MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Rồng Trung Quốc giương vuốt" ở Trung Đông: Vành đai, Con đường hồi sinh và thông điệp đanh thép gửi Mỹ

08-04-2021 - 11:28 AM | Tài chính quốc tế

"Rồng Trung Quốc giương vuốt" ở Trung Đông: Vành đai, Con đường hồi sinh và thông điệp đanh thép gửi Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi cuối tháng 3 đã công du Trung Đông đến các nước Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Oman.

Chuyến công du trong thời gian 24-30/3 của ông Vương Nghị nằm trong các cố gắng ngoại giao của Bắc Kinh nhằm tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông đã đạt được kết quả tốt đẹp.

Bối cảnh chuyến thăm

Cuộc đối thoại giữa phái đoàn Trung Quốc và Mỹ tại Anchorage, Alaska ngày 19/3/2021 diễn ra hết sức căng thẳng, dẫn đến khủng hoảng ngày càng sâu sắc trong quan hệ hai nước.

Mỹ và các nước phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt khốc liệt chưa từng có chống lại cả Bắc Kinh và Tehran.

Ngày 22/3/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố những biện pháp trừng phạt mới chống Trung Quốc với cáo buộc "đàn áp người Duy Ngô Nhĩ" ở khu tự trị Tân Cương. Trước đó, ngày 12/3/2021, Mỹ cũng đã quyết định tẩy chay các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei Technologies Co., ZTE Corp., Hytera Communications Corp., Hangzhou Hikvision Digital Technology Co. và Dahua Technology Co. do bị cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Ngày 12/3, "Bộ tứ kim cương" (nhóm Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ausralia và Ấn Độ đã họp Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên dưới hình thức trực tuyến để bàn về các chương trình hành động cụ thể ứng phó với những thách thức từ Trung Quốc.

Ngày 15/3, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Anthony Blinken trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình sau khi nhậm chức đến Nhật Bản và Hàn Quốc đã tuyên bố, Trung Quốc là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với Mỹ, Washington và Tokyo cần "quyết tâm làm việc cùng nhau để vượt qua những thách thức chung" và "chống lại các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Châu Á và trên thế giới".

Quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng. Tổng thống Joe Biden không những không thực hiện lời hứa quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà đầu tháng 3 còn tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt đối với Iran thêm một năm, vẫn coi Iran là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ. Nghiêm trọng hơn nữa, ngày 26/2/2021 chính quyền Biden đã tiến hành không kích vào các cơ sở của các nhóm được cho là thân Iran ở Syria.

Tình hình Trung Đông đang diễn ra những thay đổi quan trọng. Chính quyền Mỹ đang giảm bớt sự hiện diện của mình trong khu vực. Washington đã ký thỏa thuận với Taliban về việc rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, triệt thoái phần lớn quân khỏi Iraq, giảm mạnh sự có mặt quân sự tại Ả Rập Saudi thông qua việc rút hệ thống tên lửa Patriot khỏi căn cứ Sultan gần Thủ đô Riyadh. Các tàu sân bay, tàu chiến được triển khai ở vùng Vịnh cũng đã được rút về nước. Quan hệ với các nước đồng minh ở khu vực, trong đó có Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả Israel đang bị rạn nứt. Chính quyền Mỹ đang thực hiện chính sách "Xoay trục sang châu Á".

Rồng Trung Quốc giương vuốt ở Trung Đông: Vành đai, Con đường hồi sinh và thông điệp đanh thép gửi Mỹ - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được giới thiệu về chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara, ngày 25/3/2021 (Ảnh: Chinese Foreign Ministry)

Chuyến thăm đạt kết quả tích cực

Thứ nhất, Trung Quốc và các nước đến thăm đã đạt được nhất trí quan điểm trong việc tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa và nhiều vấn đề mang tính chiến lược. Lần đầu tiên các nước nay đã sử dụng thuật ngữ "giao tiếp chiến lược" trong quan hệ với Trung Quốc.

Các nước khu vực, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ đã hiểu rõ và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, đồng thời bác bỏ sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc dưới bất kỳ lý do gì. Trung Quốc và các nước Trung Đông thỏa thuận tăng cường phối hợp với nhau trong các vấn đề quốc tế và thúc đẩy thiết lập một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng hơn.

