MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Samsung 'rót' tiền mạnh tay củng cố thị phần: Không hài lòng với vị trí thứ hai, tự tin vượt qua ‘nhà vô địch’ TSMC trong 5 năm tới

06-07-2023 - 13:24 PM | Tài chính quốc tế

Samsung tin rằng mình có thể giành thị phần từ các nhà sản xuất chip hàng đầu, trong đó có TSMC.

Samsung 'rót' tiền mạnh tay củng cố thị phần: Không hài lòng với vị trí thứ hai, tự tin vượt qua ‘nhà vô địch’ TSMC trong 5 năm tới - Ảnh 1.

"Cơn sốt" ChatGPT tạo đà cho các cổ phiếu công ty sản xuất vi mạch - bộ não của trí tuệ nhân tạo. Ví dụ đáng chú ý nhất là Nvidia - ‘ông vua chip nhớ’ vừa gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ USD với tốc độ tăng trưởng cổ phiếu lên tới gần 200% chỉ tính riêng trong năm nay.

Samsung Electronics, gã khổng lồ Hàn Quốc, cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt cho cuộc đua AI. Được biết đến rộng rãi với các sản phẩm tiêu dùng, hãng này nắm trong tay mảng kinh doanh chip bộ nhớ lớn nhất thế giới kiêm xưởng đúc chất bán dẫn bận rộn thứ hai toàn cầu.

Giới đầu tư đã mua 8 tỷ USD cổ phiếu Samsung trong năm nay - một con số kỷ lục kể từ năm 2000, theo dữ liệu công ty CLSA cung cấp. Điều này trái ngược hoàn toàn với tình trạng bán tháo 3 năm trước đó - thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin vào tập đoàn.

Tại một sự kiện diễn ra ở California hồi tuần trước, Samsung trình bày chi tiết “tầm nhìn trong kỷ nguyên A.I” và tin rằng mình có thể giành thị phần từ các nhà sản xuất chip hàng đầu, trong đó có TSMC. Được biết, TSMC chiếm khoảng 60% tổng doanh thu mảng kinh doanh chip nhớ toàn cầu, trong khi Samsung chỉ có 13%. Khoảng cách này giãn rộng kể từ năm 2021, sau khi một số khách hàng của Samsung, bao gồm Nvidia, chuyển sang hợp tác với TSMC.

Theo The New York Times, Samsung đã chi 7,4 tỷ USD trong quý I cho hoạt động kinh doanh chip nhớ, bất chấp lợi nhuận giảm 95%. Hãng cũng đang mở rộng sản xuất tại khu phức hợp Pyeongtaek, cách Seoul khoảng 40 dặm về phía nam và một nhà máy sản xuất chip ở Texas. 20 năm tới, Samsung còn lên kế hoạch hợp tác với chính phủ xây dựng một “siêu cụm” sản xuất chip ở Hàn Quốc - một dự án trị giá 230 tỷ USD.

Được biết, các máy chủ phục vụ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có thể yêu cầu bộ nhớ mạnh gấp 4 lần, hay được gọi là DRAM. Samsung hiện chiếm khoảng 45% thị trường DRAM toàn cầu, đồng thời là công ty chip lớn duy nhất đầu tư vào sản xuất dù giá bộ nhớ sụt giảm trên toàn ngành.

Ngành công nghiệp chip nhớ đã chứng kiến một loạt chu kỳ bùng nổ và xuống dốc. Sau khi nhu cầu chất bán dẫn tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch, các nhà sản xuất bắt đầu phải đối mặt với một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất vào mùa thu năm ngoái. Các đối thủ của Samsung, bao gồm Micron Technology của Mỹ và SK Hynix của Hàn Quốc, đều khẳng định sẽ cắt giảm đầu tư sản xuất trong năm nay.

Theo một số chuyên gia, quyết định chi tiêu mạnh tay của Samsung trong chu kỳ giảm giá sẽ được đền đáp về lâu về dài, sau khi lĩnh vực chip phục hồi một phần nhờ trí tuệ nhân tạo.

“Nếu nhu cầu quay trở lại, họ đã sẵn sàng”, ông Rana, chuyên gia phân tích tại CLSA nói.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến hoài nghi cho rằng Samsung khó có thể chen chân vào lĩnh vực mới nhất là sau thất bại hồi năm ngoái, khi Nvidia chọn SK Hynix làm nhà cung cấp chip bộ nhớ công suất cao.

Samsung 'rót' tiền mạnh tay củng cố thị phần: Không hài lòng với vị trí thứ hai, tự tin vượt qua ‘nhà vô địch’ TSMC trong 5 năm tới - Ảnh 2.

Samsung tin rằng mình có thể giành thị phần từ các nhà sản xuất chip hàng đầu, trong đó có TSMC.

Hiện tại, SK Hynix kiểm soát khoảng 50% thị trường bộ nhớ băng thông cao (HBM) so với 40% của Samsung, theo TrendForce, một công ty nghiên cứu thị trường. Cổ phiếu SK Hynix tăng hơn 50% trong năm nay, vượt qua mức tăng 30% của Samsung. Samsung cho biết họ đã bắt đầu cung cấp cho “những khách hàng quan trọng” một phiên bản cạnh tranh của HBM. Thế hệ tiếp theo của HBM sẽ được ra mắt trong năm nay.

Nam Hyung Kim, nhà phân tích tại Arete Research, một công ty nghiên cứu cổ phiếu, cho biết sự tụt hậu của Samsung trong công nghệ HBM có thể là chỉ dấu mang tính vĩ mô. Trong một báo cáo hồi tháng 2, Micron cũng đã vượt qua công nghệ DRAM của Samsung.

“Vấn đề với Samsung là họ luôn muốn trở nên thật lớn mạnh”, ông Kim nói, đồng thời cho biết Samsung nên đầu tư nghiên cứu thay vì chiến đấu vì thị phần. “Họ đang tiêu quá nhiều tiền, song không còn là người dẫn đầu về công nghệ nữa. Samsung lớn hơn Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh, song có mấy người nghĩ rằng hãng này có thể tạo ra một chiếc smartphone tốt hơn iPhone chứ?”.

Đáp lại, Samsung khẳng định đã đạt một số thành công nhất định trong công nghệ bán dẫn tiên tiến và có thể cung cấp cho khách hàng “các giải pháp toàn diện” trong bối cảnh AI bùng nổ.

Vào tháng 5, chủ tịch bộ phận bán dẫn Samsung Kyung Kye-hyun thừa nhận đúng là công ty đã “tụt hậu” so với TSMC những 2 năm. Tuyên bố được coi là sự thừa nhận hiếm hoi của một công ty từ lâu vẫn luôn tự hào về vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ.

Dẫu vậy, ông Kyung chắc nịch rằng chip bộ nhớ của Samsung sẽ trở thành yếu tố “cốt lõi” của A.I. siêu máy tính vào năm 2028. “Chúng tôi có thể vượt trội hơn TSMC trong vòng 5 năm tới”, ông nói.

Theo CNBC, Samsung là một trong ba công ty sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới - xếp sau TSMC và đứng trước Intel. Hãng này hiện đang đặt mục tiêu sớm bắt kịp TSMC trong tương lai.

“Chúng tôi không muốn vị trí số 2. Samsung không bao giờ hài lòng với vị trí này”, Jon Taylor, phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật nhà máy của Samsung nói, đồng thời cho biết công ty đang theo đuổi mục tiêu tăng gấp ba công suất sản xuất vào năm 2025 và giảm kích thước chip nhớ xuống còn 1,4 nanomet vào năm 2027.

Thực tế, Samsung bắt đầu hoạt động cách đây 85 năm với tư cách là một công ty thương mại xuất khẩu trái cây, rau và cá tại Hàn Quốc. “Tầm nhìn của nhà sáng lập là công ty sẽ trường tồn và luôn mạnh mẽ. Ông ấy đã quyết định chọn cái tên Samsung, nghĩa là ba ngôi sao sáng”, người đứng đầu bộ phận kinh doanh chip nhớ của Samsung tại Mỹ Jinman Han nói.

Để tồn tại qua hai cuộc chiến tranh lớn, Samsung tiếp tục đa dạng hóa sản xuất sang các lĩnh vực khác như dệt may và bán lẻ. Công ty Điện tử Samsung theo đó được thành lập vào năm 1969 ra cho ra mắt chiếc TV đầu tiên vào năm 1972. Hai năm sau, Samsung cũng mua lại Hankook Semiconductor nhằm củng cố vị thế.

Samsung mở văn phòng đầu tiên tại New Jersey, Mỹ vào năm 1978. Đến năm 1983, hãng sản xuất thành công con chip (DRAM) 64KB thường được sử dụng trong máy tính. Công ty khi đó cũng mở văn phòng mới tại Thung lũng Silicon.

Trong hơn 3 thập kỷ, Samsung dẫn đầu lĩnh vực chip nhớ, song vẫn không thể miễn nhiễm với sự hỗn loạn thị trường hồi năm ngoái. Giá chip nhớ ảm đạm khiến hãng này ghi nhận kết quả kinh doanh quý I không mấy khả quan, trong khi lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Giữa đống đổ nát, công ty khổng lồ này vẫn tìm thấy cơ hội tăng trưởng. Họ đang cho xây dựng một nhà máy chế tạo chip trị giá 17 tỷ USD ở Taylor, Texas, đồng thời hứa hẹn bắt đầu sản xuất chip tiên tiến đầu tiên tại Mỹ vào năm tới. Tại quê nhà, hãng cũng đang cải thiện công suất và chi 228 tỷ USD cho 5 nhà máy chip lớn nhỏ, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2042.

Theo: The New York Times, CNBC

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên