Rút thủ tục đầu tư nhà xã hội còn 6 tháng
Lãnh đạo TPHCM yêu cầu Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội trong vòng 6 tháng thay vì mất hơn 2 năm như hiện nay.
- 25-02-2017Hà Nội – nhà ở xã hội giá bao nhiêu là vừa?
- 24-02-2017Bí thư Thăng: 'Xây nhà ở xã hội, quyết tâm là làm được'
- 20-02-2017Kiếm chác từ nhà ở xã hội
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã yêu cầu như trên tại Hội thảo phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở thương mại giá rẻ TPHCM do Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) phối hợp với Sở Xây dựng Thành phố tổ chức sáng ngày 27/2.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã và đang đầu tư nhiều dự án NƠXH, nhà ở giá rẻ phản ánh, chính thủ tục đầu tư quá nhiêu khê và tốn quá nhiều thời gian để thực hiện đã "bóp nghẹt" cơ hội đầu tư của họ. Đó cũng là một trong những rào cản lớn của việc phát triển NƠXH trên địa bàn TP, không đủ đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đa số người dân có nhu cầu.
Các doanh nghiệp cho biết, mặc dù Thành phố đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì, thực hiện “một cửa” nhưng thực tế các doanh nghiệp vẫn phải xin lòng vòng. Trung bình một hồ sơ từ khi xin phép đến khi dự án được thực hiện mất đến 2 năm.
Sau khi nghe các doanh nghiệp phản ánh, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu từ nay, mọi thủ tục đầu tư xây dựng, đặc biệt là xây dựng NƠXH cần quy về đúng một mối là Sở Xây dựng. Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm và hoàn thành việc giải quyết hồ sơ cho các chủ đầu tư trong vòng 6 tháng thay vì mất hơn 2 năm như hiện nay để các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các dự án NƠXH tại Thành phố.
Trong quy trình đó, Sở Xây dựng phải chủ trì phối hợp với các sở, ngành khác để giải quyết thủ tục đầu tư dự án cho doanh nghiệp, là “một cửa” duy nhất để các doanh nghiệp liên hệ làm thủ tục.
Các chủ đầu tư có vướng mắc gì thì liên hệ trực tiếp tại Sở Xây dựng để được giải quyết, chấm dứt chuyện doanh nghiệp phải liên hệ nhiều cơ quan, sở ngành khi làm thủ tục đầu tư dự án.
Cũng theo Bí thư Đinh La Thăng, nhà ở giá rẻ không phải làm nhà diện tích nhỏ lại mà phải áp dụng công nghệ mới, giảm giá các loại vật liệu xây dựng để hạ giá thành. Bởi lẽ, nếu diện tích căn hộ quá nhỏ sẽ gây ngột ngạt, giảm chất lượng sống của người dân. Chính vì thế, cần phải hình thành chuỗi liên kết nguồn cung ứng nguyên vật liệu để từ đó có thể xây dựng được căn hộ với giá hợp lý.
Bí thư Đinh La Thăng cũng cho biết, Thành phố vừa làm việc với một công ty sản xuất xi măng và đơn vị này đồng ý sẽ giảm 300.000 đồng/tấn cho những dự án NƠXH. Sau lời kêu gọi của Thành phố, một doanh nghiệp chuyên cung cấp đá hoa cương (granite) cũng đã đồng ý giảm 20% giá bán cho các công trình xây dựng NƠXH trên địa bàn Thành phố.
Đồng chí Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết sẽ vận động thêm một số doanh nghiệp sản xuất thép hỗ trợ giảm giá và kỳ vọng thời gian tới sẽ hình thành danh sách các đơn vị cung cấp các nguồn vật liệu giá thành thấp cho NƠXH tại TPHCM.
Theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, từ nay đến năm 2020, Thành phố có 40 triệu m2 quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp với khoảng 72.000 căn hộ, nhà ở xã hội. Riêng trong năm 2017, dự kiến 17.000 căn hộ nhà ở xã hội sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng.
Mặc dù vậy, theo thống kê của đơn vị này, Thành phố hiện có hơn 208.400 công nhân, người lao động có nhu cầu được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Trong Chỉ thị số 03 đầu năm 2017 về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.
Chinhphu.vn