Thứ hai, tăng cường sự gắn kết giữa sự phát triển của Trung Quốc và chiến lược phát triển của các nước liên quan. Trung Quốc hỗ trợ và hợp tác với các nước trong khu vực chống lại đại dịch Covid-19, thông qua việc cung cấp và sản xuất vaccine và phục hồi kinh tế sau đại dịch, thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường". Đến nay, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với 19 quốc gia Trung Đông về việc tham gia xây dựng các dự án liên quan đến sáng kiến này.

Thứ ba, trao đổi quan điểm về các vấn đề nóng trong khu vực và trình bày sáng kiến của Trung Quốc về hòa bình ở Trung Đông. Ông Vương Nghị đã đưa ra sáng kiến 5 điểm nhằm đạt được sự ổn định và an ninh ở Trung Đông. Trung Quốc sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để giải quyết các cuộc xung đột, đem lại hòa bình lâu dài cho khu vực, tìm ra con đường phát triển theo các đặc điểm của Trung Đông.

Rồng Trung Quốc giương vuốt ở Trung Đông: Vành đai, Con đường hồi sinh và thông điệp đanh thép gửi Mỹ - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) đón tiếp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Tehran, ngày 27/3/2021 (Ảnh: AP)

Kết quả chuyến thăm Iran là quan trọng và toàn diện nhất

Ngày 27/3/2021, kết thúc chuyến thăm Tehran, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ký với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước với thời hạn 25 năm. Tuy chi tiết chưa được công bố, nhưng các nội dung cơ bản của Hiệp định này đã được tiết lộ.

Theo Hiệp định, Trung Quốc sẽ đầu tư vào Iran 400 tỷ USD trong thời hạn 25 năm tới, trong đó 280 tỷ USD sẽ được dành cho đầu tư vào phát triển các ngành năng lượng, hóa dầu, 120 tỷ USD còn lại sẽ dùng để đầu tư nâng cấp các dự án thuộc cơ sở hạ tầng gồm cảng biển, đường sắt, đường bộ, giao thông vận tải, công, nông nghiệp.

Đổi lại, Trung Quốc sẽ được hưởng nhiều ưu đãi trong hợp tác với Iran như ký các hợp đồng thực hiện các dự án dầu khí không phải thông qua đấu thầu. Đặc biệt, Iran cam kết cung cấp ổn định, lâu dài dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc với giá thấp hơn giá thị trường 12% và được thanh toán bằng đồng nội tệ theo phương thức trả chậm 2 năm. Ngoại trưởng Iran Zarif cho biết, đây là các khoản ưu đãi mà Iran từ trước đến nay chưa bao giờ dành cho bất cứ nước nào.

Ngoài việc đầu tư và cung cấp năng lượng, Tehran và Bắc Kinh còn thỏa thuận hợp tác quân sự. Trung Quốc sẽ cung cấp cho Iran nhiều loại vũ khí hiện đại, trong đó có máy bay chiến đấu, các hệ thống tác chiến điện tử, lá chắn đánh chặn tên lửa.... rất quan trọng cho việc phòng thủ trước các cuộc tấn công có thể xảy ra của Mỹ và Israel.

Ngoài ra, Trung Quốc còn được phép sử dụng một số hải cảng chiến lược, căn cứ không quân và hải quân của Iran để tăng cường sự có mặt quân sự của mình ở khu vực Trung Đông.

Có thể nói, với việc ký kết Hiệp định hợp tác chiến lược toàn diện này, Trung Quốc trở thành đối tác lớn nhất của Iran trên thế giới và Iran trở thành đối tác lớn nhất của Trung Quốc tại Trung Đông.

Quan hệ với Trung Đông nằm trong chiến lược của Trung Quốc

Việc chuyển hướng về phía Tây đã được Trung Quốc đặt ra vào năm 2011, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố xoay trục chiến lược sang châu Á. Tại Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11/2012), ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo đất nước và sau đó đưa ra sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI). Đây là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Hàng trăm tỷ USD đã được chi vào xây dựng các dự án năng lượng. hải cảng, đường sắt, đường cao tốc, cáp quang... kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Âu, Trung Đông, Châu Phi và các khu vực khác trên thế giới.

Ngoài ra, BRI cũng nhằm mở rộng các thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của Trung Quốc, phát triển quan hệ quốc tế và tăng cường sự tham gia quốc tế vào các tổ chức kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB).

Vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông đã tăng lên nhanh chóng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Quan hệ hợp tác với các nước Trung Đông nằm trong chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh.

Nhật báo Eurasia gần đây viết: "Trung Quốc với tham vọng vươn lên trở thành một cường quốc toàn cầu đang tăng cường hoạt động nhằm thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông."

Sự hiện diện ngày càng tăng ở Trung Đông, Trung Quốc đang trở thành "người chơi chính" trong các vấn đề khu vực, thách thức vai trò và ảnh hưởng của Mỹ.

Rồng Trung Quốc giương vuốt ở Trung Đông: Vành đai, Con đường hồi sinh và thông điệp đanh thép gửi Mỹ - Ảnh 3.

Nhà vua Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Manama, Bahrain, ngày 29/3/2021 (Ảnh: Xinhua)

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông ngày càng tăng

Về thương mại, Trung Quốc phụ thuộc vào Trung Đông, đặc biệt về dầu mỏ. Trung Quốc hiện nay phải nhập khẩu khoảng 60% nhu cầu dầu mỏ để phục vụ cho nền kinh tế của mình, trong đó hơn 44% là từ Trung Đông, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất của Trung Đông.

Ả-rập Saudi là nước cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc. Sau Nga, Iraq trở thành quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 cho Trung Quốc. Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết: "Trung Quốc là đối tác chiến lược chính của chúng tôi trong dài hạn".

Các nước khu vực cũng cần hàng hóa của Trung Quốc. Chỉ riêng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước Ả Rập năm 2019 đã vượt 266 tỷ USD, và nếu tính cả Iran và Israel, con số này lên tới hơn 310 tỷ USD. Hiện nay, các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang xem xét cho phép Trung Quốc xây dựng một khu "Thương mại tự do" tại khu vực.

Tháng 7/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thăm cấp nhà nước tới UAE, nhấn mạnh tầm quan trọng của UAE và khu vực nói chung đối với lợi ích của Trung Quốc. Khoảng 60% hàng xuất khẩu của Trung Quốc trị giá hơn 70 tỷ USD sang Trung Đông là thông qua UAE.

Về đầu tư, Trung Quốc hiện nay là nguồn đầu tư ngoài khu vực lớn nhất và có nhiều dự án xây dựng nhất ở Trung Đông, dựa vào lực lượng lao động dồi dào và công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Theo số liệu của Trung Quốc, giá trị các hợp đồng đầu tư và xây dựng hàng năm của Trung Quốc ở Trung Đông và Bắc Phi đã tăng từ 2 tỷ USD năm 2005 lên hơn 25 tỷ USD năm 2018.

Ngoài các nước Ả Rập, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào Israel. Kể từ năm 2011 đến nay, Trung Quốc đã đầu tư vào Israel các dự án với tổng giá trị lên tới 15 tỷ USD. Trong số các dự án này, phải kể đến thỏa thuận cho phép Trung Quốc đầu tư xây dựng và vận hành cảng Haifa lớn nhất của Israel trong vòng 25 năm và sử dụng công nghệ 5G của tập đoàn Huawei bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Chuyến thăm của Quốc vương Salman của Ả Rập Saudi tới Trung Quốc tháng 3/2017 đã cho phép Bắc Kinh tham gia vào chương trình "Tầm nhìn 2030" của Vương quốc về phát triển kinh tế. Ngày 21/1/2016, tại trụ sở Liên đoàn Ả Rập (AL) ở Cairo, ông Tập Cận Bình đã công bố tầm nhìn của mình về vai trò chính trị và chiến lược của Trung Quốc ở Trung Đông.

Về quân sự, Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực và trở thành một trong các nhà cung cấp vũ khí quan trọng và lớn nhất cho các nước Trung Đông và Bắc Phi. Trong hơn một thập kỷ qua, hải quân Trung Quốc hiện diện thường xuyên trên vùng Biển Ả Rập.

