Rót vốn cùng thời điểm với SMBC, một quỹ ngoại vừa bán sạch hàng chục triệu cổ phiếu Eximbank sau 14 năm đầu tư
Cùng với SMBC, quỹ đầu tư này đã rót vốn vào Eximbank từ năm 2008, nắm giữ 5% cổ phần ngân hàng khi đó. Sau 14 năm, dù VND bị mất giá, khoản đầu tư này vẫn có thể mang lại lợi nhuận tích cực khi quy đổi sang USD.
- 21-03-2022SMBC: Các cuộc thảo luận liên quan đến 15% vốn cổ phần Eximbank đang được tiến hành
- 14-02-2022Eximbank họp cổ đông ngày 15/2: Quyết định ''chia tay'' SMBC có tạo ra chuyển biến?
- 08-02-2022Ròng rã 14 năm làm cổ đông, khoản đầu tư của SMBC và VinaCapital vào Eximbank thua xa gửi tiết kiệm?
Trong báo cáo mới công bố gần đây, VOF Investment Limited (VOF) - một quỹ đầu tư của VinaCapital - cho biết đã bán ra toàn bộ số cổ phần EIB tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vào đầu tháng 3. Tính đến ngày 28/2, giá trị cổ phiếu Eximbank chiếm 6,4% NAV - lớn thứ ba trong danh mục đầu tư của VOF.
Trong nửa đầu tháng 3, cổ phiếu EIB đã bật tăng mạnh mẽ và xác lập mức cao nhất lịch sử tại 37.500 đồng.
Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục VOF vào cuối tháng 2
Được biết, VOF từng nắm giữ khoảng 61 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 4,93% vốn điều lệ của Eximbank.
Cùng với SMBC, VOF đã rót vốn vào Eximbank từ năm 2008, nắm giữ 5% cổ phần ngân hàng khi đó. Sau 14 năm, dù VND đã giảm giá từ 16.000 đồng/USD xuống còn 23.000 đồng/USD, khoản đầu tư này vẫn có thể mang lại lợi nhuận tích cực cho VOF khi quy đổi sang USD.
Tính đến ngày cuối tháng 2, giá trị tài sản ròng ước tính (NAV) của VOF là gần 1,427 tỉ USD, trong đó nhóm tài chính ngân hàng chiếm 21,4% danh mục.
Cùng với VOF, SMBC cũng đang có những động thái cho thấy khả năng thoái vốn tại Eximbank. Theo đó, ngày 18/3/2022, định chế tài chính đến từ Nhật Bản đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
Eximbank và SMBC đã tham gia vào liên minh chiến lược từ năm 2007, và sau đó SMBC đã mua lại 15% vốn cổ phần của ngân hàng. Cả hai đã tham gia hợp tác trong nhiều hoạt động tại Việt Nam. "Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng trong môi trường kinh doanh đã dẫn đến việc cả 2 bên đồng ý ngưng liên minh", SMBC cho biết.
SMBC hiện sở hữu hơn 185,3 triệu cổ phiếu EIB, chiếm 15,07% vốn cổ phần ngân hàng. "Các cuộc thảo luận liên quan đến tương lai của số cổ phiếu trên đang được tiến hành. Hiện chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra ở thời điểm này", thông cáo viết.
Theo đó, 2 bên sẽ dừng hợp tác kinh doanh ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam, chấm dứt việc cùng hỗ trợ các khách hàng Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, việc hợp tác phát triển tài trợ thương mại, hỗ trợ kỹ thuật cho Eximbank.
Trước đó, hồi đầu tháng 2, Eximbank cũng đã thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh với cổ đông Nhật Bản SMBC.
Tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 15/2, Cựu Chủ tịch Eximbank – ông Yasuhiro Saitoh cho biết SMBC đã giảm bớt lượng nhân viên biệt phái từ đầu năm nay và đã chấm dứt thỏa thuận liên minh, không còn là cổ đông chiến lược từ đầu năm 2021. Tuy nhiên đơn vị này vẫn còn năm giữ 15% vốn và sẽ tiếp tục là cổ đông Eximbank trong thời gian tới.
Dù chấm dứt liên minh với Eximbank, định chế tài chính này vẫn tiếp tục nâng cao hơn nữa chiến lược phát triển tại Việt Nam, không chỉ thông qua các chi nhánh hiện tại của tổ chức này tại Hà Nội, TP.HCM mà còn thông qua việc hợp tác với VPBank SMBC Finance (FE Credit).
Năm 2021, SMBC đã mua 49% vốn của công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu Việt Nam FECredit. Thương vụ này có giá trị lên tới 150 tỷ yên, tương đương 1,26 tỷ USD.
Việc SMBC chấm dứt liên minh với Eximbank khiến thị trường đồn đoán nhà đầu tư Nhật Bản cũng sẽ thoái 15% vốn tại Eximbank để mở đường rót vốn vào VPBank - nhất là sau khi mối quan hệ 2 bên trở lên gắn bó sau thương vụ FE Credit. Sự kỳ vọng này càng được củng cố khi VPBank đã chốt room ngoại ở mức 17,5% để chuẩn bị phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, và lãnh đạo VPBank cũng nhiều lần chia sẻ SMBC là đối tác tiềm năng.
Trí Thức Trẻ