MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sai lệch nghiêm trọng" ở Gỗ Trường Thành liên quan đến hàng tồn kho và nợ khó đòi

21-07-2016 - 08:47 AM | Doanh nghiệp

Đại hội đã thông qua hầu hết các tờ trình, riêng về nội dung bổ sung trong đại hội liên quan đến điều chỉnh phương án phát hành liên quan đến khoản vay chuyển đổi đã xảy ra những vấn đề khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Ngày 20/07/2015, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) đã tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016.

Nội dung cuộc họp bất thường bao gồm : 1) Việc thay đổi chức danh người đại diện theo pháp luật; 2) Thông qua việc sáp nhập công ty CP Chế biến gỗ Trường Thành và công ty CP Ván Công nghiệp Trường Thành; 3) Thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh; 4) Thông qua việc miễn nhiệm 02 thành viên HĐQT và 01 thành viên BKS và bầu bổ sung cho các vị trí trên.

Ngoài các nội dung đã công bố trước, đại hội đã bổ sung thêm tờ trình về việc điều chỉnh phương án phát hành liên quan đến khản vay chuyển đổi 1.201,9 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát.

Đại hội đã thông qua hầu hết các tờ trình, riêng về nội dung bổ sung trong đại hội liên quan đến điều chỉnh phương án phát hành liên quan đến khoản vay chuyển đổi đã xảy ra những vấn đề khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Báo cáo tại đại hội, Ông Võ Trường Thành cho biết: Sau 120 ngày kể từ ngày gởi thông báo chuyển đổi, công ty vẫn chưa thực hiện được việc chuyển đổi được cho Tân Liên Phát. Sự kiện này được coi là một sự kiện vi phạm quy định tại điều 11.1(g) của hợp đồng chuyển đổi ngày 10/09/2015 và điều 11.1(f) của hợp đồng vay chuyển đổi ngày 11/01/2016, theo đó, Tân Liên Phát được quyền quyết định tuyên bố các khoản vay chuyển đổi nêu trên đến hạn và yêu cầu công ty thanh toán ngay gốc và lãi.

Ngoài ra, sau khi tiến hành thẩm tra và đánh giá hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành, Tân Liên Phát đã yêu cầu TTF phải giải trình một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin, số liệu thực tế so với thông tin, số liệu đã được TTF công bố và làm cơ sở cho việc xác định mức giá chuyển đổi.

Ông Thành cho biết thời gian không kịp để giải trình về những thông tin sai lệch đó. Ông Thành cho rằng chỉ có thể đưa ra giải pháp tình thế. Nếu Tân Liên Phát rút lại khoản vay thì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công ty ngay. Thứ 2, công ty phải trả chi phí lãi vay và phải chịu nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Do đó, ban lãnh đạo TTF trình cổ đông thông qua việc Tân Liên Phát được rút lại các thông báo chuyển đổi đã đưa ra ngày 31/03/2016. Tiếp theo, Tân Liên Phát được toàn quyền lựa chọn thời điểm chuyển đổi vào bất kỳ thời điểm nào sau khi nghị quyết này được thông qua.

Ngoài ra, giao cho hội đồng quản trị của TTF phối hợp với các phòng ban liên quan trong công ty để làm rõ các yêu cầu mà Tân Liên Phát đã đưa ra bao gồm cả việc đề xuất phương án xử lý đối với các khoản vay chuyển đổi này để ĐHĐCĐ xem xét thông qua vào thời điểm thích hợp.

Về việc trể thời gian chuyển đổi, Ông Thành cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trể trong thời gian chuyển đổi liên quan đến các thủ tục liên quan đến phát hành.

Cổ đông hỏi về nội dung chi tiết về những khoản vay chuyển đổi, sai phạm nghiêm trọng là như thế nào ? Ông Thành cho biết từ ngữ “nghiêm trọng” trong vấn đề này vẫn chưa được lượng hóa, Ông sẽ cùng với ban điều hành và Tân Liên Phát sẽ làm rõ vấn đề này. Nếu đó là sai phạm do quản trị yếu kém, gây mất mát tài sản thì sẽ có người phải chịu hoàn toàn thiệt hại, còn nếu những sai lệch đó có xuất phát từ việc có người rút ruột tài sản công ty, người đó phải chịu toàn bộ những vấn đề về pháp luật.

Cổ đông đặt vấn đề này đối với đại diện từ phía Tân Liên Phát, đại diện từ Tân Liên Phát xin đính chính lại là có sự “sai lệch” nghiêm trọng trong thông tin, số liệu chứ không phải là “sai phạm” và hiện nay Tân Liên Phát đang tiến kết hợp với các đơn vị kiểm toán để làm rõ và đưa ra biện pháp xử lý.

Tuy nhiên, cổ đông cũng không đồng ý với câu trả lời trên từ đại diện 2 bên và đặt câu hỏi vì sao Tân Liên Phát chưa biết rõ về “sai lệch” nghiêm trọng lại công bố thông tin trên báo chí ảnh hưởng đến nhà đầu tư ?

Với câu hỏi trên, Ông Thành cho rằng, trong quá trình soát xét hoạt động của TTF, Tân Liên Phát đã phát hiện một số vấn đề liên quan đến hàng tồn kho và các khoản nợ khó đòi. Hiện công ty chưa biết mức độ thiệt hại như thế nào và đang phối hợp với kiểm toán để xem xét.

Ông Trần Việt Anh, đại diện cho nhóm cổ đông lớn cho rằng nếu đó chỉ là thông tin 1 chiều từ phía Tân Liên Phát thì không thể trình cổ đông thông qua các tờ trình đối với khoản vay chuyển đổi.

Một cổ đông cũng đặt vấn đề về sự minh bạch của thông tin, cho rằng “nghiêm trọng” chưa biết là nghiêm trọng gì thì làm sao thay đổi phương án phát hành. Trong khi thị trường đã phản ứng với thông tin trên, giá cổ phiếu của TTF đã giảm mạnh trong 2 phiên ngày 19/07 và 20/07, gây thiệt hại lớn cho cổ đông.

Trở lại sau giờ nghỉ giải lao, Ông Thành cho biết hiện vẫn chưa xác định được sai lệch và vẫn phải chờ đơn vị kiểm toán để làm rỏ vấn đề này.

Theo đó, Ông Thành cho biết hiện nay, Tân Liên Phát sẽ phải rút lại khoản vay. Do đó, đề nghị cổ đông cho phép Tân Liên Phát không buộc phải rút lại vốn đã cho TTF vay và tiếp tục đàm phán với hội đồng quản trị để chọn phương án phát hành chuyển đổi.

Nhiều cổ đông đưa ra quan điểm rằng việc Tân Liên Phát đưa ra thông tin là sai lệch “nghiêm trọng” nhưng không đưa ra con số cụ thể là 1 tỷ, 100 tỷ hay 1.000 tỷ đồng mà chỉ nói chung chung khiến cổ đông càng bị thiệt hại. Vì sao không có con số cụ thể mà lại công bố với báo chí về việc đó khiến giá cổ phiếu TTF giảm mạnh trong những phiên vừa qua ? Do đó, cổ đông đề nghị Tân Liên Phát rút lại thông tin này trước khi đưa ra thông tin “sai lệch” cụ thể.

Tuy nhiên, đại diện từ phía Tân Liên Phát cho rằng, “ Chúng tôi có căn cứ để khẳng định có sai lệch nghiêm trọng nên việc rút lại thông tin trên báo chí là điều không thể. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm rõ, nếu cổ đông không thông qua thì đó là quyền của cổ đông.”

Ông Trần Việt Anh cho rằng, nội dung “Tân Liên Phát được toàn quyền, theo quyết theo quyết định của mình để chuyển đổi các khoản vay chuyển đổi nêu trên bằng việc thông báo chuyển đổi vào bất kỳ thời điểm nào sau khi nghị quyết ngày được thông qua" là không rõ ràng và cổ đông không thể thông qua khi không biết rõ các điều kiện về giá, thời gian chuyển đổi. Theo đó, Ông Việt Anh cho rằng HĐQT nên làm rõ điều này trước khi xin ý kiến cổ đông bằng văn bản sẽ tốt hơn.

Trả lời vấn đề này, Ông Võ Trường Thành cho biết, theo nội dung tờ trình này Tân Liên Phát chỉ quyết định đầu tư theo hợp đồng hay không đầu tư theo hợp đồng chứ không được quyền quyết định giá chuyển đổi.

Một cổ đông đặt vấn đề nếu VIC rút tiền lại thì sẽ có ảnh hưởng thế nào dến hoạt động của TTF? Cổ đông cũng có ý kiến nếu Tân Liên Phát không chuyển đổi thì công ty nên phát hành số cổ phần đó cho cổ đông hiện hữu hoặc đi vay để lấy tiền trả cho Tân Liên Phát, như vậy sẽ không cần phụ thuộc vào Tân Liên Phát nữa.

Ông Võ Diệp Anh Tuấn, thành viên HĐQT TTF cho biết HĐQT không muốn đi lại vết xe đổ của mình vào những năm trước. Việc vay nợ lớn sẽ khiến công ty dễ đi vào khó khăn khi nền kinh tế không thuận lợi, do đó mới liên quan đến việc thỏa thuận về chuyển đổi khoản nợ 1.201,9 tỷ đồng với Tân Liên Phát.

Việc cổ đông thông qua sẽ giúp cho HĐQT có thời gian hơn để tìm ra giải pháp tốt nhất cho TTF đối với việc này trước khi trình cổ đông thông qua.

Cuối cùng, theo đề nghị của cổ đông, lãnh đạo TTF sửa lại nội dung tờ trình như sau một cách cụ thể hơn để cổ đông khỏi nhầm lẫn.

Đến gần 18h cùng ngày, đại hội đã kết thúc với toàn bộ nội dung các tờ trình đều được thông qua.

Theo Hoàng Trung

Người đồng hành

Trở lên trên