Sai phạm đất đai ở Khánh Hòa: Thất thoát ngàn tỉ, thu hồi chỉ hơn 66,6 tỉ đồng
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tổng số tiền sai phạm tại các dự án mắc sai phạm cần thu hồi, xử lý là khoảng 1.044 tỉ đồng nhưng mới thu được trên 66,6 tỉ đồng.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo Thanh tra Chính phủ về xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả đối với 35 dự án trên địa bàn tỉnh.
Doanh nghiệp không hợp tác
Sai phạm tại các dự án trên xảy ra giai đoạn từ tháng 1-2010 đến tháng 6-2017, qua kiểm tra - tranh tra đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ kết luận, yêu cầu khắc phục hậu quả.
Theo báo cáo, tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Tổ công tác 52 gồm 22 thành viên do chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm tổ trưởng để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện toàn diện các nội dung liên quan được nêu tại Thông báo 680 ngày 30-8-2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thông báo 301 ngày 4-11-2020 của Thanh tra Chính phủ.
Đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi đất đã giao của 8 dự án, 24 dự án đang được xác định lại giá đất. Ba dự án còn lại đang có đơn thư khiếu nại. Trong đó, đáng chú ý có dự án khu phức hợp Thiên Triều (nay là Mường Thanh Viễn Triều) do Tập đoàn Mường Thanh đầu tư, tại khu vực Bãi Dương (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang). Dự án này đã giao công an tỉnh xác minh, bị buộc thu hồi 11,21 tỉ đồng mà trước đây UBND tỉnh đã quyết định mốc thời gian tính tiền thuê đất trái pháp luật.
Khu phức hợp thương mại khách sạn căn hộ Tropicana Nha Trang nằm mặt tiền đường biển Trần Phú giao cho doanh nghiệp thuê 47 năm với giá chưa tới 500.000 đồng/m2/năm
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, tổng số tiền sai phạm tại các dự án cần thu hồi, xử lý khoảng 1.044 tỉ đồng. Thế nhưng, tính đến ngày 28-4-2021 chỉ mới thu được trên 66,6 tỉ đồng.
Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 12 quyết định thu hồi việc miễn, giảm tiền sử dụng đất không đúng tại 11 dự án với số tiền trên 201 tỉ đồng nhưng chỉ có 9 chủ đầu tư nộp lại hơn 60,2 tỉ đồng; 5/9 chủ đầu tư nộp 5,3 tỉ đồng là tiền chậm nộp.
Về xử lý chênh lệch tăng thêm khi bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng vốn nhà nước không đúng quy định, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu bổ sung phần chênh lệch theo kết luận thanh tra là 20,6 tỉ đồng nhưng mới chỉ 1 doanh nghiệp (DN) nộp lại 48 triệu đồng, một số DN đang khiếu nại.
Đặc biệt, đối với xử lý chênh lệch giá đất, tiền thuê đất, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành thông báo cho các DN nộp bổ sung tiền 823,25 tỉ đồng, song các DN chưa hợp tác.
Nhiều vướng mắc
Trong văn bản ký gửi Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nêu rõ việc UBND tỉnh đang gặp khó khăn, vướng mắc trong xử lý, thu hồi tài sản, tiền thất thoát.
Chẳng hạn, về số tiền chênh lệch tăng thêm khi bán chỉ định tài sản trên đất cho DN thực hiện dự án, khi đề nghị nộp bổ sung thì DN không thực hiện vì cho rằng không đủ cơ sở pháp lý. Về thu hồi chênh lệch giá đất, tiền thuê đất khoảng 821 tỉ đồng như nói trên đang mất nhiều thời gian vì một số dự án phải thuê đơn vị thẩm định giá; đơn vị thẩm định không muốn tham gia vì sợ trách nhiệm.
Đáng nói, có 6 dự án "đất vàng" ở TP Nha Trang đi vào hoạt động và hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, đang gặp khó khăn khi xác định lại giá đất để thu hồi thất thoát. Đó là các dự án: Nha Trang Center 2 (liên quan đến dự án BT Trường Chính trị cũ - số 1 Trần Hưng Đạo); Trung tâm Điện ảnh và Dịch vụ văn hóa Sao Việt (nay là khách sạn Sao Việt - số 10 Hoàng Hoa Thám); khu phức hợp thương mại khách sạn căn hộ Tropicana Nha Trang (số 40 Trần Phú); Mường Thanh Nha Trang (số 60 Trần Phú); khách sạn Horizon (đường Phạm Văn Đồng); khu liên hợp dịch vụ - du lịch - thương mại và trung tâm giới thiệu sản phẩm Nha Trang Seafood F17 (số 2-4 Bãi Dương).
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, 6 dự án này không có cơ sở pháp lý cho việc định giá lại để yêu cầu DN nộp bổ sung hoặc nếu không định giá lại mà yêu cầu DN nộp số tiền theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì DN khó chấp nhận thực hiện vì thiếu cơ sở pháp lý...
Thẩm định giá 351 dự án
Liên quan đến sai phạm đất đai tại tỉnh Khánh Hòa, Bộ Công an đã chuyển cho Khánh Hòa 10 hồ sơ. Trong đó, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố 3 vụ án liên quan đến 4 dự án; khởi tố 5 bị can, trong đó có 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh là Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện việc thẩm định giá của 351 dự án (trong đó có 96 dự án phải thẩm định lại) với tổng kinh phí hơn 15,7 tỉ đồng. Đồng thời, sở này cũng đề nghị bổ sung kinh phí 9 dự án mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ kết luận có vi phạm với kinh phí hơn 565 triệu đồng.
Người lao động