Rủi ro biến động tỷ giá của doanh nghiệp nhập khẩu và vay bằng USD có thể được "chống đỡ" bằng các công cụ tài chính nào?
Trong điều kiện thị trường không có quá nhiều biến động về tỷ giá, việc "dự phòng" bằng các công cụ tài chính không quá quan trọng. Nhưng trong điều kiện tỷ giá "leo dốc" như từ đầu năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hay vay bằng USD đã phải chịu cảnh chi phí giá vốn tăng hoặc lãi vay "đắt" lên tương đối.
- 08-11-2022Giá USD đắt đỏ, cả doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu đều lo ngại
- 28-10-2022Tỷ giá tăng cao, doanh nghiệp nhập khẩu căng mình gánh lỗ
- 22-10-2022Bộ trưởng Công Thương kiểm tra tổng kho xăng dầu, lộ nhiều doanh nghiệp không nhập khẩu
- 21-10-2022Nhiều doanh nghiệp không được phép nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính nói gì?
Trong tình hình diễn biến tỷ giá như hiện nay, các doanh nghiệp sử dụng được các công cụ tài chính phái sinh sẽ giảm bớt thiệt hại tài chính cho doanh nghiệp hơn.
Các công cụ tài chính phái sinh bao gồm hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hoán đổi quyền chọn. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi nói đến hợp đồng kỳ hạn - loại hợp đồng đầu tiên với những lý luận cơ bản nhất làm tiền đề cho các loại hợp đồng còn lại.
Hợp đồng kỳ hạn - công cụ hữu hiệu quản lý rủi ro
Nông sản là một ngành có giá cả phụ thuộc nhiều vào biến số thời tiết. Trong trường hợp tất cả các yếu tố vĩ mô, thị hiếu,.. của thị trường ổn định, thì việc được mùa hay mất mùa sẽ tác động trực tiếp đến cung sản phẩm và quyết định giá cả.
Được mùa rớt giá và mất mùa được giá, đó là hai chiều vận động lâu nay của các mặt hàng nông sản.
Tại thủ phủ cà phê Đăk Lăk, người nông dân và nhà xuất khẩu cà phê cùng lúc gặp vấn đề với biến động khôn lường của giá cà phê.
Nếu thời tiết tốt, cho năng suất cao, giá cà phê thị trường thế giới giảm, giá cà phê trong nước giảm theo, người nông dân trồng cà phê bị thiệt hại.
Ngược lại, nếu thời tiết không tốt, giá cà phê thị trường thế giới tăng, giá cà phê trong nước tăng theo, các nhà xuất khẩu cà phê khó khăn khi thu mua cà phê của nông dân.
Vấn đề này có thể được giải quyết bằng hợp đồng kỳ hạn.
Hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng mua hay bán một số lượng nhất định đơn vị tài sản cơ sở ở một thời điểm xác định trong tương lai theo một mức giá xác định ngay tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng.
Thời điểm xác định trong tương lai gọi là ngày thanh toán hợp đồng hay ngày đáo hạn. Thời gian từ khi ký hợp đồng đến ngày thanh toán gọi là kỳ hạn của hợp đồng. Giá xác định áp dụng trong ngày thanh toán hợp đồng gọi là giá kỳ hạn.
Tại thời điểm ký kết hợp đồng kỳ hạn, không hề có sự trao đổi tài sản hay thanh toán tiền. Hoạt động thanh toán xảy ra trong tương lai tại thời điểm xác định trong hợp đồng. Vào lúc đó, hai bên thoả thuận hợp đồng buộc phải thực hiện nghĩa vụ mua bán theo mức giá đã xác định, bất chấp giá thị trường lúc đó là bao nhiêu đi nữa.
Công ty A, chuyên xuất khẩu cà phê, ngay từ đầu vụ đã lên kế hoạch, thương lượng và ký kết hợp đồng mua cà phê kỳ hạn với nông dân. Lấy ví dụ công ty A ký hợp đồng kỳ hạn 6 tháng mua của ông B 20 tấn cà phê với giá là 15 triệu đồng/tấn .
Đến hẹn, ông B phải bán cho công ty A đủ số lượng 20 tấn cà phê với giá thỏa thuận trước là 15 triệu đồng/tấn và công ty A bắt buộc phải mua 20 tấn cà phê của ông B với giá đó, bất chấp giá cà phê trên thị trường lúc đó là bao nhiêu đi chăng nữa.
Với giá thỏa thuận biết trước và cố định, cả bên A và B đều có được sự ổn định khi đã tính toán trước được dòng tiền, không phải lo lắng về sự biến động giá cả trên thị trường.
