MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rút tiền gửi, đầu tư chứng khoán: Một doanh nghiệp BĐS sở hữu hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu SHB và TCB, danh mục có cả FLC và VHM

23-01-2022 - 14:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Rút tiền gửi, đầu tư chứng khoán: Một doanh nghiệp BĐS sở hữu hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu SHB và TCB, danh mục có cả FLC và VHM

Cuối năm 2021, tổng giá trị danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của công ty này là gần 486 tỷ đồng, tăng hơn 351 tỷ so với hồi đầu năm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm trên 75% với chủ lực là SHB.

CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (Nhà Đà Nẵng - Mã: NDN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV với lợi nhuận lũy kế năm 2021 đạt gần 236 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ.

Tình hình kinh doanh của Nhà Đà Nẵng năm qua được hỗ trợ rất lớn từ hoạt động tài chính với trọng tâm là đầu tư chứng khoán. Cụ thể, trong năm 2021, đầu tư chứng khoán mang về khoản lãi thuần hơn 109 tỷ trong khi cùng kỳ lỗ 10,5 tỷ.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng giá gốc danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của công ty là gần 486 tỷ đồng và giá trị hợp lý xấp xỉ 451 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 351 tỷ đồng và 305 tỷ đồng so với giá trị hồi đầu năm. Doanh nghiệp đã chi gần 44 tỷ đồng để trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư.

Đáng chú ý, hơn 75% giá trị danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của công ty này là nhóm cổ phiếu ngân hàng với những cái tên như SHB (hơn 215 tỷ đồng), TCB (hơn 97,3 tỷ đồng), ABB (gần 30,7 tỷ đồng), EIB (gần 24,6 tỷ đồng).

Cụ thể, cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Nhà Đà Nẵng là SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội với giá gốc hơn 215 tỷ đồng và giá trị hợp lý là hơn 177 tỷ đồng. Tương ứng mức lỗ dự kiến là trên 38 tỷ đồng.

Đóng cửa ngày 31/12/2021, thị giá SHB dừng ở mức 22.300 đồng/cp. Tính theo mức giá này, số cổ phiếu SHB do Nhà Đà Nẵng nắm giữ rơi vào khoảng 7,9 triệu đơn vị. Số cổ phiếu này chủ yếu được công ty mua vào trong quý 3 và đã bán ra khoảng 18 tỷ theo giá gốc trong quý 4.

TCB của Techcombank cũng được Nhà Đà Nẵng mua mạnh trong năm qua, từ mức 11,2 tỷ vào đầu năm lên hơn 97 tỷ đồng. Giá trị hợp lý của khoản đầu tư này tại thời điểm cuối năm 2021 là hơn 94,5 tỷ, tương ứng với lượng cổ phiếu TCB nắm giữ gần 1,89 triệu đơn vị. Công ty dự tính lỗ 2,8 tỷ cho khoản đầu tư này.

Số cổ phiếu ABB trong danh mục đầu tư Nhà Đà Nẵng có giá gốc và giá trị hợp lý lần lượt là gần 30,7 tỷ và 31,2 tỷ đồng. Toàn bộ số cổ phiếu ABB ước tính vào khoảng 1,4 triệu đơn vị được công ty mua trong nửa cuối năm 2021.

Lượng cổ phiếu EIB do Nhà Đà Nẵng nắm giữ có giá gốc gần 24,6 tỷ và giá trị hợp lý là xấp xỉ 30 tỷ đồng. Ước tính theo giá đóng cửa 31/12, công ty sở hữu là khoảng 890.000 cổ phiếu Eximbank.

Ngoài nhóm ngân hàng, doanh nghiệp này cũng nắm giữ các cổ phiếu bất động sản với những mã tiêu biểu như VHM của Vinhomes (67,1 tỷ đồng), NVL của Novaland (5,6 tỷ đồng), FLC của Tập đoàn FLC (3,09 tỷ đồng),…

Trong khi giá trị danh mục đầu tư chứng khoán tăng hàng trăm tỷ thì lượng tiền gửi có kỳ hạn của Nhà Đà Nẵng lại giảm 635 tỷ đồng, tương đương 52% so với đầu năm. Điều này cho thấy khẩu vị đầu tư của doanh nghiệp đã thay đổi rõ rệt trong năm 2021 trước xu hướng trái chiều của lãi suất và thị trường chứng khoán.

Rút tiền gửi, đầu tư chứng khoán: Một doanh nghiệp BĐS sở hữu hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu SHB và TCB, danh mục có cả FLC và VHM - Ảnh 1.

Danh mục chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng. (Nguồn: BCTC quý IV)

2021 được coi là một năm thành công của nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Trong nhóm ngân hàng, BID là cổ phiếu duy nhất giảm giá trong khi hầu hết các mã trong ngành đều tăng giá hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm.

Giai đoạn nửa đầu năm 2021, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm hút dòng tiền nhất trên thị trường. Đầu tháng 6 và đầu tháng 7, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã lập đỉnh, tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn tháng 7-9, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt lao dốc, nhiều mã giảm tới 40-50% trước lo ngại ngành ngân hàng gặp khó khăn vì Covid-19 như lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng mạnh. Chỉ một vài cổ phiếu ngân hàng nhỏ vẫn tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ trong nửa cuối năm như NVB, TPB, OCB, SSB, MSB,….

Trong những tháng cuối năm, dù đã bắt đầu hồi phục phần nào sau đợt giảm sâu nhưng dòng tiền lớn dường như vẫn chưa quay lại nhóm "cổ phiếu vua", kể cả khi VN-Index vượt các mốc đỉnh lịch sử quan trọng như 1.400 điểm hay 1.500 điểm.

https://cafef.vn/rut-tien-gui-dau-tu-chung-khoan-mot-doanh-nghiep-bds-so-huu-hang-tram-ty-dong-co-phieu-shb-va-tcb-danh-muc-co-ca-flc-va-vhm-20220123133533453.chn

Quốc Thụy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên