Sai lầm khi có quá nhiều quy hoạch, có cả quy hoạch...cá rô phi
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông bình luận như vậy khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật quy hoạch sáng 16-9.
- 12-09-2016Khai mạc phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội
- 25-04-2016Khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- 07-03-2016Khai mạc phiên họp 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ông Đông cho rằng dự án luật này sẽ giúp khắc phục tình trạng quá nhiều quy hoạch với chất lượng thấp, chồng chéo, mâu thuẫn, vừa lãng phí nguồn lực vừa gây khó khăn cho phát triển.
“Chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết”
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định “việc ban hành Luật quy hoạch rất cần thiết nhằm bảo đảm tính pháp lý, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, định hướng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thường trực ủy ban này đồng ý quy định quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành, mang tính định hướng, dự báo và phát triển bền vững, tính pháp lý cao của quy hoạch tổng thể quốc gia, là bước cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên toàn bộ không gian lãnh thổ cả nước và là cầu nối giữa chiến lược với kế hoạch.
“Phương án này đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch, đồng thời tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bố nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư” - ông Thanh nói.
Có cả quy hoạch… cá rô phi
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: “Như thứ trưởng nói quy hoạch vừa qua số lượng rất nhiều, gây lãng phí, đề nghị giải thích rõ thực trạng này”.
Đáp lại, thứ trưởng Đông nói chúng ta đã rất sai lầm khi có quá nhiều quy hoạch, thậm chí có cả quy hoạch cá tra, quy hoạch cá rô phi… Chúng ta sống trong thời đại kinh tế thị trường, sản phẩm tăng trưởng hay phát triển thế nào là do thị trường quyết định. Con cá tra chúng ta nuôi sản lượng thế nào đâu phải chỉ do thị trường trong nước, mà còn do thị trường quốc tế với rất nhiều yếu tố tác động.
“Đẻ ra quy hoạch ngành sản phẩm như vậy sẽ không quản lý được. Thậm chí những quy hoạch này còn tạo rào cản cho sản xuất, kinh doanh khi tạo cớ xin - cho. Chính vì vậy, luật quy hoạch lần này Chính phủ thống nhất cao trong việc bỏ quy hoạch ngành sản phẩm” - ông Đông nói.
Thứ trưởng Đông cũng khẳng định việc tích hợp quy hoạch sẽ chấm dứt được sự chồng chéo, mâu thuẫn, mạnh ai nấy làm trong quy hoạch thời gian vừa qua.
Ông lấy ví dụ một huyện ngoại thành Hà Nội sau khi có điều chỉnh địa giới hành chính, người dân chờ đợi suốt 9 năm mà vẫn chưa được giải quyết cấp đất kinh doanh do mâu thuẫn giữa quy hoạch giữa hai sở của TP.
“Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được lập, dựa trên chiến lược phát triển quốc gia, mang tính tổng thể và nguyên tắc, sẽ chấm dứt tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong quy hoạch” - ông Đông nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị phải quy định chế tài trong dự luật để đảm bảo tính ổn định của quy hoạch. “Bây giờ quy hoạch như vậy nhưng mấy năm sau có lãnh đạo mới lên một cái là điều chỉnh rất nhẹ nhàng” - ông Lưu nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng quy hoạch vừa phải đảm bảo tính nguyên tắc, vừa đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
“Chúng ta từng chứng kiến quy hoạch sân golf cũng chạy lên chạy xuống, chạy chỗ này chỗ kia. Hay vừa rồi dự án thép ở Cà Ná, có quy hoạch hay không quy hoạch cũng ầm ĩ trên báo chí” - ông Giàu nêu ví dụ.
Tuổi trẻ