Giao dịch ngoại tệ kỳ hạn
Cùng với bản chất như trên, để phòng ngừa rủi ro biến động với tỷ giá cho các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu mà thị trường tài chính có các giao dịch ngoại tệ kỳ hạn (forward). Đây là giao dịch mua hoặc bán ngoại tệ mà việc chuyển giao ngoại tệ được thực hiện sau một thời hạn nhất định kể từ khi thỏa thuận hợp đồng.
Loại giao dịch này xuất hiện để cung cấp phương tiện phòng ngừa rủi ro hối đoái, tức là rủi ro phát sinh do sự biến động bất thường của tỷ giá gây ra.
Hợp đồng kỳ hạn được sử dụng để cố định khoản thu nhập hay chi trả theo một tỷ giá cố định đã biết trước, bất chấp sự biến động tỷ giá trên thị trường.
Tham gia giao dịch kỳ hạn chủ yếu là các ngân hàng thương mại, các công ty đa quốc gia, các nhà đầu tư trên thị trường tài chính quốc tế và các công ty xuất nhập khẩu, tức là những người mà hoạt động của họ thường xuyên chịu ảnh hưởng một cách đáng kể bởi sự biến động của tỷ giá.
Ví dụ, công ty X có một hợp đồng xuất khẩu trị giá 100.000 USD ba tháng sau sẽ đến hạn thanh toán. Giả sử thị trường ngoại hối thả nổi và tỷ giá USD/VND ba tháng nữa như thế nào không ai có thể đoán được. Nếu USD lên giá so với VND thì tốt cho công ty X, nhưng ngược lại X sẽ bị thiệt hại.
Để tránh thiệt hại này, công ty X thoả thuận bán USD cho ngân hàng theo hợp đồng kỳ hạn. Ngân hàng mua USD của công ty X theo tỷ giá mua kỳ hạn được thoả thuận trước và cố định trong suốt thời hạn giao dịch. Nhờ vậy, X tránh được rủi ro tỷ giá.
Ngược lại với nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu lo sợ USD lên giá sẽ làm cho chi phí nhập khẩu tăng lên. Để tránh rủi ro tỷ giá, nhà nhập khẩu liên hệ và thoả thuận mua ngoại tệ kỳ hạn từ ngân hàng.
Ngân hàng sẽ bán số ngoại tệ kỳ hạn vừa mua của nhà xuất khẩu cho nhà nhập khẩu theo tỷ giá bán kỳ hạn. Tỷ giá này là tỷ giá được xác định trước và cố định trong suốt kỳ hạn giao dịch. Nhờ vậy, nhà nhập khẩu tránh được rủi ro tỷ giá do tỷ giá biến động.
Nhược điểm của hợp đồng kỳ hạn
Hợp đồng kỳ hạn được thiết kế như là một công cụ hữu hiệu để quản lý rủi ro. Thế nhưng do quá chú trọng đến công dụng quản lý rủi ro nên hợp đồng kỳ hạn đánh mất đi cơ hội kinh doanh hay đầu cơ.
Chẳng hạn, để quản lý rủi ro đồng USD tăng giá khi có hợp đồng nhập khẩu đến hạn thanh toán trong tương lai, doanh nghiệp có thể thoả thuận mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng với ngân hàng. Sau khi ký hợp đồng kỳ hạn, tỷ giá kỳ hạn USD/VND được xác định, giả sử là 24.000.
Năm tháng sau, tỷ giá giao ngay trên thị trường lên đến 24.200, doanh nghiệp thầm mừng vì thấy hợp đồng kỳ hạn của mình có lãi. Nhưng lãi ở đây chỉ là lãi “trong tính toán” chứ không hiện thực hóa vì lúc này hợp đồng kỳ hạn chưa đến hạn.
Đáng tiếc thay, khi hợp đồng đến hạn, tỷ giá giao ngay trên thị trường lại đổi khác và biết đâu chừng lúc ấy tỷ giá giao ngay lại xuống còn 23.900, nhỏ hơn tỷ giá kỳ hạn đã cam kết.
Nhưng vì lúc này hợp đồng kỳ hạn đã đến hạn và vì là hợp đồng bắt buộc nên doanh nghiệp phải mua ngoại tệ theo tỷ giá kỳ hạn 24.000 như đã cam kết trong hợp đồng kỳ hạn.
Đây là hạn chế lớn của hợp đồng kỳ hạn. Nhược điểm này có thể tránh được nếu doanh nghiệp sử dụng hợp đồng tương lai. Trên thực tế, hợp đồng kỳ hạn sẽ không được sử dụng nhiều như hợp đồng tương lai hay hợp đồng hoán đổi.
Nhịp sống thị trường