Sắc xanh tím không thể xua tan bầu không khí ảm đảm trên bảng điện, thanh khoản thị trường xuống thấp nhất trong vòng 9 tháng
Thanh khoản thị trường "mất hút"
Thanh khoản thấp tại vùng đáy không phải điều quá khó hiểu đặc biệt trước kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn “thờ ơ” ngay cả trong nhịp rơi sâu đến hơn 200 điểm trước đó lại là một hiện tượng đáng lưu ý.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên thứ 2 liên tiếp lội ngược dòng hồi phục sau 3 tuần trượt dài, sắc xanh tím cũng trở lại trên nhiều cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn không hề có sự cải thiện, thậm chí còn "heo hút" hơn. Phiên 27/4 ghi nhận giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ ở mức 12.975 tỷ đồng, thấp nhất kể từ phiên 28/7/2021 (11.413 tỷ đồng).
Thanh khoản thấp có thể do nhà đầu tư e ngại xuống tiền trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới trong khi lực bán cũng đã vơi bớt sau giai đoạn dò đáy trước đó. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, ngay cả trước kỳ nghỉ kéo dài hơn như Tết Nguyên Đán, thanh khoản thị trường cũng không xuống đến mức thấp như thế này.
Thực tế, thanh khoản thấp tại vùng đáy không phải điều quá khó hiểu thế nhưng ngay cả trong nhịp rơi sâu đến hơn 200 điểm trước đó, dòng tiền vẫn tỏ ra "thờ ơ". Giá trị khớp lệnh trên HoSE không thể tạo ra đột phá và gần như chỉ quanh quẩn dưới ngưỡng 1 tỷ USD. Đây là một hiện tượng hiếm thấy trong hơn 2 năm kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới F0 đổ bộ vào chứng khoán.
Thông thường trong những phiên thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư giao dịch rất sôi động, thậm chí từng không ít lần đẩy giá trị khớp lệnh trên HoSE lên trên 30.000 tỷ đồng. Gần đây nhất có thể kể đến như phiên 28/3, VN-Index mới chỉ dao động trong biên độ 23 điểm nhưng giá trị khớp lệnh trên HoSE đã vượt 30.400 tỷ. Trước đó vào phiên 24/2 khi VN-Index rung lắc trong biên độ 39 điểm, giá trị khớp lệnh trên HoSE cũng tăng đột biến lên đến gần 33.900 tỷ đồng.
Xa hơn, hồi đầu tháng 1/2022 – thời điểm VN-Index đang giao dịch quanh vùng đỉnh, nhà đầu tư cũng không ngại đua lệnh và thường xuyên đẩy thanh khoản lên rất cao. Vì thế, việc nhà đầu tư không mấy mặn mà nhập cuộc khi phần lớn cổ phiếu đều đã chiết khấu hàng chục % sau 3 tuần lao dốc lại càng khó giải thích đặc biệt khi lượng tài khoản mở mới vẫn liên tục tăng và lập kỷ lục.
Riêng trong tháng 3, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 270.217 tài khoản chứng khoán, con số kỷ lục từ trước đến nay và vượt xa đỉnh cũ đạt được vào tháng 12/2021. Tính chung 3 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở mới tổng cộng hơn 676.500 tài khoản chứng khoán, gần gấp đôi tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.
Lượng tài khoản mở mới liên tục tăng
Tính đến cuối quý 1/2022, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán ước tính lên đến 100.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm cuối tháng 3. Vậy nhà đầu tư còn đang chờ đợi điều gì?