Rủi ro tỉ giá USD/VNĐ tăng, cần linh hoạt để ứng phó
Theo các chuyên gia, áp lực tỉ giá USD/VNĐ đang tăng lên sau động thái Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt để ứng phó phù hợp.
- 15-05-2019Chuyên gia HSBC Việt Nam: Doanh nghiệp cần chủ động trong phòng vệ rủi ro tỷ giá
- 15-05-2019BVSC: Tỷ giá leo thang, cách nào để ổn định?
- 14-05-2019Rủi ro với tỷ giá đang tăng lên
Ngày 16-5, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.056 đồng/USD, giảm 8 đồng/USD so với ngày trước. Ở các NH thương mại, giá USD liên tục biến động, tăng mạnh trong buổi sáng lên mức 23.450 đồng/USD (chiều bán ra) rồi hạ nhiệt xuống vùng 23.370 đồng/USD vào buổi chiều.
Tỉ giá USD/VNĐ đang có đợt biến động mạnh nhất kể từ đầu năm, theo các chuyên gia, có phần ảnh hưởng đáng kể từ những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trao đổi bên lề hội thảo "Cải cách hành chính ngành NH: Doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong giao dịch NH", tại TP HCM sáng 16-5, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận xét thương chiến Mỹ - Trung đã tạo ra những lo ngại, trong đó có động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mới đây. Đặc biệt với những nước có kim ngạch thương mại lớn với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
"Trong bối cảnh này, Việt Nam sẽ làm gì, có giảm giá VNĐ để ứng phó?" - TS Lê Xuân Nghĩa đặt câu hỏi.
Tỉ giá USD/VNĐ đang ở đợt tăng cao nhất kể từ đầu năm. Ảnh: Linh Anh
Ông phân tích và đưa ra những lập luận cho rằng thời điểm này, NHNN nên theo dõi sát diễn biến thị trường, cân nhắc linh hoạt điều chỉnh tỉ giá USD/VNĐ phù hợp thị trường bởi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn. Nếu các nước cũng phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu như Trung Quốc có thể tạo ra một cuộc chạy đua mà nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ toàn cầu.
Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, khoảng 2 năm nay, NHNN ngày càng tỏ ra chuyên nghiệp hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Và kinh tế vĩ mô ổn định phụ thuộc rất lớn vào chính sách điều hành của NHNN và tính ổn định của các NH thương mại. Nếu chính sách tiền tệ và các NH thương mại không vững sẽ rất khó khăn.
"Phải lấy ổn định làm trọng để ứng phó với những bất ổn hiện nay. Trên đà ổn định đó, lựa chọn những gì phải linh hoạt ở thời điểm cần thiết cho tỉ giá. Và để cho nền tảng ổn định, việc quan trọng nhất là phải kiểm soát được cơ sở tiền tệ, lãi suất và linh hoạt tuỳ thời điểm với tỉ giá" – ông Nghĩa đề xuất.
Về phía các NH thương mại, các chuyên gia cho rằng để ứng phó trong bối cảnh hiện nay khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang, các NH cần phải rà soát lại tín dụng, đặc biệt là những khách hàng lớn nhất về cho vay để đánh giá lại toàn bộ tình hình tài chính của họ trong ngắn, trung, dài để có lựa chọn...
Về những biến động tỉ giá gần đây, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết rất nhiều người quan tâm bởi ổn định tỉ giá, lãi suất là vấn đề rất quan trọng của vĩ mô. Tâm lý thị trường rất quan trọng nên không thể để tỉ giá biến động mạnh như trước đây và mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, giá điện tăng, xăng tăng liệu chỉ số giá tiêu dùng có giữ được mục tiêu đã đặt ra, tín dụng kiểm soát ở mức 14% có phù hợp?... Đặt trong bối cảnh biến động của đồng nhân dân tệ, tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến NHNN phải cân nhắc kỹ khi điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Liên quan đến chủ đề hội thảo "Cải cách hành chính ngành NH: Doanh nghiêp và người dân thuận lợi trong giao dịch NH", Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết cải cách hành chính ngành NH luôn lấy là người dân và doanh nghiệp làm chủ điểm.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, dịch vụ NH dễ dàng, thời gian qua, các NH thương mại đã cải cách hành chính theo hình thức 1 cửa quy trình gửi tiết kiệm, dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và dịch vụ thanh toán khác… nhằm giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin đầy đủ tới các khách hàng.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, các NH vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại đưa ra sản phẩm tiện ích đa dạng và đề xuất, tham mưu cho NHNN nhằm tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ NH, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn.
Dưới góc độ NH thương mại, bà Võ Thị Tuyết Nga, Phó tổng giám đốc Nam A Bank, cho biết trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, Nam A Bank đã triển khai cơ chế thúc đẩy và trao quyền cho nhân viên NH tham gia vào quá trình ra quyết định khi tương tác nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Bởi NH có cơ chế hoạt động đặc thù được điều chỉnh bởi luật các tổ chức tín dụng và sự giám sát chặt chẽ của NHNN, nên các NH vừa phải tuân thủ quy định vừa linh hoạt điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế.
Người lao động