Năm 2017, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động căn cứ quân sự thường trực đầu tiên của mình ở nước ngoài tại Djibouti, cho phép hạm đội hải quân của Bắc Kinh hiện diện lâu dài ở Tây Ấn Độ Dương và Đông Địa Trung Hải.

Về chính trị, ngoài quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính, Trung Quốc cũng đã đầu tư chính trị đáng kể vào việc phát triển và đa dạng hóa các mối quan hệ của mình, đặc biệt là với các nước có vai trò quan trọng ở khu vực như Ai Cập, Ả Rập Saudi, UAE, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong chuyến thăm tháng 3, ông Vương Nghị đã đưa ra sáng kiến 5 điểm về an ninh và ổn định nhằm giải quyết các vấn đề khu vực nổi cộm của khu vực Trung Đông, trong đó có cuộc xung đột Israel - Palestine, vấn đề hạt nhân Iran, cuộc khủng hoảng Syria, Yemen và Libya. Lần đầu tiên, Trung Quốc đề nghị đăng cai các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine tại Bắc Kinh.

Chuyển thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gửi đi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ tới Mỹ, phương Tây và các nước khu vực về vai trò không thể thiếu của Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề Trung Đông và chính sách cấm vận, cô lập Trung Quốc đang trên đường thất bại.

Sáng kiến 5 điểm của Trung Quốc về an ninh và ổn định ở Trung Đông

Thứ nhất, tôn trọng lẫn nhau. Các đặc điểm, mô hình và con đường phát triển của Trung Đông cần phải được tôn trọng. Coi các nước Trung Đông là đối tác hợp tác, phát triển và hòa bình, thay vì cạnh tranh địa - chính trị. Thúc đẩy các nước khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực Syria, Yemen và Libya. Tăng cường đối thoại và trao đổi giữa các nền văn minh để đạt được sự chung sống hòa bình của tất cả các sắc tộc ở Trung Đông. Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò xây dựng của mình để đạt được mục tiêu này.

Thứ hai, đề cao công bằng và công lý. Giải pháp hai nhà nước là cơ sở hợp lý nhất để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Trung Quốc ủng hộ các cố gắng trung gian hòa giải tích cực của cộng đồng quốc tế hướng tới mục tiêu này và tổ chức một hội nghị quốc tế có thẩm quyền về vấn đề này khi các điều kiện chín muồi. Trung Quốc hoan nghênh các đại diện của Palestine và Israel đến Trung Quốc đàm phán trực tiếp.

Thứ ba, không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các bên liên quan cần hợp tác cùng nhau trong các hành động cụ thể, đồng thời thảo luận và xây dựng lộ trình và khung thời gian để Mỹ và Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran để Iran tiếp tục tuân thủ các cam kết của mình. Cộng đồng quốc tế cần ủng hộ các nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm thiết lập một Trung Đông không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Thứ tư, giữ gìn an ninh tập thể. Các mối quan tâm chính đáng của tất cả các bên cần được đáp ứng. Khuyến khích đối thoại và tham vấn bình đẳng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và cải thiện quan hệ giữa các nước vùng Vịnh. Kiên quyết chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Trung Quốc đề nghị tổ chức tại Trung Quốc một cuộc đối thoại đa phương về an ninh khu vực Vịnh Ba Tư để thăm dò khả năng thiết lập một cơ chế tin cậy ở Trung Đông, bắt đầu từ các chủ đề như đảm bảo an toàn cho các cơ sở dầu khí và các tuyến đường hàng hải, từng bước xây dựng một khuôn khổ an ninh tập thể, toàn diện, hợp tác và bền vững ở khu vực.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác phát triển. Tăng cường hợp tác đánh bại Covid-19 để sớm phục hồi kinh tế. Giúp đỡ các nước tái thiết sau xung đột, hỗ trợ các nước sản xuất dầu mỏ đa dạng hóa nền kinh tế và các nước Trung Đông khác phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên của mình. Trung Quốc tiếp tục tổ chức Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Ả Rập và Diễn đàn An ninh Trung Đông nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản trị với các nước Trung Đông.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên