Royal Oak - thiết kế thay đổi ngành đồng hồ đương đại thế giới
Sự xuất hiện lần đầu tiên của Audemars Piguet Royal Oak được ví như cơn địa chấn thay đổi chuẩn mực thế giới đồng hồ, tạo ảnh hưởng cho tới ngày nay.
Cuộc khủng hoảng Quarzt đầu thập niên 70 từng thổi bay ngành công nghiệp đồng hồ cơ khí Thuỵ Sĩ đã khiến hầu hết nhà máy danh tiếng phải thu nhỏ, tháo dỡ và bỏ đi các dụng cụ chế tác. Audemars Piguet cũng không nằm ngoài tình thế này khi lượng đồng hồ xuất xưởng của hãng giảm chỉ còn 6.000 chiếc mỗi năm.
Năm 1962, các thương hiệu đồng hồ dẫn đầu Thụy Sĩ đã tập hợp để thành lập Trung tâm Electronique Horloger (CEH) ở Neuchâtel nhằm nghiên cứu và sản xuất bộ máy quartz hiệu quả, đáng tin cậy, độ chính xác cao cho thế hệ sản xuất đồng hồ tiếp theo.
Tuy nhiên, đứng trước áp lực thảm khốc, giám đốc điều hành bấy giờ của Audemars Piguet – ông Georges Golay cho rằng chuyển hướng sang nền công nghiệp Quartz không phải giải pháp lý tưởng và quyết định tìm hướng đi riêng.
Audemars Piguet Royal Oak trong bản vẽ đầu tiên của Gerald Genta.
Câu chuyện bắt đầu năm 1971, khi nhà phân phối Audemars Piguet tại Italy, Carlo de Marchi đến gặp Golay để đưa ý tưởng tạo nên một phiên bản dành riêng cho thị trường Italy. Một thứ gì đó đột phá và chinh phục được các tay chơi ở đây. Người nổi tiếng nhất thời đó là Gianni Agnelli, một biểu tượng công tử Italy chính hiệu, gia đình sở hữu tập đoàn Fiat danh tiếng với những Alfa Romeo, Ferrari và câu lạc bộ Juventus. Agnelli được xem là người đàn ông giàu nhất lịch sử hiện đại của Italy và là một trong những biểu tượng của thế kỉ XX.
Bài toán được đưa ra và Golay cho rằng đó phải là một chiếc đồng hồ mới, có thiết kế đặc biệt, có khả năng kết nối giá trị của thương hiệu với thế hệ mới. Ngay lập tức, cái tên hiện lên trong đầu ông là Gerald Genta.
Audemars Piguet Royal Oak nhanh chóng trở thành biểu tượng của ngành đồng hồ thế giới.
Genta nhận cuộc gọi từ Golay chỉ một đêm trước triển lãm Basel Watch Fair năm 1971 để giới thiệu chiếc đồng hồ tới công chúng.
Vùi đầu suốt một đêm, Genta đã phác thảo ra bản vẽ của chiếc đồng hồ theo yêu cầu. Cảm hứng của ông xuất phát từ hình ảnh người thợ lặn làm việc tại hồ Geneva, cụ thể là cách chiếc mũ lặn được gắn vào bộ quần áo của anh ta.
Từ chiếc mũ lặn, ý tưởng vụt sáng trong đầu Genta về chiếc đồng hồ thép mang thiết kế bát giác ở viền bezel, ghép nối lại bằng các con vít xuyên qua bộ vỏ, cố định bởi các con ốc ở mặt sau đồng hồ. Cùng với đó là mặt số hoạ tiết "Petit tapisserie" màu xanh truyền thống của nhà Audemars Piguet và bộ dây đeo bằng thép được làm giảm kích thước từ tai đồng hồ đến móc cài. Bên cạnh đó, với kích thước 39mm, Royal Oak là một chiếc đồng hồ quá khổ nên được gọi bằng cái tên "Jumbo". Chính những đặc điểm khác biệt của Royal Oak thời điểm đó lại là điều phổ biến trong ngành chế tác đồng hồ ngày nay.
Tên gọi của chiếc đồng hồ cũng là một điển tích thú vị khi được đặt theo tên của loạt tám chiếc tàu của Hải quân Hoàng Gia Anh (vòng bezel cũng được thiết kế hình bát giác). Nguồn gốc của "Royal Oak" là tên của một cây sồi cổ thụ rỗng ruột mà Vua Charles đệ Nhị của Anh từng ẩn náu trong trận Roundheads thời chiến tranh vùng Worcester năm 1651.
Những đặc điểm khác biệt của Royal Oak thời điểm đó lại trở nên phổ biến trong ngành chế tác đồng hồ ngày nay.
Khi ra mắt năm 1972, Royal Oak đã nhận không ít chỉ trích. Đây là chiếc đồng hồ thể thao đầu tiên có bộ vỏ bằng thép không gỉ, thoát khỏi khuôn mẫu của những chiếc đồng hồ đeo tay thịnh hành lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Audemars Piguet đã xử lý vật liệu này giống như vàng. Quá trình xử lý và hoàn thiện vật liệu này gặp không ít khó khăn bởi thép là kim loại không bền, dễ trầy xước. Nếu nhìn cận vào bề mặt của Royal Oak, chiếc đồng hồ là sự xen kẽ và tương phản của những góc vát được đánh bóng satin và những đường xước căn chỉnh, tất cả tạo nên một chiếc đồng hồ sống động trên cổ tay.
