MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủng rỉnh 9.000 tỷ tiền mặt sau siêu chu kỳ hàng hoá, Hóa chất Đức Giang (DGC) tận dụng suy thoái bung sức mua sắm

21-04-2023 - 00:07 AM | Doanh nghiệp

Rủng rỉnh 9.000 tỷ tiền mặt sau siêu chu kỳ hàng hoá, Hóa chất Đức Giang (DGC) tận dụng suy thoái bung sức mua sắm

Lượng tiền mặt tích luỹ sau nhiều năm kinh doanh thành công tạo cho Đức Giang “lớp đệm vốn dày” đón các cơ hội đầu tư, mua bán sáp nhập trong tình hình kinh doanh được dự báo khó khăn trong năm 2023.

Đại hội cổ đông thường niên 2022 của CTCP Hóa chất Đức Giang (DGC) tổ chức tại hội trường lớn Dinh Độc Lập, mời O Sen (ca sĩ Ngọc Mai, người vừa giành quán quân The Mask Singer) hát gần một tiếng đồng hồ.

Chi tiết cho thấy sự phóng khoáng của Đức Giang là hội đồng quản trị quyết tăng tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt từ 30% lên 40% ngay trên bàn chủ toạ theo kiến nghị từ một cổ đông.

Với gần 380 triệu cổ phiếu đang lưu hành, việc tăng thêm 10% cổ tức tương đương bỏ ra gần 400 tỷ đồng tiền mặt. Điều này nâng tổng số tiền cổ tức Đức Giang trả cho cổ đông trong năm 2022 lên hơn 1.500 tỷ đồng. Hơn 40% số tiền này thuộc về các thành viên trong gia đình CEO Đào Hữu Duy Anh, tương ứng hơn 600 tỷ đồng.

Công ty này cũng vừa ra quyết định chi 635 tỷ đồng mua lại 100% cổ phần công ty Phốt Pho 6 trong quý 2. Công ty được mua lại đang sở hữu một lò phốt pho vàng với công suất 9.800 tấn/năm. Đây là thương vụ đầu tư thứ hai của DGC trong năm nay.

Trước đó, Hoá chất Đức Giang đã chi ra khoảng 135 tỷ đồng mua 51% cổ phần Ắc quy Tia Sáng (mã chứng khoán: TSB).

Đức Giang đang nổi lên là doanh nghiệp mua sắm mạnh bạo thời gian gần đây, với cơ sở là “hầu bao” rủng rỉnh. Tại thời điểm 31/12/2022, bảng cân đối kế toán của Đức Giang ghi nhận khoảng 9.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, chiếm 2/3 tổng tài sản của công ty.

Rủng rỉnh 9.000 tỷ tiền mặt sau siêu chu kỳ hàng hoá, Hóa chất Đức Giang (DGC) tận dụng suy thoái bung sức mua sắm - Ảnh 1.

Số liệu từ báo cáo tài chính

“Năm nay là cơ hội để chúng tôi mua sắm các tài sản giá rẻ”, anh Đào Hữu Duy Anh - tổng giám đốc Đức Giang nói với người viết trong cuộc trao đổi sau đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Bảng cân đối kế toán khoẻ mạnh, nhiều tiền đến từ những năm kinh doanh thăng hoa của Đức Giang, trong bối cảnh siêu chu kỳ hàng hoá đẩy giá bán các sản phẩm hoá chất của công ty lên cao.

Đỉnh điểm là vào năm ngoái, công ty đạt hơn 14.400 tỷ đồng doanh thu, và hơn 6.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mức kỷ lục. Vốn chủ sở hữu của Đức Giang tăng từ 3.451 tỷ đồng cuối năm 2019 lên mức 10.834 tỷ đồng vào cuối năm 2022, tức gấp hơn ba lần.

“Chúng tôi có nền tảng từ trước và tận dụng tốt giai đoạn nhu cầu thế giới tăng cao thúc đẩy giá bán”, tổng giám đốc Duy Anh chia sẻ.

Một trong những tín hiệu giúp cho vị lãnh đạo 8x sớm nhận ra cơ hội là việc khách hàng Trung Quốc bắt đầu hỏi hàng. Thông thường điều này ít khi xảy ra vì Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới. “Đến khi đơn hàng từ Trung Quốc dồn dập, chúng tôi biết thế giới đang rất thiếu phốt pho vàng”, anh Duy Anh nói.

Mặt khác, khi đại dịch Covid diễn ra, người dân ở nhà nhiều và họ chuyển sang làm việc từ xa, nhu cầu các thiết bị điện tử cũng tăng đột biến. Các khách hàng sản xuất thiết bị điện tử của Đức Giang bán hàng tốt hơn, dẫn đến họ chấp nhận mọi mức giá được đưa ra.

Phốt pho vàng, sản phẩm chính của Đức Giang, có ứng dụng đa dạng từ ngành hoá chất, chất chống cháy, phụ gia ngành nhựa, dùng trong các thiết bị điện tử, màn hình tinh thể lỏng, chất bôi trơn cho động cơ, cho đến sản xuất ô tô, máy bay… Đó là nguyên liệu cơ bản cho công nghiệp - sản xuất. Khi tiêu dùng tăng cao, nhu cầu phốt pho vàng cao và ngược lại.

Đó cũng là lý do khi suy thoái kinh tế xảy ra, Đức Giang cũng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đáng kể. Những chỉ báo đầu tiên đến từ việc Apple và Samsung, hai nhà sản xuất thiết bị điện tử - điện thoại lớn nhất thế giới tiến hành cắt giảm sản lượng từ cuối năm ngoái.

Tác động sẽ lan truyền từ ngành bán lẻ, sản xuất cho đến nhu cầu các nguyên liệu cơ bản. “ Nếu người ta không mua điện thoại, máy tính nữa, phốt pho vàng của chúng tôi cũng chẳng bán được đi đâu cả ”, tổng giám đốc Đức Giang nói.

Rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu phản ánh phần nào vào kế hoạch kinh doanh mà ban điều hành Đức Giang đặt ra cho năm 2023. Doanh thu hợp nhất dự kiến hơn 11.000 tỷ đồng, giảm 1/4; lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng, giảm nửa so với năm 2022. “Có những lúc bạn phải nằm im chờ thời. Năm nay công ty không lỗ là tốt rồi”, vị CEO 8x nói.

Việc kinh doanh có thể khó khăn, nhưng trong khó khăn cơ hội lại mở ra, nhất là với các doanh nghiệp nhiều tiền mặt.

“Khi nền kinh tế khó khăn, chính phủ có các chính sách thúc đẩy, đó là cơ hội tốt để đầu tư”, Duy Anh nói. Đức Giang có nguồn lực được tích luỹ, chờ bung ra. Mặt khác, việc các đơn vị trong ngành suy yếu cũng tạo điều kiện cho các thương vụ thâu tóm. “Chúng tôi chỉ nhắm vào các doanh nghiệp trong ngành, không tính đến các doanh nghiệp ngoài ngành. Quan điểm của tôi là một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, CEO Đức Giang chia sẻ.

Năm nay, Đức Giang chi 50 tỷ đồng cho việc hoàn thành nhà máy NPK Đăk Nông và 500 tỷ đồng khởi công tổ hợp hoá chất Đức Giang Nghi Sơn. “Chúng tôi chủ yếu giữ tiền cho hai dự án đó. Nếu cả hai đi vào hoạt động cùng lúc, lượng tiền chúng tôi có là không đủ, nên phải tích trữ tiếp”, anh Duy Anh phân tích.

Trên góc độ điều hành doanh nghiệp, các CEO hiện nay phải đối mặt với vấn đề chi phí vốn rất đắt. “Ngày xưa bạn vay nước ngoài lãi suất 3,5% tiền USD, giờ tăng lên 7 – 8%”, CEO Đức Giang nói. Quan điểm của anh là lúc này đầu tư bằng tiền thịt bài toán kinh tế tốt hơn. “Nếu đi vay, không biết đầu tư gì cho lại”, Duy Anh thẳng thắn.

Kỳ Lân

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên