Sai lầm tài chính trong những năm đầu hôn nhân khiến vợ chồng hối hận vô cùng: Mua ô tô cho “oai” trước khi có nhà
Dưới đây là những sai lầm tài chính điển hình của các cặp vợ chồng trẻ.
- 30-03-2024Điều kỳ diệu nào khiến cô gái với mức lương 16 triệu để dành được 8 triệu/tháng lại còn đặt mục tiêu mua đất, mua nhà trước 30?
- 30-03-2024Vợ chồng Gen Z tuân thủ 1 nguyên tắc để mua được nhà 3 tỷ, khuyên “nên mua nhà càng sớm càng tốt”
- 27-03-2024Khi chọn chung cư, nếu mua nhà ở những tầng này có thể sẽ lỗ lớn
- 27-03-2024Á hậu 10X bị đồn yêu bác sĩ thẩm mỹ hơn 26 tuổi: Mới mua nhà có hồ bơi trên cao, tay đeo kim cương, xách Hermes như phú bà
Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng không tránh khỏi mắc phải sai lầm trong cách dùng tiền nong. Bởi khi đó, nguồn thu nhập mới gộp lại chung, tổng tiền tiền kiếm được không tăng lên trong khi họ thường phải lo lắng biết bao khoản chi tiêu khác. Mua sắm quá lố tay, vung tiền vào thứ không cần thiết hay lạm dụng thẻ tín dụng đến cháy ví là tình trạng chung của nhiều cặp vợ chồng son.
Chi 500 triệu đồng mua ô tô nhưng hối hận vì bỏ lỡ cơ hội mua nhà
Cách đây 3 năm, vợ chồng Nhật Thuỷ (31 tuổi, Hà Nội) có khoản tích lũy 500 triệu đồng. Lúc đó, họ cân nhắc giữa hai lựa chọn mua xe ô tô và trả góp mua nhà.
Cuối cùng, họ quyết định cầm hết tiền tiết kiệm để đi mua ô tô, kết hợp thêm vay mượn một chút từ người thân. Một nguyên nhân vì họ sợ phải trả khoản lãi vay ngân hàng tháng nếu mua nhà. Nguyên nhân khác bởi họ cho rằng, nếu nhà đã không mua được thì nhất định phải có tài sản lớn khác để không thua kém bạn bè, chẳng hạn như chiếc xe ô tô.
Ảnh minh hoạ
Sau khi mua ô tô, cặp đôi tiếp tục đi thuê nhà với mức giá 6 triệu đồng/tháng. Tới đầu năm 2021, cặp đôi đã hối hận với lựa chọn này. Bởi lẽ, chỉ sau vài năm giá nhà đã quá cao, giờ đây căn hộ chung cư họ nhắm đến tăng vọt lên 2,8 tỷ đồng. Với tình hình tài chính không còn tiền tiết kiệm sau khi dồn tiền mua ô tô, cộng thêm đang nuôi con nhỏ, viễn cảnh mua được nhà với vợ chồng Nhật Thuỷ đã trở nên xa vời.
Đó là còn chưa kể, xe ô tô là tiêu sản. Chỉ sau 1 năm sử dụng xe ô tô đã mất giá trị khấu hao là 60-70 triệu đồng, trong khi chi phí nuôi chúng quá tốn kém.
Giờ ngẫm lại quyết định năm nào, Nhật Thủy bày tỏ nếu cho chọn lại, vợ chồng cô nhất định sẽ cố gắng dồn tiền mua nhà. “ Nếu có đủ kinh tế, với những khoản đầu tư được coi là tài sản thì bạn nên mua càng sớm càng tốt. Còn những thứ tiêu sản thì khi nào đủ điều kiện mua sau cũng được. Mình nghĩ mọi người nên mua nhà sớm. Vì trong tương lai giá căn hộ càng tăng cao và càng khó mua nên bạn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn”, Nhật Thuỷ tâm sự.
Chi tiêu quá tay sau khi cưới
Thu Phương (26 tuổi, Hà Nội) kết hôn vào giữa năm 2023. Chỉ thời điểm trước khi tổ chức đám cưới và đang mang thai, cô nàng bỗng rơi vào cảnh thất nghiệp. Nguồn thu nhập của hai vợ chồng sụt giảm đã khiến tình hình tài chính của cặp đôi bị ảnh hưởng khá nhiều.
Đó còn chưa kể, mới cưới, Thu Phương không tránh khỏi bất ngờ khi liên tiếp có những khoản chi tiêu phát sinh như đám ma, giỗ chạp, chữa bệnh khi người thân ốm đau… Đó là những khoản tiêu dùng mà trước khi lập gia đình, cô nàng không bao giờ cần tiêu đến. Tuy nhiên, giờ đã thành “vợ người ta" Thu Phương bắt buộc phải nghĩ đến và chi tiền trang trải.
Ảnh minh hoạ
Thế nhưng, do chưa biết kiểm soát tài chính, lại lần đầu cầm trong tay nhiều tiền từ tiền mừng cưới và vàng cưới nên cặp đôi đã có nhiều phen chi tiêu quá lố. Cũng vì thế, tài chính trong gia đình càng bị ảnh hưởng, tiền lương kiếm được bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu, khó để dành được tiền tiết kiệm. Thậm chí, họ còn phải dùng hết ⅔ tiền mừng cưới để trang trải qua giai đoạn này.
“Nói chung là ‘vỡ mộng'” - là lời tổng kết về tình hình tài chính của vợ chồng Thu Phương.
Sau đó, cặp đôi đã dần lên kế hoạch quản lý tài chính để có nền tảng tốt hơn dành cho việc chăm sóc em bé. Đồng thời, họ cố gắng loại bỏ hết tâm lý “kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu” như thời còn độc thân.
Lạm dụng thẻ tín dụng đến mang nợ hơn 100 triệu đồng
Thời điểm mới cưới, Minh Anh (Hà Nội) tìm đến thẻ tín dụng khi tài chính của gia đình không mấy dư dả. Thời gian đầu mới cưới, gặp đúng dịch bệnh Covid-19 khiến kinh tế gia đình khó khăn. Do đó, để sống tốt tại Hà Nội với tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng/tháng, họ đã “cầu cứu" chiếc thẻ mỗi khi hết tiền.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, do ỷ lại vào thẻ tín dụng dẫn đến cặp đôi đã mang nợ hơn 100 triệu đồng từ hình thức thanh toán này.
Minh Anh chia sẻ: “Trong 2 năm, do kinh tế suy thoái, làm ăn buôn bán khó khăn nên chúng mình cứ thiếu tiền lại quẹt thẻ tín dụng. Vợ chồng mới cưới, chưa biết cách quản lý tài chính nên càng khó khăn, càng chăm chỉ quẹt thẻ tín dụng nhiều hơn. Lúc đó, chúng mình có 2 cái thẻ tín dụng. Cứ hết thanh toán chi phí điện nước rồi lại quay sang dùng chúng trả tiền mặt bằng kinh doanh”.
Trước áp lực phải trả lãi từ thẻ tín dụng, đi kèm những sao kê dồn dập đòi nợ từ ngân hàng, vợ chồng Minh Anh đã quyết định trả hết dư nợ chỉ trong thời gian ngắn. Thậm chí, họ còn phải bán đi máy tính để giảm bớt áp lực nợ nần, tránh trường hợp “lãi mẹ đẻ lãi con". Sau hơn 1 năm tích góp và nỗ lực trả dứt điểm nợ, vợ chồng Minh Anh đã thanh toán xong hết dư nợ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, chúng sẽ còn là bài học đắt giá với họ sau này.
“Từ trải nghiệm cá nhân, mình khuyên người dùng thẻ tín dụng nếu lỡ có vay thì cần trả lẹ. Bởi sau này lãi sinh ra rất nhiều”, cô nàng ngậm ngùi cho hay.
Tạm kết
Kỹ năng quản lý tài chính rất quan trọng dù bạn độc thân hay ở cùng người khác. Do đó, khi mới kết hôn, đôi bên cần chân thành trao đổi và xử lý những vấn đề tài chính của mình, đồng thời cân nhắc kỹ trước khi vung tiền chi tiêu. Như vậy, vợ chồng son mới không rơi vào tình cảnh vừa kết hôn đã hết tiền, mối quan hệ cũng từ đó mà bền chặt, lâu dài.
Nhịp sống thị trường