Rời Sài Gòn, đôi vợ chồng cầm 300 triệu lên sườn đồi dựng căn nhà gỗ, thành quả đáng nể
Bỏ phố lên Đà Lạt, đôi vợ chồng trẻ chọn cho mình lối sống tự cung tự cấp bên mảnh vườn quanh năm trĩu rau quả cùng căn nhà gỗ đẹp như trong cổ tích.
- 29-06-2023Trúng khoảng 16 tỷ đồng, người đàn ông mua 3 căn nhà tặng người thân nhưng cuối đời phải chịu cảnh ở thuê, đau khổ chống chọi với bệnh tật
- 26-06-2023Bán 2 căn nhà, tiêu tốn khoảng 4 tỷ đồng, tôi mới nhận ra: Chỉ cần có thứ này, ai tay trắng cũng gây dựng nên tài sản tỷ đô
- 20-06-2023Lão nông đào được 'quả bóng' đen sì, không ngờ giá trị bằng căn nhà trong thành phố
Quyết định rời Sài Gòn lên Đà Lạt định cư, gia đình nhỏ khiến cộng đồng mạng trầm trồ, ước ao khi "khoe" căn nhà gỗ siêu "chill" cùng vườn rau trái quanh năm sai trĩu quả ở giữa lưng chừng đồi.
Cầm 300 triệu "bỏ phố về rừng" dựng căn nhà gỗ cực "chill" bên sườn đồi
Nhập cư vào các đô thị lớn, hòa nhập với nhịp sống hiện đại, huyên náo tại các "thành phố không ngủ" là dòng chảy chủ đạo bấy lâu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một bộ phận những người trẻ lại chọn cho mình lối sống khác, đi ngược dòng chảy đó. Với sự tự tin, dám nghĩ dám làm, thích trải nghiệm, họ chọn cho mình lối sống tích cực mới, đó là bỏ phố thị về xây dựng quê nhà.
Mỗi người chắc chắn sẽ đều có cho mình những lý lẽ riêng cho lựa chọn. Hiện nay, chưa có con số thống kê chính thức về số lượng những người di dân ngược chiều từ thành phố về quê, lên rừng.
Tuy nhiên, có thể tạm chia họ thành 2 nhóm chính là bỏ phố về quê vì thích sống an nhàn, rời xa phố thị xô bồ. Và nhóm thứ 2, họ bỏ phố về rừng để kinh doanh, làm nông nghiệp, sống hòa mình giữa thiên nhiên.
Chị Thanh Hằng đã có hơn 10 năm làm việc tại Sài Gòn, trước khi "khăn gói" về quê
Với chị Tăng Thanh Hằng, một giáo viên tiếng Anh đến từ Đà Lạt, chị và chồng là anh Phan Hạnh quyết định rời thành phố Hồ Chí Minh về quê sinh sống, làm việc vì yêu thích nhịp sống chậm rãi giữa thiên nhiên chan hòa.
Thuở mới về quê, hai người đã gặp không ít khó khăn, vất vả để làm quen với cuộc sống khác xa với thành thị. Sau một khoảng thời gian làm việc, tích cóp, chị Thanh Hằng và chồng quyết định dựng một căn nhà gỗ bên sườn đồi.
Trên mảnh đất có diện tích khoảng hơn 2 hecta của gia đình ở thị trấn Dran, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 40km, họ dành một khoảng nhỏ ở giữa để dựng nhà, xung quanh là chỗ trồng rau, hoa và cây ăn quả.
Đôi vợ chồng trẻ mất 3 tháng để xây dựng căn nhà này với chi phí khoảng 300 triệu đồng.
Quá trình xây dựng ngôi nhà tại vùng đất mà họ từng ước mơ trải qua không ít khó khăn. Để có được mức giá 300 triệu cho căn nhà khang trang, siêu "chill" này, họ cố gắng tiết kiệm chi phí nhiều nhất có thể.
Gia đình chị mua khung nhà gỗ cũ có sẵn rồi về cải tạo, làm mới thêm. Thanh Hằng còn cùng chồng tận dụng các vật liệu tái chế, mang về sự tay làm các món đồ trang trí, nội thất đơn giản
"Nhà mình có diện tích sàn khoảng 60m2, nhưng không gian mở, thoáng mát nên cảm giác khá rộng rãi. Phòng bếp và phòng khách chung nhau. Toàn bộ ý tưởng thiết kế, trang trí nhà đều là của mình, sau đó vợ chồng mình hướng dẫn thợ làm theo ý thích. Vì mua sẵn khung nhà gỗ về dựng nhà nên có nhiều chỗ bất cập.
Tụi mình phải cố gắng sắp xếp, phân chia không gian hài hòa, tiện ích, phát huy công năng nhất có thể" - Chị Thanh Hằng nhớ lại.
Ngôi nhà gỗ nhỏ nằm giữa vườn hoa, cây ăn trái rực rỡ sắc màu.
Ban đầu, đôi vợ chồng trẻ chỉ định làm nhà để ở. Ngôi nhà gỗ nhỏ ấm ấp, nằm giữa vườn hoa, cây ăn trái rực rỡ sắc màu. Mỗi sáng, mở cánh cửa bước ra, Thanh Hằng đều cảm thấy như mình đang ở một homestay nghỉ dưỡng nào đó.
Đây cũng là cảm nhận chung của bạn bè họ khi đến chơi nhà. Được mọi người khuyến khích, ủng hộ, Thanh Hằng quyết định cải tạo căn nhà, ngăn thành các phòng riêng biệt để cho thuê theo dạng homestay.
"Toàn bộ căn nhà là do chính tay vợ chồng mình tự trang trí, không nhờ tới bất kì đội ngũ chuyên nghiệp nào. Phần nội thất bên trong homestay theo phong cách tối giản, vừa tiết kiệm được chi phí vừa mang đến một cảm giác dễ chịu, hòa cùng thiên nhiên.
Mình không chuyên cho thuê lưu trú, chỉ theo dạng nhỏ lẻ, chủ yếu để có chỗ tiếp đón bạn bè, người quen, kiếm thêm chút thu nhập".
Tận hưởng cuộc sống "tự cung tự cấp": Khi nhu cầu ngày một giảm dần
Hiện tại, vợ chồng chị Thanh Hằng cùng 2 con nhỏ đang ngày ngày cùng nhau sống trọn tuổi xuân nơi phố núi trập trùng.
Lên núi sống tách biệt với phố thị, nhưng vợ chồng Thanh Hằng vẫn có nguồn thu nhập ổn định từ công việc dạy học tiếng Anh của chị Hằng. Cùng với đó là cho thuê homestay và bán các mặt hàng nông sản hữu cơ tự tay trồng ngay trong vườn nhà.
Vốn yêu thích trồng, chăm sóc cây, từ mảnh đồi trọc, không một bóng cây, vợ chồng chị Thanh Hằng dần phủ kín bằng những hàng cây ăn trái, khu trồng hoa, trồng rau... quanh năm đua sắc thắm.
Để có được thành quả là khu vườn khiến nhiều người trầm trồ, ước ao, vợ chồng Thanh Hằng đã trồng cây lâu năm và cây ăn quả. Họ cũng dựng thêm vườn rau, vườn hoa, trồng cây ngắn ngày để tự cung tự cấp.
Từ mảnh đồi trọc, vợ chồng chị Thanh Hằng dần phủ kín bằng những hàng cây xanh mướt
Thanh Hằng kể, chị canh tác hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng chất hóa học, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu:
"Đa số dân địa phương trồng hồng nên nhà mình cũng chủ yếu là cây hồng, vì hồng ở đây sinh trưởng mạnh, không cần bón phân hay phun thuốc như những loại trái cây khác, tới mùa vẫn có trái thu hoạch.
Ngoài những loại rau thông thường, cây gia vị như: Chanh, ớt, sả, gừng, rau thơm các loại, tụi mình trồng xen thêm cây trái 4 mùa để quanh năm đều có quả hái như: Bơ, xoài, vải, ổi, thanh long, chuối, mận, lê, đào, dâu tằm, mít, mác ca, vú sữa…
Để không gian quanh nhà thêm rực rỡ, xanh mát, mình trồng cây bóng mát như phượng tím, phong linh, kèn vàng, kèn hồng, anh đào… để mỗi mùa nở mỗi màu hoa".
Canh tác theo phương pháp hữu cơ, xanh, sạch, chị Thanh Hằng hoàn toàn không sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật.
Chị bón phân chuồng cho cây; Chăm sóc, tôn trọng đất theo cơ chế tự nhiên như phát cỏ, ủ hoai mục rác phân huỷ, nhiều vi sinh... để đất khoẻ, cây hoa, rau trái cũng vươn lên phát triển tươi tốt, đề kháng cao.
Khi trở về sống trên đồi, tuy điều kiện có đôi chút thiếu thốn, khó khăn, nhưng gia đình nhỏ lại được tận hưởng không khí trong lành, dễ chịu.
Chị Thanh Hằng cho hay, hiện tại vợ chồng chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc, viên mãn, được tự do tự tại làm điều mình thích, vừa có nguồn thu nhập ổn định mà không phải chịu áp lực deadline, bon chen, xô bồ nơi phố thị.
Giờ đây, họ vừa làm việc tại nhà, vừa tận hưởng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên trong lành, thưởng thức những bữa cơm ngon lành được nấu hoàn toàn từ nguyên liệu sạch nhà trồng.
Hai con nhỏ của chị cũng được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị ngoài trời như leo núi, hái nấm, trèo cây, thả diều, thu hoạch rau quả, vui chơi trong vườn.
Chị Thanh Hằng quan niệm, "người biết đủ là người hạnh phúc". Chọn sống rời xa phố thị, chị ngày càng thấy bản thân ít dần đi những nhu cầu. Cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng theo hướng "tự cung tự cấp" mang lại cho họ trải nghiệm sống trọn vẹn từng phút giây.
Phụ nữ Việt Nam