Bộ chuyển động của Royal Oak là cỗ máy tự động siêu mỏng nhẹ Calibre 2121 mang kích thước nhỏ gọn 3,05mm. Cỗ máy này được phát triển từ Calibre 2120 – một dự án thiết kế bộ máy tự động siêu mỏng của Jaeger Le-Coultre được tài trợ và giúp đỡ từ Audemars Piguet, Patek Philippe và Vacheron Constantin.
Ở thời điểm ra mắt, mức giá 3.750 Franc Thụy Sĩ khi đó đã khiến Royal Oak trở thành chiếc đồng hồ thép đắt nhất, cũng là lý do giới chuyên môn hoài nghi về thành công của chúng. Tuy nhiên, sự hấp dẫn về thiết kế của Royal Oak và chất lượng của chiếc đồng hồ là không thể phủ nhận.
Khoảng vài năm sau khi ra mắt, chiếc Royal Oak đã xuất hiện trên cổ tay của tay chơi tư bản trong ngành công nghiệp mà thương hiệu hướng đến, Gianni Agnelli. Tiếp đó, mẫu đồng hồ lần lượt được hoàng tử Michael xứ Kent và đức vua Juan Carlos của Tây Ban Nha lựa chọn. Hơn 40 năm qua, Royak Oak luôn là át chủ bài của Audemars Piguet, được biến thể thêm nhiều phiên bản trong những vật liệu khác nhau như Plantinum, Titanium, Ceramics… cùng những tính năng phức tạp.
Royal Oak Tourbillon Extra-thin
Năm 1986, Audemars Piguet cho ra mắt chiếc đồng hồ Tourbillon mỏng nhất thế giới với độ dày vỏ chỉ 5,5mm, lồng tourbillon được làm từ hợp kim Titanium. Đây cũng là chiếc đồng hồ đầu tiên trên thế giới có hệ thống Tourbillon mang ra mặt trước đồng hồ.
Kể từ đó, Audemars Piguet mở đầu xu hướng phô trương cấu tạo hệ thống Tourbillon của ngành chế tác đồng hồ. Gần 30 năm sau, Audemars Piguet tiếp tục ra mắt chiếc Royal Oak Tourbillon Extra-thin, một di sản của của chiếc Tourbillon đầu tiên, kế thừa thiết kế kinh điển Royal Oak.
Thêm vào Tourbillon là một thách thức vì cỗ máy cần mỏng gọn để nằm vừa trong bộ vỏ 9mm. Cỗ máy Calibre 2924 có khả năng dự trữ năng lượng tới 70 giờ với cấu thành từ 216 chi tiết, được hoàn thiện bằng tay chỉ vỏn vẹn 4,46mm nằm trong tổng hoà độ của bộ vỏ. Điều này cũng khiến nó trở thành một trong những chiếc đồng hồ Tourbillon mỏng nhất thị trường, được thiết kế và chế tạo nhằm dung hòa giữa sự tinh tế và ổn định.
Royal Oak Quartz
Vào năm 2017, nhà sản xuất đã giới thiệu một phiên bản Royal Oak Quartz được tạo nên từ kĩ nghệ nạm đá quý, được giới thiệu năm 2017. Thay vì cách làm phổ biến là nạm theo hàng lối san sát và ngay ngắn, Audemars Piguet theo đuổi cái đẹp của sự ngẫu nhiên, với những viên kim cương rải rác trên mặt, vỏ, bezel và dây đeo, giống như những đợt sóng bất đối xứng.
Audemars Piguet Royal Oak Random Set Diamonds
Kích cỡ vừa vặn 33mm cùng độ dày chỉ 7mm, toàn bộ bằng vàng 18k xử lý đánh phay với tông màu thanh lịch nạm tất cả 429 viên kim cương, tương đương 2,56 carat. Riêng phần mặt đồng hồ là bức hoạ hình thành từ 112 viên kim cương, tương đương 0,67 carat.
Audemars Piguet Royal Oak Quartz 33mm phiên bản vàng hồng.
Kiến trúc thanh mảnh của Royal Oak 33mm còn xuất hiện trong phiên bản hai tông thép và vàng hồng 18k, tạo thành "bữa tiệc" ánh sáng đẹp mắt, ôm lấy mặt đồng hồ hoạ tiết Grande Tapisserie kết hợp cùng sự quyến rũ của viền bezel nạm 40 viên kim cương càng tôn vinh nét quyến rũ, khó cạnh tranh của Royal Oak.
Royal Oak Selfwinding 34mm
Audemars Piguet cũng lần đầu đánh dấu kích thước 34mm cho thiết kế Royal Oak Selfwinding.
Mẫu đồng hồ là lựa chọn phù hợp cho các quý cô có nhu cầu tăng size, đặc biệt là những người từng phân vân giữa dòng 33mm quá nhỏ và dòng 37mm cỡ trung. Phiên bản hứa hẹn là thỏi nam châm thu hút phái nữ bởi cỗ máy cơ tự động chưa từng xuất hiện trong các phiên bản Royal Oak nữ. Đối với phái mạnh, Royal Oak 34mm có thể phục vụ những người có cổ tay nhỏ hoặc ưa kích thước nhỏ gọn.
Audemars Piguet by The Hour Glass S&S
Union Square Shopping Centre, 171 Đồng Khởi, Quận 1, HCM
Hotline: 0283 620 8787
Giờ mở cửa: 9:00 – 22:00 từ thứ Hai đến Chủ Nhật