MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải: Cho con học Tiếng Anh, thấy con chơi vui thì quên bẵng mục đích thực sự

29-01-2021 - 20:53 PM | Sống

Sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải: Cho con học Tiếng Anh, thấy con chơi vui thì quên bẵng mục đích thực sự

“Học vui” cũng cần, nhưng chỉ là yếu tố phụ. Mục tiêu chính vẫn là chất lượng của việc dạy học sao cho bé tiến bộ và có kết quả. Mà kết quả phải được định lượng rõ rệt, theo từng mốc thời gian: tháng/ quý/ năm.

Chị Phạm Hương (TP.HCM) có bằng Thạc sĩ ngành Marketing Quốc tế của trường EU-Thụy Sĩ. Nhiều năm qua, chị đảm nhận vị trí Strategic Marketing Director (Giám đốc tiếp thị chiến lược) tại một số công ty trong và ngoài nước.

Dựa theo kinh nghiệm dạy con của chính mình, chị Hương thường có những bài viết chia sẻ về các phương pháp: "Xây dựng chiến lược học tập cho con" và "Giúp bé học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2" trên trang Facebook cá nhân. Mục đích nhằm giúp đỡ các bậc phụ huynh khác có định hướng học tập cho con một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Mới đây chị có những chia sẻ về việc cho con học thêm tiếng Anh ở trung tâm/ học kèm gia sư. Từ trải nghiệm thực tế, chị đã chỉ ra một số sai lầm mà cha mẹ thường mắc phải. Điển hình là việc: Thấy con học vui, chơi vui mà quên mất mục đích thực sự của việc học thêm là gì. Quan điểm của chị Hương sau đó được rất nhiều người ủng hộ, tán thành.

Sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải: Cho con học Tiếng Anh, thấy con chơi vui thì quên bẵng mục đích thực sự - Ảnh 1.

Chị Phạm Hương.

Chúng tôi xin phép đăng tải lại bài viết của chị như sau:

Đa phần, bố mẹ đều thích và hài lòng khi thấy con học vui. Con đi học về líu lo khoe học vui lắm, vì các thầy cô bày đủ trò cho con chơi. Tiếc thay, tốc độ tiến bộ của con thì tỉ lệ nghịch với các trò chơi đó. Các trung tâm Tiếng Anh thường rất hiểu tâm lý của phụ huynh: 

Khi User (là học sinh) học vui thì Buyer (là bố mẹ) rất hài lòng và sẵn sàng trả tiền. Nhưng bố mẹ có biết không, con học 1 phần, phần lớn là chơi vui. Mình cho con đi học, để con giỏi hay để con vui?

Hàng xóm mình cho con học ở một trung tâm nọ, tạm gọi là A từ năm 3 tuổi. Đến nay bé 10 tuổi, giờ mới chuẩn bị thi Flyer. (Flyers là cấp độ cao nhất trong kỳ thi Cambridge YLE, thuộc trình độ A2 theo Khung trình độ chung Châu Âu (CEFR). Đối tượng mà Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế Flyers hướng tới: thí sinh từ 11 - 12 tuổi (dành cho học sinh lớp 5, 6) 7 năm + học phí không nhỏ + đưa đón, bố mẹ mưa nắng chờ chực ở cổng trường. Giờ sắp được cái chứng chỉ Flyer thì bố mẹ cười mãn nguyện.

Sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải: Cho con học Tiếng Anh, thấy con chơi vui thì quên bẵng mục đích thực sự - Ảnh 2.

Con đi học về líu lo khoe học vui lắm, vì các thầy cô bày đủ trò cho con chơi. Tiếc thay, tốc độ tiến bộ của con thì tỉ lệ nghịch với các trò chơi đó. (Ảnh minh họa)

Không chỉ trung tâm A, mà nhiều trung tâm khác đều tương tự. Trẻ vào học rất vui, rất thích. Nhưng tiếc thay, chương trình học dàn trải vô cùng. Có vui, có thích vậy thì mấy bé mới học lâu cả chục năm. Trường mới có nguồn khách hàng ổn định và trung thành từ lớp 1 – 12, có khi vào đại học vẫn còn đến trung tâm học tiếp.

Khuê - con gái mình chỉ học ở nhà 2 buổi/tuần. Mỗi buổi 2 tiếng với 1 thầy người Việt. Cháu học từ hè lớp 2, chính xác sau 8 tháng thì đã thi Flyer. Trong 1 năm, Khuê thi đạt 3 chứng chỉ: Starter, Mover, Flyer. 

Mình không có ý khoe hay gì, chỉ là đưa ra để so sánh. 7 năm và 1 năm. Học vui và vui học…

Nhiều bạn phản biện, “chơi cũng quan trọng mà, học thông qua chơi”. Không sai. Nhưng mà, thời gian chơi ở trường, rồi ở nhà, rồi cuối tuần cũng đã đủ; sao phải đóng tiền học để lại được chơi?

Việc gì ra việc nấy, mình đầu tư tiền cho mục đích học Tiếng Anh thì mình phải tập trung vào mục tiêu chính – là kết quả của việc học Tiếng Anh, chứ không phải chỉ để vui chơi, giải trí. 

Chưa kể, chơi thì cũng có “chơi this, chơi that”. Chơi sao cho trí tuệ, chơi sao cho bổ ích. Còn quanh năm chơi trò cải trang, đố chữ ABC, hát hò, xếp hình… thì phí quá.

Mình từng cho 2 giáo viên nước ngoài dạy speaking của Khuê nghỉ, chỉ vì họ quá chú trọng đến việc học vui. Một thầy giáo người Nam Phi thường hay làm trò để Khuê cười nắc nẻ. Khuê rất thích thầy, thầy trò nói chuyện rôm rả. 

Nhưng khi mình nghe lại ghi âm buổi học, mình nhận thấy rằng thầy không tập trung dạy kỹ năng speaking. Thầy chỉ đơn giản là 1 người trò chuyện với Khuê, kiểu như có người nói chuyện hoài thì Khuê sẽ có phản xạ tốt hơn thôi. 

Chiến thuật của thầy là làm cho buổi học vui nhộn để học trò thích học với thầy. Thầy không biết rằng mình luôn bỏ thời gian để nghe lại tất cả những lesson của thầy dạy. Sau vài lần feedback mà không cải thiện, mình đã chấm dứt sau 2 tháng.

Sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải: Cho con học Tiếng Anh, thấy con chơi vui thì quên bẵng mục đích thực sự - Ảnh 3.

Khuê cũng từng học với 1 cô người Úc, gốc Việt. Cô giáo này sinh ra tại Úc, mẹ Việt, cha Pháp. Cô đẹp như 1 tiểu thư quý phái, cực kỳ trang nhã. Khuê thích cô lắm. Giọng cô chuẩn Anh, hay tuyệt, nhẹ như hơi thở - giọng nói dịu dàng và ngọt ngào nhất mà mình từng biết. Lúc đó, cả nhà mừng rơn.

Nhưng chỉ sau 3 buổi học, mình luyến tiếc chia tay cô. Bởi cô giúp Khuê học vui bằng cách cho chơi trò xếp chữ, mất khoảng 15-20 phút/buổi. Mà phần học speaking chỉ có 1 tiếng. Làm sao mình có thể trả tiền “vui” cho Khuê đắt đến như vậy? Mình không phải đại gia. Thôi đành chia tay cô.

“Học vui” cũng cần, nhưng chỉ là yếu tố phụ. Mục tiêu chính vẫn là chất lượng của việc dạy học, sao cho bé tiến bộ và có kết quả. Mà kết quả phải được định lượng rõ rệt, theo từng mốc thời gian: tháng/ quý/ năm. Kết quả đó cần tương xứng với tiền bạc, thời gian và công sức của bé và cả bố mẹ nữa.

Có rất nhiều người mang con mình giao cho trường, giao cho cô,... hết năm này đến năm khác. Con ì ạch học “bết xê lết” nhưng họ vẫn cảm thấy hài lòng, yên tâm. Bởi “con học vui, em thấy ổn”.

Rốt cuộc, việc bày trò vui nhộn lại quan trọng hơn kết quả học tập của con?

Bày trò vui chơi không nên dùng như 1 mồi câu nhử bé, làm bé thấy vui thì bé mới chịu học. Các trò vui chỉ nên dùng như 1 loại gia vị, để hấp dẫn bé, tạo hứng khởi cho bé. Nhưng nó không nên bị lạm dụng, chiếm nhiều thời gian hơn việc học, mà từ đó đánh mất mục tiêu chính của việc học hành.

Quan trọng nhất cũng vẫn là giúp con tự tìm thấy niềm vui thích trong học tập. Để việc học thực sự hiệu quả, có tiến bộ rõ rệt và lâu dài, bé cần phải cảm thấy “vui học”. Tức là làm sao giúp bé vui vẻ học = học trong vui vẻ, học trong tự nguyện, học trong tinh thần chủ động, tự học, thích học.

Đừng lấy tiền của mình và thời gian của con để “mua vui” trong việc học. Để giúp con vui, mình có thể làm bằng nhiều cách khác. Đừng nhập nhèm khái niệm để rồi phí cả mớ tiền và phí mất thời gian vàng của con - thời gian mà bé có thể thẩm thấu Tiếng Anh một cách tốt nhất.

Theo Thanh Hương

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên