MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro khi cho vay thế chấp bằng cổ phiếu

Dường như ngân hàng/công ty chứng khoán đang tài trợ cho hai khoản vay bằng 1 tài sản vì nguồn hình thành giá trị cổ phần chính là tài sản.

Bài viết chia sẻ từ chị PHAN VÂN HÀ – Tổng giám đốc công ty thẩm định giá IVC, dựa trên kinh nghiệm thực tế về thẩm định các khoản cho vay của ngân hàng.

Giả sử: Một doanh nghiệp A có vốn chủ sở hữu là khoảng 200 tỷ đồng và tài sản là tòa nhà trị giá khoảng 200 tỷ đồng (bỏ qua các tài sản nhỏ không trọng yếu khác). Khi các cổ đông (chủ thể A) mang cổ phiếu của mình đi thế chấp để vay vốn và Công ty chứng khoán cho vay căn cứ vào việc định giá cổ phần. Sau đó doanh nghiệp (chủ thể B) lại mang tài sản là tòa nhà đi thế chấp vay vốn ngân hàng. Điều gì sẽ xảy ra?

Hẳn nhiên trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ và ngân hàng phải phát mại tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ thu được 1 tài sản là nhà còn giá trị cổ phiếu khi đó sẽ bằng 0. Công ty chứng khoán sẽ thiệt hại vì nguồn hình thành tài sản cổ phiếu chính là tòa nhà thì nay tòa nhà đã thuộc sở hữu của bên khác mà không còn thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

Trường hợp này, ngạc nhiên là rất phổ biến trên thị trường hiện nay. Nó không sai luật, đứng ở góc độ pháp lý thì việc sở hữu Tài sản hay Cổ phần của chủ sở hữu là hoàn toàn hợp pháp và khi họ mang tài sản của mình (là tài sản hoặc là cổ phần) đi thế chấp vay vốn thì cũng hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên nhìn ở góc độ rủi ro về cho vay thì lại thấy rằng dường như ngân hàng/công ty chứng khoán đang tài trợ cho hai khoản vay bằng 1 tài sản vì nguồn hình thành giá trị cổ phần chính là tài sản.

Trong phần lớn hệ thống xét duyệt margin hay cầm cố của công ty chứng khoán, hay thậm chí là cả ngân hàng, thường chỉ chú trọng vào thanh khoản cổ phiếu, lợi nhuận hàng năm và vài chỉ số cơ bản. Đôi khi vì áp lực cạnh tranh với các bên cung cấp khác mà chấp nhận cho vay cổ phiếu với tỷ lệ cao hơn, mà bỏ qua phân tích chuyên sâu vào báo cáo tài chính.

Và rồi khi có rủi ro xuất hiện, tất cả cùng đồng loạt cắt margin cổ phiếu, đẩy nhiều trường hợp buộc phải bán sàn liên tục trong nhiều phiên, gây thiệt hại cho nhà đầu tư nhỏ lẻ và chính công ty. Những lỗ hổng về việc cho vay như phân tích trên đây sẽ cần phải được xem xét cẩn trọng hơn, để tránh gây rủi ro cho tất cả các bên tham gia thị trường.

Phan Vân Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên