Samsung ra đi khiến dân Trung Quốc 'gánh đủ': Đường phố đìu hiu, mất kế sinh nhai, hàng nghìn người thất nghiệp, xuất khẩu sụt giảm mạnh
Khi không có bất kỳ một nhà sản xuất mới tiềm năng nào xuất hiện để "lấp đầy chỗ trống", thì ít nhất 60% các hộ kinh doanh ở Huệ Châu gần như đã đóng cửa, thậm chí con số này còn tăng cao hơn nữa vào tuần tới nếu tình hình không có gì thay đổi.
- 11-12-2019Một tay "xoay chuyển càn khôn" như du học sinh Trung Quốc: Buộc nhà sản xuất tạo thương hiệu riêng mới để “móc hầu bao”, định hình lại cả ngành bán lẻ phương Tây
- 11-12-2019Wall Street Journal: Mỹ và Trung Quốc lên kế hoạch tạm hoãn lịch áp thuế quan bổ sung ngày 15/12 tới
- 10-12-2019Nghề thịnh hành ở Trung Quốc: Tối tối tán tỉnh các cô gái trẻ độc thân, thấu hiểu hơn cả bạn trai, vừa không bị đánh ghen vừa kiếm được tiền!
- 09-12-2019"Dở khóc dở cười" với xã hội không tiền mặt ở Trung Quốc: Quét mã QR đã được mở rộng cho người nước ngoài nhưng thường xuyên lỗi
Tại thành phố Huệ Châu - phía bắc đồng bằng Châu Giang - từng là khu trung tâm sầm uất của ngành sản xuất chính của Trung Quốc, Li Bing đang nhìn ra quán ăn nhỏ của mình và nhớ lại sự hối hả của nhóm khách hàng bước ra từ nhà máy gần đó. Nhưng 2 tháng qua, cửa hàng của chị chỉ có những chiếc bàn trống. Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra ở khu phức hợp Jinxinda, nằm ở thành phố trung tâm tỉnh Quảng Đông.
Lý do đằng sau cảnh đìu hiu này rất dễ hiểu, đó là Samsung đã đóng cửa nhà máy tại Huệ Châu - đây chính là nhà máy sản xuất smarphone cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc. Trước đây, quán ăn của chị Li luôn tấp nập khách hàng, đó là những công nhân làm việc tại nhà máy Jinxinda. Đây chính là nơi cung cấp "nguồn sống" cho nhiều hộ kinh doanh khác ở khu vực này trong gần 3 thập kỷ.
Tuy nhiên, sau khi Samsung quyết định di dời nhà máy sang Việt Nam và Ấn Độ - nhằm ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì những lãnh đạo trong ngành cũng cân nhắc về vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, những hộ kinh doanh như chị Li phải gánh chịu hậu quả và đang băn khoăn về điều gì sẽ đến tiếp theo.
Li chia sẻ: "Trước khi nhà máy Samsung rời đi, doanh thu của chúng tôi có thể lên tới 60 nghìn CNY (8.500 USD) tới 70 nghìn CNY (9.900 USD) mỗi tháng. Hầu hết khách hàng đều là nhân viên của Samsung. Tuy nhiên, giờ đây, chúng tôi chỉ kiếm được vài trăm CNY mỗi ngày, mỗi tối chỉ 2 đến 3 bàn có khách."
Khi không có bất kỳ một nhà sản xuất mới tiềm năng nào xuất hiện để "lấp đầy chỗ trống", thì ít nhất 60% các hộ kinh doanh gần đó gần như đã đóng cửa, thậm chí con số này còn tăng cao hơn nữa vào tuần tới nếu tình hình không có gì thay đổi.
Liu Kaiming, chủ tịch Viện Giám sát Đương đại, chịu trách nhiệm theo dõi điều kiện làm việc tại hàng trăm nhà máy ở Trung Quốc, cho hay: "Samsung là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới. Nhà máy ở Huệ Châu đã sở hữu toàn bộ hệ sinh thái của chuỗi cung ứng ở Quảng Đông và các tỉnh lân cận trong 20 năm qua. Ít nhất 100 nhà máy ở Quảng Đông sẽ đóng cửa. Họ không thể làm được gì khi thiếu đi nhà máy Samsung Huệ Châu, chưa kể đến các cửa hàng và quán ăn ở khu vực quanh đó."
Tác động của việc nhà máy đóng cửa có hiệu ứng lây lan tới phía tây của Huệ Châu - thị trấn Trường An thuộc thành phố Đông Quản. Nơi này có tới hàng nghìn lao động nhập cư và các giám đốc điều hành của một nhà máy từng được Janus Intelligent - công ty sản xuất robot hàng đầu Trung Quốc - sở hữu. Hiện tại, số giờ làm của công nhân nơi này đã sụt giảm đáng kể. Một số người được yêu cầu nghỉ phép tới 3 tháng, số khác thì chỉ được làm việc từ 1 đến 2 ngày với Samsung - khách hàng lớn nhất của họ kể từ những năm 2000.
Năm ngoái, Janus đã công bố khoản lỗ ròng 2,86 tỷ CNY (405 triệu USD), do đơn hàng từ Samsung bị tạm dừng từ quý IV/2018. Hồi tháng 9, Janus đã bán phần lớn cổ phần của nhà máy tại Đông Hoản cho Fistar Panel Technology. Một giám đốc điều hành của Fistar xác nhận về thương vụ này và từ chối bình luận về kế hoạch sa thải nhân viên.
Kể từ tháng trước, 2/3 số lượng nhân sự của nhà máy này, tương đương hơn 3.000 người, được thông báo rằng họ không cần tiếp tục làm việc với rất nhiều lý do, hầu hết được yêu cầu chỉ làm việc xen kẽ ngày.
Liu Fang, một công nhân đến từ tỉnh Hà Nam, chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy nhà máy đang thực hiện một chiến lược, nhưng họ không nhất thiết phải sa thải hoàn toàn nhân viên. Tuy nhiên, họ lại cho các giám đốc điều hành nghỉ 3 tháng với thu nhập hàng tháng dưới 2.000 CNY (283 USD). Công nhân dây chuyền sản xuất làm việc 1 ngày và sau đó được nghỉ 2 ngày. Do đó, chúng tôi không thể kiếm được thu nhập một cách bình thường và buộc phải rời đi."
Vài năm trước, với chính sách đặt hàng thường xuyên của Samsung, nhà máy này có tới hơn 10.000 công nhân. Nhà máy Janus được đặt ở cả 2 bên đường, thậm chí trạm xe buýt gần đó còn được đặt theo tên của công ty. Liu cho hay: "Ở thời gian cao điểm, nhà máy đã thuê hơn 40 toà nhà dân cư 7 tầng gần đó làm ký túc xá cho nhân viên, nhưng giờ đây chỉ còn 20."
Quay trở lại với Huệ Châu, chính quyền nơi này vẫn chưa xác nhận kế hoạch mới cho nhà máy đang bị bỏ hoang, trong khi người dân địa phương rất mong chờ vị trí này được thay thế. Liu Hua, một chủ cửa hàng tiện lợi, cho biết: "Chi tiêu của người tiêu dùng địa phương đang sụt giảm và thậm chí chết dần. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã giảm ít nhất 80% so với hồi tháng 8. Số lượng công nhân rời đi từ tháng 9 là rất lớn. Mọi cửa hàng ở đây - từ nhà thuốc, siêu thị đến quán cafe, đều phụ thuộc vào nhân viên của Samsung."
Vào "thời kỳ hoàng kim" là năm 2011, khi doanh số bán smartphone của Samsung đứng đầu thế giới, 2 nhà máy ở Huệ Châu và Thiên Tân đã sản xuất tới 70,14 triệu và 55,64 triệu chiếc điện thoại. Theo số liệu của hải quan Huệ Châu, vào tháng 10, tháng đầu tiên sau khi nhà máy Samsung đóng cửa, xuất khẩu từ các doanh nghiệp của thành phố này sụt giảm xuống còn 14 tỷ CNY (2 tỷ USD), giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2017, chỉ riêng nhà máy Huệ Châu đã sản xuất tới 62,57 triệu chiếc điện thoại, chiếm khoảng 31% tổng khối lượng nhập khẩu của thành phố, tương đương 15 tỷ USD. Theo đó, nhà máy này trở thành 1 trong 10 nhà xuất khẩu hàng đầu Trung Quốc. Năm ngoái, nhà máy Huệ Châu rớt xuống vị trí 13 từ thứ 10.
Nhà hàng của chị Li và những người khác quanh khu vực nhà máy đang gặp rất nhiều rủi ro, cho đến khi chính quyền địa phương tìm ra giải pháp, hoặc họ sẽ phải đóng cửa. Li cho hay: "Chúng tôi hy vọng chính quyền địa phương có thể cho một nhà máy với 1.000 đến 2.000 nhân viên hoạt động tại đây. Chỉ có những công nhân mới có thể 'cứu' chúng tôi."
Tham khảo SCMP