MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sabeco chưa nộp ngân sách 2.400 tỷ đồng: Ai chịu trách nhiệm?

15-03-2018 - 11:52 AM | Doanh nghiệp

Việc Sabeco chưa nộp ngân sách khoản lợi nhuận hơn 2.400 tỷ đồng là rất nghiêm trọng và cần phải xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.

Thông báo về kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, trước thoái vốn, Sabeco vẫn chưa phân phối lợi nhuận của các năm từ 2016 trở về trước gồm hơn 2.700 tỷ đồng.

Căn cứ vào tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco vào thời điểm 31/12/2016 là 89,59%, Sabeco chưa nộp ngân sách nhà nước lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước hơn 2.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sabeco cũng vi phạm trong việc chi thưởng cho ban lãnh đạo trong năm 2016.

Theo đó, Sabeco chi tiền thưởng của năm tài chính 2015 (chi trong năm 2016) cho người quản lý gồm chủ tịch và thành viên HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng là hơn 15 tỷ đồng, tương đương 20,3 tháng lương bình quân của quản lý, vượt mức tới 12,793 tỷ đồng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, những vi phạm của Sabeco mà KTNN chỉ ra là nghiêm trọng và cần được xử lý nghiêm.

Đi sâu phân tích cụ thể, ông Thịnh cho biết, về nguyên tắc, Sabeco hay bất kỳ DNNN nào khi tiến hành cổ phần hóa hay bán doanh nghiệp phải phân chia tất cả lợi nhuận cũng như xem xét tất cả các khoản phải thu và các khoản khác để thanh quyết toán cũng như tính toán tài sản nợ và tài sản có của doanh nghiệp.

Sabeco chưa nộp ngân sách 2.400 tỷ đồng: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt vi phạm tại Sabeco

Đối với Sabeco, từ những kết quả kiểm toán mà KTNN đưa ra, có thể thấy một số điểm sai như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp này còn đang tồn đọng khoản lợi nhuận 2.700 tỷ đồng chưa phân phối trước thoái vốn. Đây là khoản phải chia cho các chủ sở hữu doanh nghiệp, trong đó, khoản lợi nhuận chưa nộp ngân sách nhà nước là hơn 2.400 tỷ đồng.

"Câu hỏi được đặt ra là ý đồ của Sabeco khi không phân phối phần lợi nhuận này là gì? Thậm chí, dư luận hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi về ý đồ tham ô, biển thủ số tiền này. Và như vậy, ngân sách Nhà nước sẽ phải chịu mất một số tiền rất lớn.

Với vi phạm này, đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Sabeco, các cán bộ quản lý của Sabeco, Bộ Công thương sẽ phải bị xem xét kiểm điểm và xử lý nghiêm nếu có vi phạm", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Thứ hai, đối với vi phạm trong việc chi thưởng cho ban lãnh đạo của Sabeco, theo vị chuyên gia, mức chi thưởng tương đương 20,3 tháng lương bình quân của quản lý là không thể chấp nhận được.

Theo quy định của Nhà nước, mức khen thưởng cho người quản lý tối đa là 3 tháng lương, và như vậy, Sabeco đã chi thưởng cho ban lãnh đạo vượt mức tới 12,793 tỷ đồng. Đây là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tự thưởng cho mình và bởi thời điểm đó, Sabeco vẫn là doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu tới gần 90% vốn, lương thưởng của Sabeco cũng là từ Nhà nước mà ra và số tiền nói trên rõ ràng thuộc về ngân sách Nhà nước.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, khoản lợi nhuận hơn 2.400 tỷ đồng vẫn nằm trong quỹ của của doanh nghiệp và Sabeco phải nộp lại cho ngân sách Nhà nước khoản lợi nhuận này.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, còn có một vấn đề khác liên quan đến chuyện này, đó là Sabeco đã bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

"Chính vì thế phải xem trong sổ sách mà Sabeco mang ra công khai bán ra trên thị trường là bao nhiêu, có khoản 2.700 tỷ đồng nói trên (trong đó hơn 2.400 tỷ đồng phải nộp lại ngân sách - PV) hay không.

Trường hợp có khoản tiền này trong sổ sách công khai lúc bán vốn thì phải tính toán giảm trừ phần này trong số tiền đã bán cho các cổ đông mới. Đồng thời, việc xử lý các cá nhân, tập thể liên quan như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp... sẽ ở mức độ khác nhau. Họ đã không thực hiện hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, không rành mạch và gây hậu quả nghiêm trọng cho tài sản của nhà nước ở doanh nghiệp đó.

Trường hợp số tiền trên bị để ngoài sổ sách, không niêm yết trên thị trường và bộ phận quản lý doanh nghiệp, như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thông báo cho người mua cổ phiếu thì chính những người này phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm.

Như vậy, đối với ông chủ người Thái, người đã mua 53,59% cổ phần của Sabeco, trong trường hợp khoản lợi nhuận chưa phân phối kể trên được đưa vào hợp đồng khi họ mua lại Sabeco thì họ có nghĩa vụ hoàn trả khoản lợi nhuận này. Khi ấy, Sabeco phải tính toán giảm trừ số tiền ông chủ Thái đã mua cổ phiếu cũng như tính toán cho các cổ đông mới mua.

Trường hợp khoản lợi nhuận trên không được Sabeco đưa vào sổ sách, không được công khai nghĩa là ông chủ Thái Lan chấp thuận mua cổ phần doanh nghiệp mà không có khoản này. Như vậy, bản thân Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các thành phần khác phải chịu trách nhiệm về khoản tiền này", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Đối với khoản chi thưởng vượt quy định (12,793 tỷ đồng), theo ông Thịnh cũng phải truy thu.

"Vụ này khá nghiêm trọng, không chỉ bởi số tiền lớn mà quan trọng hơn là bản thân những người quản lý tại Sabeco đã cố tình lờ đi khoản lợi nhuận này và Bộ Công thương cũng phải bị xem xét nhiệm liên đới", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo Thành Luân

Báo Đất Việt

Trở lên trên