Rùng mình với món hải sản đóng hộp "nhung nhúc" vi khuẩn, bốc mùi hôi thối: Bác sĩ cảnh báo rủi ro, nhiều người vẫn ăn mà không biết hiểm họa
Hải sản đóng hộp Trung Quốc là sản phẩm được rất nhiều người quan tâm, tuy nhiên liệu chúng có thực sự an toàn để thưởng thức?
- 28-09-2020Tử vong do ăn ốc lạ: BS khuyến cáo độc chất nguy hiểm, nấu chín không hết, gây nên 4 cấp độ ngộ độc hải sản
- 16-08-20204 loại thực phẩm có hàm lượng purin cao hơn hải sản, ăn càng nhiều càng dễ gây ra sỏi thận
- 20-06-2020Ăn hàu sống chưa làm sạch: một người đàn ông đã tử vong do nhiễm vi khuẩn ký sinh trong loài hải sản này
Hải sản đóng hộp mùi "thum thủm", chứa nhiều vi khuẩn được rao bán tràn lan
Thời gian gần đây, có một món ăn đang gây "bão" trên mạng xã hội đó chính là hải sản đóng hộp. Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm đơn giản, bạn dễ dàng tìm thấy hàng chục sản phẩm với hình ảnh vô cùng hấp dẫn, bao bì đóng gói sạch sẽ và hơn hết là giá thành vô cùng hợp lý, chỉ từ 25 - 100 nghìn đồng cho một hộp bạch tuộc, mực trứng cho đến bào ngư.
Trong khi hải sản đóng hộp Trung Quốc đang gây "sốt", thì mới đây cộng đồng mạng như ngã ngửa khi một tài khoản Tik Tok nổi tiếng đã review chi tiết về một trong số những món ăn này.
Với món tôm hùm đất đóng hộp, chủ tài khoản nhận xét thịt tôm thâm đen và bở. Với món bào ngư đóng hộp, người này cho biết bào ngư rất nhỏ so với hình ảnh quảng cáo, chỉ to bằng hơn ngón tay cái một chút. Đồng thời món ăn này chứa rất nhiều dầu mỡ, bào ngư có màu nâu thâm đen, kém bắt mắt.
Khi review món hàu sữa Tứ Xuyên, người này thậm chí đã phải "buông xuôi" không dám ăn bởi vì vừa mở nắp hộp đã ngửi thấy mùi hắc, nồng, thậm chí còn có mùi "thum thủm", quan sát bằng mắt thấy thịt hàu thâm và cứng.
Review món hàu sữa Tứ Xuyên.
Chưa dừng lại ở đó, một tài khoản Tik Tok khác cũng đã thực hiện soi mực đóng hộp dưới kính hiển vi. Ở mức phóng đại 20x có thể thấy thịt mực khá bở. Ở mức phóng đại 100x, người soi phải thốt lên rằng "vi khuẩn nhiều một cách khủng khiếp". Thậm chí, ở mức phóng đại 2000x lần, còn phát hiện cả khuẩn que - loại khuẩn có xuất hiện ở video soi nước sông Tô Lịch.
Soi mực đóng hộp dưới kính hiển vi.
Ăn hải sản đóng hộp kém chất lượng, coi chừng tiền mất - tật mang
Để giải đáp các thắc mắc về việc tiêu thụ hải sản đóng hộp có thể gây hại hay không, chúng tôi đã liên hệ với ThS.BS Dương Quốc Phong (hiện đang công tác tại Bệnh viện Thống Nhất, giảng viên Khoa Y, Đại học Quốc Gia TP.HCM).
PV: Thưa bác sĩ, một số sản phẩm hải sản đóng hộp có hạn sử dụng lên đến 2 năm, liệu với thời gian dài như vậy thì có an toàn để sử dụng không?
Đóng hộp là phương pháp bảo quản thực phẩm trong thời gian dài bằng cách đóng gói trong hộp kín. Quá trình đóng hộp có thể thay đổi tùy theo sản phẩm, nhưng thường có ba bước chính. Bao gồm các bước:
- Xử lý: Thực phẩm được gọt vỏ, thái lát, băm nhỏ, hầm, rút xương hoặc nấu chín.
- Đóng gói: Thức ăn đã chế biến được đóng hộp kín.
- Làm nóng: Hộp thức ăn được làm nóng để tiêu diệt vi khuẩn có hại và ngăn ngừa sự hư hỏng. Quy trình này cho phép thực phẩm được bảo quản ổn định và an toàn để dùng trong 1–5 năm hoặc lâu hơn.
ThS.BS Dương Quốc Phong.
Chính vì thế, nếu như hải sản đóng hộp được xử lý các quy trình chế biến sạch sẽ, bảo quản đúng cách thì vẫn có thể sử dụng an toàn. Nhưng nếu hộp đã mở ra thì chỉ sử dụng được trong 2 tháng.
Hải sản tươi thì phải sử dụng trong ngày, còn nếu hải sản cấp đông đúng (<-20 độ C) thì có thể dùng trong 4-6 tháng.
PV: Với những loại hải sản đóng hộp không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng có thể phải đối diện với nguy cơ nào về sức khỏe?
Việc sử dụng các thực phẩm chưa được kiểm định về chất lượng, không có tem nhãn và nguồn gốc rõ ràng, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Thứ nhất, nó có thể chứa BPA (bisphenol-A), đây là một hóa chất thường được sử dụng trong bao bì thực phẩm, bao gồm cả đồ hộp. Các nghiên cứu cho thấy rằng BPA trong đồ hộp có thể di chuyển từ lớp lót của đồ hộp vào thực phẩm mà nó chứa đựng. Mặc dù các bằng chứng còn chưa đầy đủ, một số nghiên cứu cho thấy BPA có mối liên quan với các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, đái tháo đường type 2 và rối loạn chức năng tình dục nam giới.
Mặc dù rất hiếm nhưng hải sản đóng hộp không được chế biến đúng cách có thể chứa vi khuẩn nguy hiểm được gọi là Clostridium botulinum - tiết ra độc tố và gây bệnh uốn ván. Tiêu thụ đồ hộp bị nhiễm khuẩn có thể gây ngộ độc , một căn bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến tê liệt và tử vong nếu không được điều trị. Hầu hết các trường hợp ngộ độc đồ hộp đến từ thực phẩm không được đóng hộp đúng cách tại nhà.
Một số thực phẩm đóng hộp có thể chứa nhiều muối. Mặc dù điều này không gây nguy hiểm cho sức khỏe đối với hầu hết mọi người, nhưng nó có thể có vấn đề đối với một số người, chẳng hạn như những người bị huyết áp cao. Chúng cũng có thể chứa đường, có thể có tác hại. Lượng đường dư thừa có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm béo phì, bệnh tim và bệnh tiểu đường type 2. Các chất bảo quản tự nhiên hoặc hóa học khác có thể được thêm vào trong đồ hộp cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
PV: Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, chúng ta nên tiêu thụ hải sản như thế nào, có nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn hải sản đóng hộp ra khỏi chế độ ăn không, thưa bác sĩ?
Tôi nghĩ hải sản tươi là lựa chọn tốt nhất về giá trị dinh dưỡng cũng như độ an toàn.
Tuy nhiên, thực phẩm đóng hộp có thể là một lựa chọn khi không có sẵn thực phẩm tươi - đặc biệt trong mùa dịch. Chúng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết và vô cùng tiện lợi. Thực phẩm đóng hộp có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng điều quan trọng là phải đọc nhãn và lựa chọn phù hợp. Điều quan trọng khi sử dụng hải sản đóng hộp là phải đọc danh sách thành phần. Với người có nguy cơ bệnh tim mạch, hãy chọn loại "ít natri" hoặc "không thêm muối".
Đối với những loại hải sản đóng hộp chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, không thống nhất về hạn sử dụng, không công bố thành phần cụ thể, đặc biệt khi quan sát bằng mắt thường thấy không thơm ngon thì cần loại bỏ ngay và tốt nhất cũng không nên mua về ăn nữa kẻo "tiền mất, tật mang".
Trí thức trẻ