MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắc xanh phủ khắp thị trường, vì sao cổ phiếu phân bón vẫn ngược chiều giảm mạnh?

Sắc xanh phủ khắp thị trường, vì sao cổ phiếu phân bón vẫn ngược chiều giảm mạnh?

Diễn biến ngược chiều của cổ phiếu phân bón với sự khởi sắc của thị trường chung được đánh giá xuất phát từ sự hạ nhiệt của giá ure. So với đỉnh vào trung tuần tháng 4, giá ure thế giới đã giảm hơn khoảng hơn 30% trong khi giá ure trong nước cũng đã giảm so với đầu năm.

Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên giao dịch đầu tuần đầy hứng khởi với sắc xanh phủ rộng trên hàng loạt nhóm cổ phiếu. VN-Index tăng hơn 17 điểm qua đó lấy lại mốc 1.200 vừa đánh mất vào tuần trước. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu phân bón như BFC, LAS, PSW vẫn chìm trong sắc đỏ, thậm chí bộ đôi DPM và DCM còn giảm sàn "trắng bên mua".

Sắc xanh phủ khắp thị trường, vì sao cổ phiếu phân bón vẫn ngược chiều giảm mạnh? - Ảnh 1.

Cổ phiếu phân bón giảm mạnh phiên 27/6

Diễn biến ngược chiều với sự khởi sắc của thị trường chung được đánh giá xuất phát từ sự hạ nhiệt của giá phân bón. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá ure trong nước vào giữa tháng 6/2022 đã giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm.

Trong đó, giá ure Phú Mỹ và ure Cà Mau bán buôn cho các đại lý từ mức 17 triệu đồng/tấn vào hồi đầu năm thì đến nay đã giảm xuống còn 15 triệu đồng/tấn. Giá bán lẻ nhiều loại phân bón như Urê, DAP, NPK, Kali... đã giảm ít nhất từ 20.000-50.000 đồng/bao 50kg so với cùng kỳ năm trước.

Dù có độ trễ nhất định nhưng giá ure tại thị trường Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi xu hướng giảm giá trên thế giới. Thực tế, giá ure thế giới dù phục hồi so với thời điểm giữa tháng 5 nhưng đã thấp hơn khoảng hơn 30% sau khi đạt đỉnh vào trung tuần tháng 4 trước đó.

Sắc xanh phủ khắp thị trường, vì sao cổ phiếu phân bón vẫn ngược chiều giảm mạnh? - Ảnh 2.

Giá ure thế giới giảm sâu so với đỉnh

Trong báo cáo về ngành phân bón hồi cuối quý 1/2022, SSI Research cũng đã dự báo giá ure có thể đạt đỉnh trong tháng 3 và có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục. Việc nối lại giao thương giữa Nga và các nước Châu Âu sẽ mất nhiều thời gian sau khi xung đột giữa Nga-Ukraine hạ nhiệt.

Đồng quan điểm, Chứng khoán KIS Việt Nam lại cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp phân bón có thể chậm lại. Theo KIS, tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành đã đạt đỉnh mới trong quý 1/2022 tại mức 31,7%. Nếu giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tiếp theo, cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu, tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành phân bón trong các quý tiếp theo có thể giảm sau khi đạt đỉnh vào quý 1.

Sắc xanh phủ khắp thị trường, vì sao cổ phiếu phân bón vẫn ngược chiều giảm mạnh? - Ảnh 3.

Một yếu tố được đánh giá có thể tác động đến các doanh nghiệp Phân bón là thông tin Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Thực tế, các doanh nghiệp phân bón đều đã hưởng lợi lớn từ xuất khẩu trong quý đầu năm. Đơn cử như DCM khi doanh thu hoạt động xuất khẩu trong quý 1/2022 lên đến 2.195 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ. Tương tự, DAP - Vinachem ghi nhận doanh thu xuất khẩu cao gấp đôi lần cùng kỳ, đạt 559 tỷ đồng trong quý 1/2022. DPM cũng đã trúng thầu xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn ure trong quý đầu năm với giá bán cao.

Tuy nhiên, KIS cũng lưu ý rằng mức thuế 5% có thể không đáng kể đối với các đơn vị xuất khẩu, do các công ty này có thể đạt được một khoảng "hậu hĩnh" nhờ đơn giá xuất khẩu ở mức cao so với giá bán trong nước.

https://cafef.vn/sac-xanh-phu-khap-thi-truong-vi-sao-co-phieu-phan-bon-van-nguoc-chieu-giam-manh-20220627153527294.chn

Hà Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên