Rộn ràng vụ miến dong Tết của người Sán Chỉ
Những ngày này, cộng đồng người Sán Chỉ ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đang hối hả vào vụ sản xuất miến dong cho Tết Nguyên đán.
Dù cả năm bôn ba tứ xứ để mưu sinh, khi rừng sở bắt đầu nở trắng các sườn đồi, bà con người Sán Chỉ, xã Húc Động, huyện biên giới Bình Liêu lại gọi nhau quay về bản thu hoạch dong riềng, cặm cụi làm miến bán dịp tết. Đây là thời điểm cả xã bận rộn và mong chờ nhất trong năm.
Chị Trần Thị Ngân (ở thôn Mó Túc) cho biết, mấy ngày qua trời rét căm căm nhưng nhà nào cũng dậy từ sớm để kịp làm miến cho những đơn hàng: "Năm nào dịp này chúng tôi cũng bận rộn. Năm nay dịch Covid-19 nhưng cũng không ảnh hưởng. Chúng tôi làm từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều, một ngày công được trả 300.000 đồng".
Dù những ngày này, nhiệt độ tại Bình Liêu xuống rất thấp nhưng người dân vẫn trở dậy từ sớm để làm những đơn hàng cuối năm
Dọc con suối ôm sát các thôn Nà Ếch, Mó Túc, Sú Cáu, Lục Ngù, Thánh Thìn của xã Húc Động - Trung tâm sản xuất miến dong của huyện Bình Liêu là những HTX và các cơ sở chế biến miến dong thủ công. Suốt từ tháng 10 âm lịch, các cơ sở này luôn đỏ lửa, rộn ràng tiếng máy rửa dong, nghiền, nấu và cắt miến. Anh Trần A Chiu, Chủ nhiệm HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động vừa cặm cụi hướng dẫn công nhân vận hành vừa phấn khởi cho biết miến năm nay được giá so với năm ngoái, hơn 100 tấn củ dong HTX chế biến đến đâu hết đến đấy. Năm nay, thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng lớn tới sản lượng củ dong nên HTX phải ưu tiên những "mối quen".
Vào Húc Động - Trung tâm sản xuất miến dong của huyện Bình Liêu sẽ bắt gặp các phên miến được phơi ngay sát bờ suối trong lành
"Năm nay sản lượng miến ít đi so với năm ngoái do nhiều vườn trồng bị chết lụi đi. Năm nay, miến dong được giá, củ dong chúng tôi cũng thu mua cao hơn, còn giá bán miến thành phẩm trên thị trường bán ngay tại huyện đã là 90.000 -95.000 đồng/kg. Một siêu thị tại Hải Phòng đặt gần tết mà không có nguyên liệu để làm", anh Trần A Chiu chia sẻ.
Mỗi năm, các HTX và cơ sở sản xuất tại Bình Liêu đảm bảo bao tiêu hơn 2.000 tấn củ dong riềng và cung cấp khoảng 300 tấn miến ra thị trường. Ngoài nguồn nguyên liệu trồng trên diện tích 63 hecta của huyện, các HTX còn bao tiêu khoảng 200 tấn củ dong của huyện Tiên Yên, nơi có cùng thổ nhưỡng và khí hậu để đảm bảo chất lượng và thương hiệu miến dong Bình Liêu.
Mỗi năm, các HTX và cơ sở sản xuất tại Bình Liêu đảm bảo bao tiêu hơn 2.000 tấn củ dong riềng và cung cấp khoảng 300 tấn miến ra thị trường
Ông La Ngọc Dương, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Húc Động, huyện Bình Liêu cho biết, đây là kết quả của việc đẩy mạnh chương trình liên kết vùng nguyên liệu sản xuất mà Quảng Ninh đang quyết liệt triển khai: "Trong năm 2021, chính quyền các cấp từ huyện tới các xã sẽ tuyên truyền vận động bà con cũng như các xã, các cơ sở, HTX liên kết với nhau để thực hiện mô hình liên kết tập trung nhân lực, đất canh tác để đảm bảo cung ứng đủ vật liệu theo vùng sản xuất tập trung đảm bảo đầu ra và đâì vào cho các hộ sản xuất".
Miến dong Bình Liêu đã trở thành thương hiệu nông sản nổi tiếng, được xây dựng là sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh
Miến dong Bình Liêu đã trở thành thương hiệu nông sản nổi tiếng, được xây dựng là sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Sợi miến có phần thô, to nhưng lại có độ dai, giòn, vị ngọt, bùi của củ dong già lấy đủ tinh chất từ thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất biên cương sau 9 tháng vun trồng... Đặc biệt, dù nấu quá lửa nhưng miến không bị vữa, nát. Những phẩm cấp này, giúp miến dong Bình Liêu có thương hiệu và chỗ đứng riêng trong bạt ngàn những sản phẩm OCOP khác được dày công gây dựng từ năm 2013. Các cơ sở chế biến tại Bình Liêu đều tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký nhãn, bao bì. Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu cho biết, huyện đã tính toán tới việc xây dựng vùng trồng dong ổn định để bảo vệ thương hiệu miến dong Bình Liêu được bền vững.
Sợi miến dong Bình Liêu có phần thô, to nhưng lại có độ dai, giòn, vị ngọt, bùi của củ dong già lấy đủ tinh chất từ thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất biên cương
"Sản lượng củ dong bị thiếu thì Bình Liêu cũng tiên lượng được trước và cũng có giải pháp để triển khai thực hiện. Điều đầu tiên là huyện rà soát lại khu vực trồng sao cho ổn định và triển khai hỗ trợ sản xuất cho các HTX, các hộ theo Nghị quyết 194 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về liên kết tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng giao chỉ tiêu cho từng xã nâng sản lượng của dong lên 120 hecta để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững", bà Lê Thị Thu Hương cho biết thêm.
Mở rộng quy mô trồng củ dong riềng gấp đôi so với năm ngoái không chỉ là cách huyện Bình Liêu đảm bảo hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường nhất là dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là hành động thiết thực, lâu dài để thương hiệu miến dong Bình Liêu có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước. Tháng trước Tết âm lịch, những đoàn xe nối đuôi ra vào Húc Động chở miến đi khắp nơi. Người Sán Chỉ ở Bình Liêu dưới chân núi Cao Ly đang rộn ràng đón một mùa xuân mới.
VOV