Sai phạm của ông Chu Ngọc Anh làm cho sản phẩm của Nhà nước bị tư nhân chiếm dụng
Khi luận tội, Viện kiểm sát cho rằng, hành vi của cựu Bộ trưởng kH&CN Chu Ngọc Anh tạo điều kiện cho Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á biến kết quả nghiên cứu của Nhà nước thành sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân.
- 08-01-2024Vụ Việt Á: Vì sao 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh được đề nghị mức án dưới khung?
- 08-01-2024Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt bị đề nghị 30 năm tù
- 08-01-2024Vụ Việt Á: Đề nghị mức án với 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh
Sáng nay (8/1), ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN) bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị mức án 3 – 4 năm tù về “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Ông là một trong ba ủy viên Trung ương Đảng “nhúng chàm” trong đại án Việt Á.
Hai cựu ủy viên Trung ương Đảng khác là: Phạm Xuân Thăng (cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) bị đề nghị 5 - 6 năm tù với cáo buộc "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", nhận 4 tỷ đồng; Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) bị đề nghị 19 – 20 năm tù tội “Nhận hối lộ”.
Viện kiểm sát nhận xét, hành vi của ông Chu Ngọc Anh đã làm cho sản phẩm của Nhà nước bị chiếm dụng; tạo điều kiện cho Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á biến kết quả nghiên cứu của Nhà nước thành sản phẩm của Việt Á, sau đó đăng ký lưu hành, sản xuất thương mại.
Tuy nhiên, ông Chu Ngọc Anh có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn, ăn năn hối cải, đã nộp khắc phục hậu quả, có nhiều bằng khen, gia đình có công với cách mạng. Ông Chu Ngọc Anh được Bộ kH&CN, UBND Hà Nội có văn bản đề nghị giảm nhẹ hình phạt.
Với ông Phạm Công Tạc (cựu thứ trưởng Bộ KH&CN), mặc dù chỉ thừa nhận đã nhận 100 triệu đồng từ Việt Á nhưng dựa trên lời khai các bị cáo, dữ liệu điện tử và các chứng cứ khác, đại diện Viện kiểm sát khẳng định có căn cứ xác định ông Tạc đã nhận 50.000 USD.
“Ông Phạm Công Tạc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được Nhà nước giao, dẫn đến tài sản thuộc sở hữu Nhà nước rơi vào tay tư nhân…”, Viện kiểm sát đánh giá và cho rằng sai phạm của ông Tạc đã “khơi nguồn” cho một chuỗi các hành vi phạm tội khác của nhóm đồng phạm.
Trước đó, trả lời xét hỏi liên quan đến ký các quyết định thực hiện đề tài nghiên cứu kit test có đúng quy định của Điều 26 Luật Khoa học công nghệ không? Ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN) nhanh chóng thừa nhận “đây một quyết định sai phạm”.
Ông nhận thức được hành vi của bản thân trong việc buông lỏng quản lý, kiểm soát đã gây ra những vi phạm được nêu trong cáo trạng... “Bị cáo thực sự đau xót với sai phạm này của mình”, cựu Bộ trưởng KH&CN nói.
Đối với khoản tiền 200.000 USD (tương đương hơn 4 tỷ đồng) được Tổng giám đốc Công ty Việt Á - Phan Quốc Việt biết, ông Chu Ngọc Anh khai hiện "không rõ ở đâu". Nhằm đảm bảo công tác thi hành án, ông Ngọc Anh đã tác động gia đình nộp nộp cho cơ quan tố tụng bằng một khoản tiền khác.
Viện kiểm sát quy kết bị cáo Chu Ngọc Anh giữ chức Bộ trưởng từ tháng 4/2016 - 25/9/2020; còn bị cáo Phạm Công Tạc giữ chức vụ Thứ trưởng, được Bộ trưởng phân công phụ trách lĩnh vực khoa học và công nghệ, trực tiếp theo dõi, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu test xét nghiệm COVID - 19.
Thời gian đương chức, Chu Ngọc Anh đã ký quyết định phê duyệt giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện đề tài, kinh phí thực hiện 18,98 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Trong khi, ông Phạm Công Tạc đã ký quyết định thành lập Hội đồng giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh COVID-19, xác định kinh phí 18,98 tỷ đồng…
Sai phạm của ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc đã gây thất thoát số tiền 18,98 tỷ đồng ngân sách.
Tiền Phong