự là chưa được quan tâm tới giáo dục như ở thành phố nên con bạn cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong việc tìm “đôi bạn cùng tiến”.
Môi trường ở nông thôn không thực sự trong lành hoàn toàn
Môi trường nói chung và môi trường không khí ở nông thôn không thực sự trong lành hoàn toàn, nếu ở trong khu dân cư có thể sẽ có đốt rác (nếu không có thu gom rác, thông thường ở nông thôn sẽ ít có dịch vụ thu gom rác như ở thành phố), rồi rác thải nhựa túi bóng ly cốc nhựa cũng được vứt khá là bừa bãi, nếu bạn ở trong khu vực rẫy canh tác nông nghiệp thì lại càng tệ hơn vì có thể bạn sẽ được ngửi mùi thuốc trừ sâu hàng ngày, đa phần nông dân vẫn canh tác nông nghiệp như vậy.
Thực phẩm chưa chắc ít độc hại hơn thành phố
Rau cỏ, trái cây hoa quả ở nông thôn có thể rẻ hơn (thời gian đầu về vườn chưa trồng kịp thì cũng phải đi chợ mua ăn) nhưng chưa chắc ít độc hại hơn thành phố, có thể hơi phiếm diện khi đưa vấn đề này vào nhưng mình quan sát quanh khu vực mình sinh sống, người dân thực sự chưa quan tâm nhiều tới sức khỏe.
Rau cỏ họ trồng để ăn vẫn bón đạm bón phân hóa học để rau đẹp rau tốt rau non...chứ chưa nói đến rau họ trồng để bán, mà việc nhà nào bảo trồng ăn không hết nên đem bán cũng chưa chắc chắn được đó là thực phẩm không hóa chất.
Mình thấy trẻ em ở nông thôn rất thiệt thòi, ngoài y tế giáo dục không nói, còn về ăn uống nữa, ở nông thôn rất nhiều thực phẩm rẻ tiền không nhãn mác hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, con mình mấy lần mua đồ ăn vặt ở trường về bị tiêu chảy đi ngoài mấy ngày mới khỏi.
"Về quê nuôi cá trồng rau" phải thật chăm chỉ và chịu khó
Nếu như ở thành phố bạn phải làm việc với cường độ 1,2 thì ở quê có vườn bạn phải làm gấp 5 gấp 10 lần, bạn sẽ đen đi, gầy hơn, thời gian đầu cuốc đất chưa quen sẽ đau mỏi thường xuyên (nếu bạn thuê người làm thì cũng được nhưng về lâu về dài khá là tốn kém, hơn nữa họ làm chưa chắc đúng ý bạn), bạn phải thật chăm chỉ và chịu khó nữa.
Trồng rau ở quê không dễ
Việc trồng rau/trồng cây ở vườn rộng sẽ khác hoàn toàn như trồng rau ở sân thượng hay ở vườn có diện tích nhỏ ở thành phố. Có rất nhiều loại sâu bệnh. Có rất nhiều việc phải làm, việc cải tạo đất cũng mất khá nhiều thời gian, có thể được tính bằng năm luôn.
Việc sống chung với cỏ cũng mất một thời gian mới thích nghi được, có những chỗ để Cỏ và cắt định kỳ được nhưng có những chỗ cần làm sạch cỏ như vườn rau chẳng hạn, mưa vài ngày là cỏ cao cả mét rồi.
Nhưng... bạn sẽ nhận được những giá trị là vô giá
Trên đây là một vài điểm mình quan sát và ghi lại sau 1.5 năm sống ở nông thôn mà trước đó khi chưa về nông thôn sống mình chưa hình dung ra, tuy nhiên sống ở nông thôn cũng có những giá trị mà mình nói là vô giá và không có gì đo đếm được:
- Bạn trồng được rau và trái cây để ăn thì đó là thứ rau và trái cây ngon nhất mà bạn từng được ăn (nếu áp dụng phương thức không hóa chất), mình khẳng định ngon hơn ở các cửa hàng thực phẩm hữu cơ nhé, ổi nhà bạn sẽ giòn ngọt chứ không mềm hay xốp như bạn mua ở ngoài, trứng vịt trứng gà đầy lòng đỏ thơm lừng...
- Trồng cây hay làm nông bạn sẽ học được nhiều thứ hơn, chăm cây cũng giống như chăm một đứa con vậy, kiên nhẫn và kiên nhẫn, cây có bộ rễ khỏe cũng như việc con có nền tảng giáo dục tốt vậy. Bạn sẽ được sống theo một cách hoàn toàn khác, bạn sẽ khám phá được bản thân ở một khía cạnh khác mà trước kia chưa được biết đến.
- Bạn sống chậm hơn, gia đình bạn sống chậm hơn, con bạn sống chậm hơn, điều này dễ thực hiện hơn là ở phố, trường học ở nông thôn vào học rất là sớm, như trường con mình thứ 2 là 6h30 vào học, ngày thường khác là 6h45 (do thứ 2 có giờ chào cờ), bạn và gia đình được thay đổi một nhịp sống sinh hoạt hoàn toàn mới rất có lợi cho sức khỏe, con mình đang học lớp 2 buổi tối 8h đi ngủ sáng mai 5h30 dậy và 6h30 đạp xe tới trường.
- Trường học ở nông thôn thường học nửa ngày, nên buổi trưa con bạn được ăn trưa tại nhà, con có nhiều thời gian vui chơi ngoài trời, đọc sách, vẽ vời thỉnh thoảng giúp mẹ làm vườn trồng cây, điều này rất là tuyệt đúng không nào.
- Gần gũi thiên nhiên, nhẽ ra điểm này phải đưa lên đầu mới đúng nhỉ, sống trong mỗi trường nhiều cây cối, sáng mở mắt đã nhìn thấy màu xanh ngắt của cây bao quanh là cái cảm giác không thể mô tả thành lời được và cũng không diễn tả được, mình chỉ biết nói rằng thiên nhiên rất đẹp và tuyệt vời, và được sống với cỏ cây làm mình thấy rất hạnh phúc và luôn tràn đầy năng lượng.
Những chia sẻ của Huyền Trang cho những ai cảm thấy áp lực vì công việc, vì khói bụi kẹt xe phố thị mà ôm mộng bỏ phố về quê có cái nhìn toàn diện hơn.
Hẳn nhiên nó không màu hồng như hình ảnh người ta khoe ra với bạn, bởi đằng sau đó là bao nhiêu mồ hôi, công sức và nước mắt, tất nhiên là cả... tiền bạc nữa.
Nhưng nếu như đấy là con đường bạn chọn và quyết tâm theo đuổi, đánh đổi sự an nhàn thì thành quả hẳn nhiên cũng tuyệt vời không kém.
Vì thế đừng nghĩ "bỏ phố về quê" chỉ là an yên, để có được 2 từ đơn giản này phải bỏ rất nhiều công sức, ý chị và nghị lực đấy bạn nhé.
Pháp luật và bạn đọc